SCB có Quyền Tổng giám đốc mới

Ngân hàng Sài Gòn (SCB) vừa công bố quyết định của Hội đồng quản trị (HĐQT) về việc bổ nhiệm nhân sự cấp cao. Theo đó, ông Trương Khánh Hoàng sẽ đảm nhận vị trí Quyền Tổng Giám đốc của Ngân hàng Sài Gòn (SCB) từ ngày 15/5/2021 thay cho ông Jeremy Chen.

Ngân hàng TCMP Sài Gòn (SCB) vừa công bố quyết định của Hội đồng quản trị về việc bổ nhiệm nhân sự cấp cao. Cụ thể, ông Trương Khánh Hoàng sẽ đảm nhận vị trí Quyền Tổng Giám đốc của SCB từ ngày 15/5/2021 thay cho ông Jeremy Chen.

Đây cũng là lần thứ 3 trong vòng 10 tháng qua, SCB có quyết định thay đổi nhân sự đứng đầu ban điều hành.

Trước đó, tháng 7/2020, ông Võ Tấn Hoàng Văn - người giữ chức Tổng giám đốc SCB suốt 7 năm qua xin từ nhiệm. Ông Hoàng Minh Hoàn - Phó Tổng Giám đốc phụ trách Khối Quản trị tài chính & Nguồn vốn lên làm Quyền Tổng giám đốc kể từ ngày 29/07/2020.

Hơn 2 tháng sau, ngày 10/10/2020, ông Hoàn bất ngờ nhường ghế cho ông Chen Yi-Chung (Jeremy Chen) giữ vị trí Quyền Tổng Giám đốc để về giữ chức Phó Tổng giám đốc thường trực.

Việc thay CEO liên tục trong một thời gian ngắn ( chỉ trong vòng 10 tháng đã có 3 quyền TGĐ) cho thấy SCB đang có một sự thay đổi nhiều trong chiến lược kinh doanh hoặc sử dụng con người.

Theo giới thiệu của SCB, ông Trương Khánh Hoàng đã có nhiều năm kinh nghiệm trong lĩnh vực tài chính ngân hàng. Trước khi công tác tại SCB, ông Hoàng đã từng đảm nhiệm nhiều vị trí như: Giám sát phụ trách Thị trường vốn & Quan hệ đầu tư – Công ty Cổ phần Tập đoàn Nova; Giám đốc phụ trách Tài chính dự án cấp cao – Công ty Cổ phần Phát triển Bất động sản Alpha King…Ông Hoàng cũng trải qua các vị trí: Phó Tổng Giám đốc phụ trách Khối Tái thẩm định, Phó Tổng Giám đốc phụ trách Điều hành Khối Phê duyệt Tín dụng và Xử lý nợ, Phó Tổng Giám đốc thường trực, trước khi đảm nhận vị trí Quyền Tổng Giám đốc.

Năm 2020, Ngân hàng Nhà nước đã phê duyệt Đề án cơ cấu lại SCB gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2019-2020, tầm nhìn đến năm 2030.

Theo lãnh đạo ngân hàng này, SCB hiện còn nắm giữ hơn 20.000 tỷ đồng trái phiếu VAMC, song đã trích dự phòng hơn 40%. Quỹ dự phòng của SCB đã lên đến trên 10.000 tỷ đồng nên vẫn đang nỗ lực xử lý nợ xấu để sớm hoàn nhập dự phòng sau khi kết thúc quá trình tái cấu trúc, xử lý hết nợ xấu. Hiện nay, quá trình xử lý nợ xấu đã có cơ chế của VAMC.

Trong quá trình tái cấu, SCB tái cấu trúc các khoản nợ cho phù hợp với thị trường cũng như phù hợp với từng giai đoạn phát triển. Nợ xấu của SCB đều có tài sản bảo đảm liên quan đến bất động sản có tiềm năng (khu công nghiệp, bất động sản nhà ở), không có hàng tồn kho.

SCB là Ngân hàng có quy mô tổng tài sản nằm trong top 5 Ngân hàng TMCP lớn nhất Việt Nam và dẫn đầu trong nhóm các ngân hàng ngoài quốc doanh. Tổng tài sản 2020 của SCB đạt 632.648 tỷ đồng, tăng hơn 11% so với năm 2019.

Vừa qua, trên cơ sở chấp thuận của NHNN và Ủy Ban Chứng Khoán Nhà nước, SCB chính thức công bố phát hành thêm 500 triệu cổ phần để thực hiện tăng vốn điều lệ thêm 5.000 tỷ đồng và dự kiến sẽ hoàn tất trong tháng 06/2021.

P.V

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/scb-co-quyen-tong-giam-doc-moi-post1337040.tpo