Sẽ chỉ còn khoảng 100 doanh nghiệp nhà nước vào năm 2020

Đây là thông tin được đưa ra tại Diễn đàn 'Thúc đẩy quá trình đổi mới và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước' do Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức tại Hà Nội, ngày 6/11/2018. Việc phát huy vai trò của doanh nghiệp nhà nước đối với nền kinh tế được nhiểu chuyên gia quan tâm tại diễn đàn.

Cần đẩy mạnh tuyên truyền việc cổ phần hóa doanh nghệp nhà nước

Qua hơn 20 năm cải cách không ngừng, số lượng doanh nghiệp nhà nước từ hơn 12.000 doanh nghiệp vào đầu những năm 1990, đã giảm đáng kể xuống còn 5.600 doanh nghiệp vào năm 2001 và đến nay chỉ còn khoảng hơn 500 doanh nghiệp 100% vốn nhà nước, hiện diện trong 11 ngành, lĩnh vực của nền kinh tế. Dự kiến, đến năm 2020, cả nước chỉ còn khoảng hơn 100 doanh nghiệp nhà nước.

“Thời gian tới, việc cổ phần hóa, thoái vốn được xem là nhiệm vụ trọng tâm để tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước; trong đó, cổ phần hóa các tập đoàn lớn như: than khoáng sản, hóa chất, bưu chính viễn thông… Trong bối cảnh cách mạng công nghiệp lần thứ tư và sự ra đời của Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, nhiệm vụ đổi mới, nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước rất nặng nề”, ông Nguyễn Văn Hiếu, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhấn mạnh.

Việc thực hiện Đề án: “Cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước, trọng tâm là tập đoàn kinh tế, tổng công ty Nhà nước giai đoạn 2016-2020” của Chính phủ bước đầu đã mang lại nhiều chuyển biến tích cực. Từ năm 2016 đến hết tháng 10/2018, cả nước đã tiến hành cổ phần hóa nhiều doanh nghiệp quy mô rất lớn như: Tập đoàn Cao su Việt Nam, các Tổng công ty Phát điện 3, Điện lực dầu khí, Lọc hóa dầu Bình Sơn… Theo đánh giá, sau khi cổ phần hóa số lượng cổ phiếu IPO của các doanh nghiệp này đều bán hết, nhận được sự quan tâm của các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài.

Liên quan đến công tác thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp, cũng từ năm 2016 đến tháng 10/2018, đã có các thương vụ lớn thoái vốn tại Tổng công ty Bia – Rượu – nước giải khát Sài Gòn, Công ty Cổ phần sữa Vinamilk… đã thu về gần 160.000 tỷ đồng, gấp hơn 9 lần giá trị sổ sách.

Tại diễn đàn nhiều chuyên gia thẳng thắn đánh giá, kiểm soát một lượng vốn, nhân lực cùng nhiều tiềm lực khác nhưng đóng góp cho nền kinh tế và năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp nhà nước còn chưa được tương xứng với nguồn lực Nhà nước đầu tư. Một số dự án của doanh nghiệp nhà nước còn thua lỗ, thất thoát vốn lớn. Bên cạnh đó, kết quả sắp xếp, cổ phần hóa, thoái vốn doanh nghiệp nhà nước, vẫn chưa đạt được số lượng theo kế hoạch mà Chính phủ đã đề ra.

Nhiều chuyên gia khẳng định, nguyên nhân chủ yếu do tâm lý của một bộ phận lãnh đạo doanh nghiệp chậm chuyển biến, nặng về sự e ngại, né tránh trách nhiệm hoặc lo mất quyền lợi nếu chuyển đổi mô hình doanh nghiệp; các vướng mắc liên quan đến đất đai, định giá tài sản, sự thiếu đồng bộ về thể chế, quy định pháp luật, vướng mắc trong xử lý sắp xếp lao động, việc tuyên truyền chưa đạt hiệu quả.

Thêm vào đó, năng lực quản trị doanh nghiệp của một số lãnh đạo còn yếu kém, chậm cập nhật, nhất là trong đầu tư ứng dụng công nghệ hiện đại, thiếu tinh thần cầu thị và chưa đáp ứng được sự thay đổi cũng như thách thức trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 và hội nhập kinh tế quốc tế...

Để đẩy nhanh quá trình đổi mới và nâng cao hiệu quả sử dụng vốn nhà nước tại các doanh nghiệp theo quan điểm của các chuyên gia, nhóm các giải pháp liên quan đến thể chế trong khi đã tương đối đầy đủ cần được thực thi quyết liệt hơn. Các đơn vị cần đẩy mạnh tốc độ sắp xếp, nhất là cổ phần hóa doanh nghiệp, đồng thời tuân thủ các quy định pháp luật và đáp ứng yêu cầu, thông lệ quốc tế trong bước chuẩn bị cổ phần hóa; có phương án khả thi, nhất là bảo đảm sự chính xác, minh bạch về thông tin, làm rõ vấn đề công nợ để hướng tới những nhà đầu tư giầu tiềm năng.

“Việc tuyên truyền, giới thiệu các thông tin liên quan đến cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước là rất quan trọng để phổ biến đến cộng đồng. Đặc biệt cần nêu cao trách nhiệm của người đứng đầu, tăng cường giám sát minh bạch”, ông Đặng Quyết Tiến, Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp, Bộ Tài chính nêu quan điểm.

Cùng chia sẻ, ông Phạm Đức Trung, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cho rằng, để hoạt động hiệu quả, doanh nghiệp nhà nước cần tiếp tục đổi mới cơ chế quản lý; trong đó áp dụng thông lệ quản trị doanh nghiệp quốc tế với doanh nghiệp nhà nước; đồng thời, cần gia tăng hiệu quả quản lý tài sản nhà nước đầu tư trong kinh doanh với cơ quan đại diện chủ sở hữu và doanh nghiệp.

Quang Lộc

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/se-chi-con-khoang-100-doanh-nghiep-nha-nuoc-vao-nam-2020-111362.html