Sẽ bổ sung tính năng hệ thống CNTT phù hợp Nghị định 59 và Thông tư 39

Nghị định 59/2018/NĐ-CP, Thông tư 38/2018/TT-BTC và Thông tư 39/2018/TT-BTC được xây dựng theo hướng đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong các hoạt động nghiệp vụ hải quan, qua đó góp phần giảm bớt sự tiếp xúc giữa công chức hải quan và DN trong việc giải quyết thủ tục hành chính và đơn giản hóa thủ tục cho DN.

Ông Âu Anh Tuấn-Quyền Cục trưởng Cục Giám sát quản lý về hải quan cho biết, Tổng cục Hải quan sẽ làm việc trực tiếp với các hiệp hội DN để nắm bắt tình hình triển khai chính sách mới. Ảnh: Quang Hùng

Kịp thời tiếp nhận xử lý vướng mắc

Qua một tháng triển khai các văn bản mới Nghị định 59/2018/NĐ-CP, Thông tư 38/2018/TT-BTC và Thông tư 39/2018/TT-BTC đã giải quyết được các vướng mắc, tồn tại, sơ hở và chưa phát sinh các vướng mắc lớn. Tuy nhiên, các cục hải quan tỉnh, thành phố cũng như cộng đồng DN cũng phản ánh một số khó khăn, bất cập liên quan đến các quy định mới tại các văn bản mới ban hành.

Tại Hội nghị trực tuyến sơ kết công tác 6 tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2018 của Tổng cục Hải quan tổ chức sáng 6/7, Quyền Cục trưởng Cục Giám sát quản lý về hải quan Âu Anh Tuấn cho biết, hiện tại vẫn còn bất cập liên quan đến hệ thống công nghệ thông tin.

Theo phản ánh của các đơn vị thì Nghị định và Thông tư sửa đổi có nhiều nội dung quy định phải thực hiện trên hệ thống nhưng đến thời điểm hiện nay hệ thống CNTT của ngành vẫn chưa có chức năng để thực hiện hoặc đã có nhưng chưa hỗ trợ cho công chức hải quan trong việc thực hiện thủ tục hải quan.

Ví dụ như chưa có chức năng hệ thống cho phép nộp hồ sơ miễn thuế, hoàn thuế, giảm thuế, chưa có hệ thống quản lý, theo dõi và trừ lùi giấy phép, giấy chứng nhận xuất xứ (C/O), quản lý hàng đưa về bảo quản, chức năng chặn tờ khai trùng, tách vận đơn trong trường hợp nhiều khai nhiều tờ khai cho một vận đơn, dung lượng các chứng từ điện tử gửi kèm qua hệ thống chỉ tối đa 2MB nên một số chứng từ có dung lượng lớn không gửi được bằng phương thức điện tử... nên vẫn phải thực hiện thủ công thông qua hồ sơ, chứng từ giấy.

Hay vấn đề liên quan xử phạt về khai bổ sung hồ sơ hải quan, theo quy định mới tại Thông tư 39 thì người khai hải quan nếu phát hiện sai sót trong việc khai hải quan và khai bổ sung sau thời điểm phân luồng thì bị xử lý theo quy định của pháp luật xử lý vi phạm hành chính (trước đây cho phép khai bổ sung đến thời điểm công chức hải quan kiểm tra trực tiếp hồ sơ).

Theo phản ánh của các cục hải quan tỉnh, thành phố thì việc khai bổ sung diễn ra sau thời điểm phân luồng khá phổ biến và chế tài xử phạt tại Nghị định 127/2013/NĐ-CP và Nghị định 45/2016/NĐ-CP chưa bổ sung tương ứng với các quy định mới.

Về quy định 1 giờ làm việc sau khi nhận được chứng từ mà người khai hải quan gửi qua hệ thống, công chức hải quan phải kiểm tra và phản hồi qua hệ thống về việc đã nhận đủ hồ sơ gây áp lực cho công chức hải quan trong việc kiểm tra tính đầy đủ hồ sơ hải quan, đặc biệt là trong những thời điểm cuối ngày làm việc DN đồng loạt gửi hồ sơ thông qua hệ thống dẫn đến thời gian xử lý không đáp ứng được theo quy định tại Thông tư 39/2018/TT-BTC...

Ngoài ra, các cục hải quan tỉnh, thành phố còn phản ánh các khó khăn bất cập khác liên quan đến việc kiểm hóa hộ, thủ tục hải quan đối với hàng hóa quá cảnh, vận chuyển độc lập, kiểm tra xác định trị giá hải quan, việc triển khai hệ thống giám sát, quản lý hàng hóa tự động tại các cảng biển, cảng hàng không còn lại và các kho, bãi địa điểm trong nội địa như kho ngoại quan, kho CFS, ICD, địa điểm tập kết, kiểm tra tập trung đối với hàng hóa XK, NK...

