Sẻ chia khó khăn với học sinh nghèo

Năm học mới đến gần, đây là khoảng thời gian nhiều em học sinh vui mừng khi được bố mẹ mua quần áo mới, sách vở, đồ dùng học tập để đón ngày tựu trường. Thế nhưng, khác hẳn với nhiều học sinh cùng trang lứa, Lê Hồng Mai (sinh năm 2008), trú tại khu phố 1, thị trấn An Thới (Phú Quốc, Kiên Giang) ngày ngày vẫn đi bán những chiếc nón lá (nón lát vành) cho khách du lịch để kiếm tiền đỡ đần bà ngoại.

Cán bộ Đồn Biên phòng cửa khẩu cảng An Thới thăm hỏi, động viên học sinh trên địa bàn thị trấn An Thới. Ảnh: Hồ Phúc

Trong chuyến công tác tại huyện Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang mới đây, tôi có dịp cùng Thiếu úy Nguyễn Hải Nam, cán bộ vận động quần chúng Đồn Biên phòng cửa khẩu cảng An Thới (BĐBP Kiên Giang) đến thăm em Lê Hồng Mai, đang sống cùng bà ngoại là Nguyễn Thị Thanh Thúy (sinh năm 1965), tại khu phố 1, thị trấn An Thới. Mai là học sinh thuộc gia đình đặc biệt khó khăn, em được cán bộ, chiến sĩ Biên phòng đóng quân trên địa bàn nhận đỡ đầu hơn một năm nay. Vừa đến cổng, tôi đã nghe tiếng chào khách vọng ra. Thiếu úy Nam liền quay lại bảo: “Bà ngoại của cháu Mai bị liệt nửa người nhiều năm nay, đi lại rất khó khăn. Vì vậy, biết có khách đến nhà, bà chỉ biết chào từ xa như vậy...”.

Trong ngôi nhà cấp 4 cũ kĩ ở cuối con ngõ của khu phố, một mình bà Thúy đang ngồi nhặt từng cọng rau muống để chuẩn bị cho bữa tối. Cuộc nói chuyện giữa chúng tôi và bà Thúy được chừng 10 phút thì trời bắt đầu đổ mưa. Không lâu sau, một bé gái hớt hải chạy ùa vào nhà, trên tay cầm 4 chiếc nón lá còn mới tinh, được bọc túi bóng ni lông cẩn thận. Đó chính là Mai. Trên đường đi bán nón về, gặp trời mưa, em phải vội chạy về nhà để giúp bà. Chưa kịp lau những giọt mưa trên mặt, Mai khoanh tay lễ phép chào khách. Rồi Mai khoe với bà ngoại: “Hôm nay, con bán được 12 chiếc nón, bà ạ! Còn thừa 4 chiếc, ngày mai, con sẽ lấy thêm để đi bán tiếp”.

Vuốt mái tóc đang ướt của cháu ngoại, bà Thúy rưng rưng nước mắt, tâm sự: “Bố cháu bỏ gia đình đi từ khi cháu còn nhỏ. Cháu 3 tuổi thì mẹ qua đời vì bệnh tật. Đón cháu về đây, một tay tôi chăm sóc từ miếng ăn đến giấc ngủ. Bản thân tôi bị liệt nửa người hơn 5 năm nay, nên việc đi lại rất khó khăn. Mấy năm về trước, do cuộc sống rất thiếu thốn nên cháu Mai phải đi học muộn một năm so với các bạn cùng tuổi. Thời gian qua, thương tôi vất vả, nên ngày ngày, cháu xin phép đi mua nón lá từ các cửa hàng mang đến các điểm du lịch bán cho khách”. Lau những giọt nước mắt trên má, bà Thúy nói tiếp: “Điều may mắn là từ năm học 2017-2018, cháu được các chú Biên phòng hỗ trợ tiền học mỗi tháng 500 ngàn đồng. Đối với tôi, đây là khoản tiền lớn lắm. Nhờ có sự hỗ trợ của các chú Biên phòng mà cháu có tiền đóng học phí và mua sách vở”.

