Sẽ chấn chỉnh lại hoạt động của các Trung tâm bảo trợ xã hội trên địa bàn TP.HCM

Sau nhiều vụ việc xâm hại trẻ em xảy ra trên địa bàn TP.HCM, nhất là sự việc một nhân viên của Trung tâm hỗ trợ xã hội thành phố có hành vi dâm ô với nhiều bé gái tại trung tâm, nhiều đại biểu HĐND Thành phố đã đặt vấn đề trách nhiệm của các cơ quan quản lý trong công tác phòng chống tội phạm lĩnh vực này tại kỳ họp thứ 17, HĐND TP.HCM khóa IX.

Đại biểu Thi Thị Tuyết Nhung cho rằng cần phải chấn chỉnh hoạt động của các Trung tâm bảo trợ xã hội (ảnh: Trọng Tín)

Đại biểu Thi Thị Tuyết Nhung (Quận 7) yêu cầu Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP.HCM phải làm rõ trách nhiệm của các cán bộ và quy trình quản lý tại các trung tâm của Sở này. "Sự việc đáng tiếc xảy ra tại Trung tâm hỗ trợ xã hội thành phố vừa qua thì lãnh đạo Sở Lao động – Thương binh và Xã hội có xem xét lại quy trình quản lý chưa, có tổng rà soát hoạt động của các nơi này chưa?", bà Nhung đặt vấn đề.

Còn Đại biểu Châu Trương Hoàng Thảo (Quận 6) cũng trăn trở về tình hình tội phạm xâm hại trẻ em có chiều hướng gia tăng và ngày càng phức tạp hơn, nhất là tại các trung tâm bảo trợ xã hội. Điều này đặt ra vấn đề về vai trò, trách nhiệm của cơ quan chức năng trong công tác đấu tranh phòng chống tội phạm trong lĩnh vực này như thế nào.

Trả lời câu hỏi của các đại biểu, ông Lê Minh Tấn, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP.HCM cho biết, Sở đã tiến hành rà soát lại quy trình quản lý các trung tâm, chấn chỉnh nội quy, quy chế và sẽ không để xảy ra sự việc tương tự như vừa qua.

Ông Lê Minh Tấn, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP.HCM (ảnh: Trọng Tín)

Theo ông Tấn, đơn vị này hiện đang quản lý 17 cơ sở nuôi dưỡng các đối tượng yếu thế, dễ bị tổn thương. Có 1.874 cán bộ công chức viên chức làm việc ở các cơ sở này thực hiện quản lý 6.300 đối tượng yếu thế, trong đó trẻ em chiếm đến 80%. Các đối tượng của các trung tâm bảo trợ xã hội có khi là những người già không tự chăm sóc, là trẻ bại não, trẻ lang thang…

“Dù Trung tâm hỗ trợ xã hội thành phố là đơn vị sự nghiệp, có pháp nhân, có Ban Giám đốc… nhưng khi sự việc xảy ra, lãnh đạo Sở Lao động – Thương binh và Xã hội Thành phố Hồ Chí Minh vẫn phải chịu trách nhiệm”, ông Tấn nói.

Đối với vụ việc xảy ra tại Trung tâm Hỗ trợ xã hội TP.HCM, ông Lê Minh Tấn cho rằng đây là sự việc xảy ra ngoài ý muốn của sở. “Rất là đau buồn trước sự việc trên. Do đó, sở hạ quyết tâm hạn chế thấp nhất và không để xảy ra tình trạng trên”, ông Tấn nói và khẳng định sở cũng đang tiến hành kiểm điểm trách nhiệm cán bộ, công chức, nhân viên có liên quan đến vụ việc. Việc Kiểm điểm này từ ban giám đốc, giám đốc, phó giám đốc trung tâm, trưởng các phòng ban, cán bộ liên quan.

Ông Tấn cũng cho rằng sự việc xảy ra tại Trung tâm Hỗ trợ xã hội TP.HCM là một bài học chung cho công tác quản lý, chăm sóc học viên tại các trung tâm. “Hiện sở đang rà soát tất cả 17 trung tâm để chấn chỉnh nội dung, quy chế, quản lý, chăm sóc học viên”, ông Tấn nhấn mạnh.

Trọng Tín

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/se-chan-chinh-lai-hoat-dong-cua-cac-trung-tam-bao-tro-xa-hoi-tren-dia-ban-tphcm-d112491.html