SCIC mang đống tiền đi đầu tư không hiệu quả

Theo Kiểm toán Nhà nước, Tổng Công ty Đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) đầu tư vào nhiều công trình, đặc biệt là các dự án bất động sản không hiệu quả, gây ứ đọng vốn nhà nước…

Kiểm toán Nhà nước vừa có báo cáo kết quả kiểm toán tại Tổng Công ty Đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước (SCIC), trong đó chỉ ra một số tồn tại, sai phạm trong hoạt động của đơn vị này.

Đầu tư không có đột phá

Cụ thể, việc lựa chọn ngân hàng gửi tiền được thực hiện theo quy chế là các ngân hàng thương mại có quy mô lớn... Tuy nhiên, việc hướng dẫn còn chung chung, không quy định cụ thể. Bên cạnh đó, quy chế quản lý tiền gửi chưa quy định việc xây dựng phương pháp xác định lượng tiền nhàn rỗi, thời gian gửi tiền…

Kiểm toán Nhà nước kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo SCIC thực hiện nghiêm kết luận của kiểm toán. Ảnh: Internet

Kiểm toán Nhà nước kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo SCIC thực hiện nghiêm kết luận của kiểm toán. Ảnh: Internet

SCIC đầu tư gần 42.000 tỉ đồng, trong đó cho vay ngắn hạn hơn 26.700 tỉ đồng, đầu tư dài hạn là gần 13.500 tỉ đồng nhưng cơ cấu danh mục đầu tư chưa hợp lý, chủ yếu là hoạt động gửi tiền có kỳ hạn.

Lợi ích thu được chủ yếu từ cổ tức của một số ít doanh nghiệp (DN) SCIC nhận bàn giao, như Công ty Cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk) 3.067,3 tỉ đồng, FTel 295,68 tỉ đồng... Còn lại tỉ suất lợi nhuận của các đơn vị khác đều thấp, có 61/122 DN không có lợi nhuận...

“Nguyên nhân, các DN không được chia cổ tức trong năm 2017 là do một số DN kinh doanh thua lỗ (29/60 DN), một số DN có lãi nhưng thấp nên không chia cổ tức (9/60 DN) hoặc DN bị thu hồi đăng ký kinh doanh (2/60 DN) hoặc tỉ lệ vốn của SCIC thấp nên không quyết định được việc chia cổ tức (17/60 DN…” - Kiểm toán Nhà nước chỉ rõ.

Cũng theo Kiểm toán Nhà nước, các khoản SCIC tự đầu tư hiệu quả thấp (tỉ suất sinh lời năm 2017 là 6,4% trên giá trị vốn đầu tư). Trong đó, chủ yếu là lợi tức từ khoản đầu tư trái phiếu chính phủ 330 tỉ đồng, trái phiếu MB Bank 101 tỉ đồng, Công ty Cổ phần Hạ tầng và Bất động sản Việt Nam 26,8 tỉ đồng…

Bên cạnh đó, nhiều khoản đầu tư không có hiệu quả như phương án ban đầu. Cụ thể, góp vốn vào Công ty CP Nhiệt điện Hải Phòng với tổng giá trị đầu tư là 489,28 tỉ đồng từ năm 2009, cổ tức SCIC nhận được từ năm 2013-2017 chỉ 135 tỉ đồng; hoặc đầu tư không có hiệu quả, đơn vị đầu tư sản xuất kinh doanh thua lỗ như góp vốn vào Công ty CP Nhiệt điện Quảng Ninh với tổng giá trị đầu tư là 571,57 tỉ đồng (từ năm 2009).

Từ thời điểm đầu tư đến nay SCIC mới nhận được cổ tức với mức 5% tương đương với 25,7 tỉ đồng. Đặc biệt, ngày 31-12-2017, SCIC phải thực hiện trích lập dự phòng đầu tư tài chính đối với khoản đầu tư này với số tiền là 150 tỉ đồng.

Theo báo cáo của SCIC, nguyên nhân chủ yếu là do các dự án thi công chậm tiến độ, điều chỉnh tổng mức đầu tư tăng do chênh lệch tỉ giá và chi phí lãi vay lớn, khi đi vào hoạt động gặp sự cố kỹ thuật nhiều (chất lượng thiết bị Trung Quốc không ổn định). Hơn nữa, tại hai công ty nhiệt điện này, SCIC triển khai việc bán vốn nhưng không có nhà đầu tư quan tâm và đăng ký tham gia mua cổ phần.

Bên cạnh đó, năm 2008 SCIC góp vốn vào dự án của Công ty Cổ phần Đầu tư và dịch vụ Thăng Long để triển khai dự án xây dựng cao ốc, văn phòng, căn hộ tại khu đất số 6 Thăng Long, phường 4, quận Tân Bình, TP.HCM nhưng đến nay dự án chưa triển khai.