Năm học này, Mai sẽ bước vào học lớp 5, Trường Tiểu học An Thới 3. Mặc dù còn nhỏ, nhưng em đã biết làm rất nhiều việc nhà để đỡ đần bà ngoại. Không những thế, ở trường, Mai rất chăm chỉ học tập và luôn đứng vào tốp học lực khá của lớp. Theo Mai chia sẻ, từ khi bước vào lớp 2, em đã biết đi đến các điểm du lịch bán nón cho du khách. Đặc biệt, những ngày cuối tuần hay dịp nghỉ hè là khoảng thời gian du khách ở trong và ngoài nước về tham quan, du lịch, đảo Phú Quốc rất đông đúc, nên Mai bán được nhiều hơn.

Hằng ngày, Mai đi bán từ sáng sớm đến trưa rồi lại tiếp tục bán từ đầu giờ chiều đến tối muộn mới về. Mai tâm sự: “Mỗi ngày, con bán được từ 8 đến 12 chiếc nón. Mỗi chiếc lời được 6 đến 8 ngàn đồng. Số tiền lời, con đều đưa về nhờ bà ngoại cất để mua quần áo và sách vở để con đi học. Con đi bán nhiều cũng quen rồi, nên không thấy mệt, chỉ mong kiếm được tiền để bà ngoại đỡ vất vả. Năm học vừa rồi, con được các chú Biên phòng nhận đỡ đầu. Nhờ đó, bà ngoại đã bớt lo cho con nhiều lắm”.

Chia tay Mai và bà Thúy, tôi cùng Thiếu úy Nam ghé nhà em Nguyễn Thiện Minh (sinh năm 2008), tại ấp Suối Lớn, xã Dương Tơ, huyện Phú Quốc. Minh là học sinh được Đồn Biên phòng cửa khẩu cảng An Thới hỗ trợ trong chương trình “Nâng bước em tới trường” từ đầu năm 2018. Năm nay Minh lên lớp 5, Trường Tiểu học Dương Tơ 1. Hoàn cảnh của em rất đáng thương. Bố mất khi em còn nhỏ, mẹ lại thiếu quan tâm, nên Minh được bà nội đón về chăm sóc. Biết được hoàn cảnh của Minh, nên từ khi em chuyển về đây, hàng xóm thường giúp đỡ mỗi khi hai bà cháu gặp khó khăn.

Ngồi trò chuyện với tôi, Minh tâm sự: “Nhờ có các chú Biên phòng giúp đỡ nên vào năm học mới này, bà nội con không phải lo tiền để mua sách vở, tập viết và tiền đóng học cho con. Bà nội thường bảo với con, các chú Biên phòng như người cha, người mẹ của con, sẽ giúp đỡ con trên con đường đến trường, vì thế, phải gắng chăm chỉ học tập để không phụ tấm lòng của các chú!”.

Chia sẻ về sự giúp đỡ đối với các em học sinh nghèo trên địa bàn, Trung tá Lưu Quang Mười, Chính trị viên Đồn Biên phòng cửa khẩu cảng An Thới cho biết: “Hai em Mai và Minh là những trường hợp có hoàn cảnh éo le, nhưng rất chăm ngoan, có thành tích học tập tốt. Từ thực tế đó, đơn vị đã nhận đỡ đầu giúp mỗi em 500 ngàn đồng/tháng, với mong muốn sẽ sát cánh cùng các em trên con đường đến trường. Những món quà đó là tấm lòng của anh em trong đơn vị động viên các cháu vươn lên trong học tập”.

“Ngoài ra, hằng năm vào dịp năm học mới hay tổng kết năm học, cán bộ đơn vị thường xuống các trường học trên địa bàn để tặng sách vở, quần áo, đồ dùng học tập, động viên thầy và trò dạy và học. Kết thúc năm học 2017-2018 vừa qua, đơn vị tặng 27 suất quà cho các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn thuộc 9 trường trên địa bàn, với tổng trị giá gần 3 triệu đồng. Mong rằng, đó là niềm khích lệ, động viên các em học sinh nghèo hiếu học luôn nỗ lực vươn lên trong học tập” - Trung tá Lưu Quang Mười chia sẻ thêm.

Hồ Phúc

Nguồn Biên Phòng: http://bienphong.com.vn/se-chia-kho-khan-voi-hoc-sinh-ngheo-fn7/