Theo ông Âu Anh Tuấn, nhiều vướng mắc của hải quan địa phương được Tổng cục Hải quan tổng hợp và đã có văn bản trả lời cụ thể.

Hoàn thiện chức năng CNTT giảm tiếp xúc hải quan-DN

Bên cạnh đó, trong thời gian tới, Tổng cục Hải quan sẽ xây dựng mới một số chức năng của hệ thống CNTT để DN thực hiện khai báo và cơ quan Hải quan phản hồi thông tin lại cho DN. Các chức năng sẽ được hoàn thiện, bổ sung gồm: Khâu giải quyết thủ tục hải quan đối với hàng hóa XK, NK; khâu giám sát hải quan tại các khu vực cửa khẩu cảng biển, sân bay, các kho bãi, địa điểm thuộc địa bàn hoạt động hải quan; thủ tục hải quan đối với hàng hóa vận chuyển độc lập; và quản lý hàng gia công, sản xuất XK.

Đồng thời, các quy trình thủ tục hải quan cũng đang được hoàn thiện, dự kiến trong tháng 7/2018, Cục Giám sát quản lý về hải quan sẽ chủ trì xây dựng và trình Tổng cục ban hành Quy trình nghiệp vụ hải quan đối với hàng hóa XK, NK.

Dự kiến đây là quy trình tổng thể, trong đó hướng dẫn các CBCC thực hiện các công việc trong quá trình giải quyết thủ tục hải quan, giám sát hải quan đối với một lô hàng XK, NK từ khâu trước thông quan, trong thông quan đến sau thông quan và bao gồm tất cả các khâu nghiệp vụ: kiểm tra hồ sơ, tên hàng, mã số, trị giá, xuất xứ, sở hữu trí tuệ, việc áp dụng các chính sách thuế...; hướng dẫn cụ thể đối với từng loại hình cửa khẩu (đường biển, đường hàng không, đường bộ, đường sắt...), cách thức ứng xử, trách nhiệm của công chức hải quan tại mỗi bước trong quy trình.

Ông Âu Anh Tuấn cho biết, Cục Giám sát quản lý về hải quan và các đơn vị liên quan sẽ làm việc trực tiếp với các Hiệp hội DN lớn để để kịp thời nắm bắt tình hình triển khai các quy định mới và giải quyết ngay các vướng mắc, bất cập phát sinh, Dự kiến tuần từ 9-15/7/2018 sẽ làm việc với Hiệp hội dệt may và một số DN dệt may.

Ông Tuấn cũng lưu ý các đơn vị hải quan địa phương cần nâng cao năng lực, trách nhiệm trong giải quyết các vướng mắc của DN, chủ động giải quyết ngay tại cơ sở các vướng mắc trong thẩm quyền. Tổng cục Hải quan sẽ tiếp tục tổng hợp các vướng mắc, khó khăn của cộng đồng DN, các cục hải quan địa phương liên quan đến các quy định tại các văn bản mới ban hành để có hướng dẫn kịp thời. Trường hợp vướng mắc vượt thẩm quyền sẽ tổng hợp để báo cáo Bộ, Chính phủ.

Tăng cường các hoạt động thanh tra, kiểm tra công vụ

"Ngoài việc đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong các khâu nghiệp vụ hải quan, Nghị định 59/2018/NĐ-CP, Thông tư 38/2018/TT-BTC, Thông tư 39/2018/TT-BTC và quy trình nghiệp vụ được ban hành hướng tới việc cụ thể hóa, cá thể hóa trách nhiệm của công chức hải quan tại từng khâu nghiệp vụ; nâng cao năng lực quản lý của cơ quan hải quan tại tất cả các khâu công tác. Để đảm bảo việc thực thi của cán bộ công chức, tránh phiền hà, sách nhiễu hoặc các việc làm không đúng quy trình nghiệp vụ, không đúng quy định của pháp luật, các Vụ, Cục thuộc Tổng cục Hải quan cần xây dựng kế hoạch thanh tra, kiểm tra, giám sát việc làm của cán bộ công chức hải quan nhằm kịp thời phát hiện, chấn chỉnh và xử lý sai phạm."-ông Âu Anh Tuấn nhấn mạnh.

Ngọc Linh

Nguồn Hải Quan: http://www.baohaiquan.vn/pages/se-bo-sung-tinh-nang-he-thong-cntt-phu-hop-nghi-dinh-59-va-thong-tu-39.aspx