Ngoài ra, SCIC góp 199 tỉ đồng (từ năm 2007) để hợp tác với Bảo Việt Nhân Thọ thực hiện dự án tháp tài chính trên khu đất 220 Trần Duy Hưng, quận cầu Giấy, Hà Nội, đến nay dự án chưa triển khai. Hay góp vốn vào dự án Công ty CP Tháp truyền hình Việt Nam với số tiền 49,5 tỉ đồng từ năm 2015 nhưng gặp khó khăn. Đến năm 2017, SCIC mới được Thủ tướng chấp thuận chủ trương thoái vốn khỏi dự án…

Nhiều “ông lớn” lỗ kéo dài

Đối với việc chuyển giao các DN nhà nước về SCIC, Kiểm toán Nhà nước nhận thấy một số DN có kết quả kinh doanh thua lỗ, nhiều tồn tại về tài chính, có trường hợp DN số lỗ lũy kế tại thời điểm tiếp nhận gần bằng hoặc cao hơn giá trị ghi sổ của SCIC nhưng chưa được xử lý dứt điểm trước lúc bàn giao.

Ví dụ Công ty CP Du lịch và Xúc tiến thương mại lỗ 5,8 tỉ đồng; Công ty CP Nước khoáng và Du lịch Sơn Kim lỗ 1,8 tỉ đồng; Công ty CP Du lịch Quảng Ngãi lỗ 14,6 tỉ đồng; Công ty CP Nhựa Việt Nam (VNP) lỗ lũy kế tại thời điểm tiếp nhận là 126 tỉ đồng...

Bên cạnh đó, Kiểm toán Nhà nước cho rằng việc việc thực hiện trách nhiệm người đại diện vốn của SCIC còn một số tồn tại.

Việc đầu tư xây dựng, Kiểm toán Nhà nước cho biết một số dự án đầu tư còn chậm tiến độ, có dự án dừng không thực hiện hoặc phải dừng triển khai trong một thời gian dài làm hiệu quả dự án không đạt được so với mục tiêu.

Cụ thể, dự án Khu đô thị mới Bắc An Khánh, ngày 18-8-2006, Vinaconex ký hợp đồng liên danh với Posco thành lập Công ty TNHH Phát triển đô thị mới An Khánh (An Khánh JVC) để thực hiện dự án Khu đô thị mới Bắc An Khánh với quy mô 264,4 ha, tổng vốn đầu tư 3.391 tỉ đồng, thời hạn hoạt động dự án 50 năm.

Nhưng đến nay, số lỗ lũy kế đến 30-6-2018 của An Khánh JVC là 965,43 tỉ đồng. Kiểm toán Nhà nước cho biết theo báo cáo của đơn vị, nguyên nhân chủ yếu dẫn tới công ty kinh doanh thua lỗ do tồn kho lớn (tồn 240 căn chung cư từ 2013). Ngoài ra, việc dự án phải dừng thực hiện trong bốn năm, trong khi vẫn phát sinh chi phí lãi vay 450,685 tỉ đồng và chênh lệch tỉ giá 728,364 tỉ đồng.

Yêu cầu xử lý tập thể, cá nhân

Với những sai phạm trên, Kiểm toán Nhà nước kiến nghị xử lý tài chính đối với Công ty TNHH MTV Đầu tư SCIC trên 20,2 triệu đồng; Tổng Công ty CP XNK Xây dựng Việt Nam trên 4,7 tỉ đồng;...

Bên cạnh đó, SCIC xem xét kiểm điểm rút kinh nghiệm đối với cá nhân, tập thể liên quan đến việc đầu tư vào một số dự án bất động sản không hiệu quả, gây ứ đọng vốn nhà nước trong thời gian dài tại Công ty CP Đầu tư và Dịch vụ Thăng Long.

Tại Vinaconex, xem xét kiểm điểm trách nhiệm tập thể, cá nhân có liên quan đến những tồn tại trong công tác quản lý công nợ, không thu hồi được nợ tại Công ty VC1 (cụ thể là trách nhiệm của người đại diện của Vinaconex tại VC1 giai đoạn từ năm 2011-2017).

Kiểm toán Nhà nước cũng kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo SCIC sử dụng Quỹ Đầu tư phát triển có hiệu quả và tuân thủ theo đúng các quy định của pháp luật, khắc phục tình trạng sử dụng quỹ chưa hiệu quả; chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương thực hiện nghiêm túc việc chuyển giao quyền đại diện chủ sở hữu nhà nước tại doanh nghiệp cho SCIC theo đúng quy định và đúng thời hạn.

Đặc biệt, Kiểm toán Nhà nước kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo SCIC chỉ đạo các đơn vị được kiểm toán thực hiện nghiêm túc, kịp thời các kết luận, kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước…

Phó tổng giám đốc SCIC là 68 triệu đồng/tháng

Tổng thu nhập năm 2017 (tiền lương và thu nhập khác) của SCIC là 90,22 tỉ đồng. Thu nhập viên chức quản lý bình quân năm 2017 là 68 triệu đồng/người/tháng, giảm 2,09 triệu đồng/người/tháng so với năm 2016 (70 triệu đồng/người/tháng).

Thu nhập của phó tổng giám đốc phụ trách của SCIC là 68 triệu đồng/người/tháng (năm 2017 đơn vị chưa có tổng giám đốc). Thu nhập của người lao động bình quân là 37,8 triệu đồng/người/tháng.

VIẾT LONG - CHÂN LUẬN

Nguồn PLO: http://plo.vn/thoi-su/scic-mang-dong-tien-di-dau-tu-khong-hieu-qua-810078.html