Sẻ chia nỗi đau với nạn nhân chất độc da cam

Đất nước đã hòa bình hơn 40 năm nhưng dấu tích của cuộc chiến tranh vẫn còn hằn in trên hàng triệu người Việt Nam, những nạn nhân chất độc da cam/dioxin có lẽ là những người bất hạnh nhất. Ở Lào Cai có hơn 2.000 người bị phơi nhiễm với chất độc da cam và hàng trăm nạn nhân là thế hệ con, cháu của họ đang từng ngày phải 'chiến đấu' với những di chứng do chất độc da cam gây ra.

Nhân Ngày vì nạn nhân chất độc da cam (10/8)

Thời gian qua, cùng với sự hỗ trợ của Đảng, Nhà nước, các nạn nhân da cam/dioxin trên địa bàn tỉnh cũng được cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể và đặc biệt là cộng đồng chung tay sẻ chia để xoa dịu một phần nỗi đau. Bằng nhiều việc làm cụ thể, thiết thực như thăm hỏi, động viên, tặng quà, khám, chữa bệnh miễn phí, tặng nhà tình nghĩa… đã phần nào giúp nạn nhân chất độc da cam có thêm tự tin để vươn lên trong cuộc sống.

Nạn nhân nhiễm chất độc da cam ngày càng được quan tâm.

Ngôi nhà sàn của ông Sầm Văn Xương, ở thôn Minh Thượng 1, xã Minh Lương (huyện Văn Bàn) đã hơn 40 năm nay không còn tiếng cười nói, thay vào đó là sự bất hạnh, khổ cực trong cuộc sống. Ông Xương là con cả trong gia đình có 5 anh em, nỗi đau ập đến gia đình kể từ ngày bố của ông từ chiến trường trở về và sinh liền thêm 4 người em. Ông Sầm Văn Xương ngậm ngùi cho biết: “Tôi may mắn khi được sinh ra trước thời điểm bố đi bộ đội, nhưng 4 người em của tôi gồm Sầm Văn Xiêm (sinh năm 1972), Sầm Thị Vương (sinh năm 1974), Sầm Thị Cương (sinh năm 1976) và Sầm Văn Phương (sinh năm 1978) bị dị tật, mù 2 mắt từ khi lọt lòng. Bố tôi mất sớm do phơi nhiễm với chất độc da cam/dioxin nên cuộc sống gia đình ngày càng khó khăn”.

Gia đình đông anh em tưởng chừng sẽ là niềm vui, hạnh phúc đối với ông Xương nhưng cuối cùng lại trở thành nỗi bất hạnh và tận cùng khổ cực. 4 người em của ông không chỉ mù mà còn không có khả năng đi lại. Hơn 40 năm nay, ngoài thời gian đi ngủ, 4 anh em dị tật chỉ biết ngồi một chỗ, không ai nói với ai, chỉ biết ngồi dựa lưng vào cột nhà đến nỗi những chiếc cột nhà sàn trở nên nhẵn bóng. Mẹ ông Xương năm nay đã 80 tuổi nhưng hằng ngày vẫn phải phụ giúp ông chăm sóc các em cũng như lo toan cuộc sống. Ngoài khoản tiền trợ cấp hằng tháng của 4 anh em, gia đình chỉ biết trông vào vài sào ruộng nên không có điều kiện để đưa 4 anh em đi điều trị tại các cơ sở y tế.

Toàn tỉnh hiện có gần 2.000 người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học và hơn 500 đối tượng bị di chứng mắc 17 loại bệnh từ chất độc hóa học là con đẻ của họ, trong đó thành phố Lào Cai và các huyện Bảo Thắng, Văn Bàn, Bảo Yên có nhiều người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học và nạn nhân chất độc da cam/dioxin nhất. Tỉnh đã chi trả trợ cấp trực tiếp cho gần 1.400 người, chi trả gián tiếp cho gần 500 người, kinh phí chi trả gần 3,2 tỷ đồng/tháng.

Nhằm hỗ trợ tốt hơn cho các nạn nhân chất độc da cam/dioxin, Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh đã được thành lập từ năm 2013, đến nay đã xây dựng thêm 4 tổ chức cơ sở hội cấp huyện, thành phố (thành phố Lào Cai, huyện Bảo Thắng, Bảo Yên, Văn Bàn), với hơn 700 hội viên. Hội có nhiều hoạt động thiết thực như nhận nuôi dưỡng Mẹ Việt Nam anh hùng; vận động các cơ quan, doanh nghiệp chung tay giúp đỡ, chăm sóc nạn nhân chất độc da cam; phối hợp với các cấp, các ngành, các cơ quan tổ chức thăm, trao tặng hơn 110.000 suất quà cho người có công, thân nhân người có công; phối hợp với các ngành chức năng triển khai hỗ trợ làm nhà ở cho 2.269 hộ người có công có khó khăn về nhà ở; tổ chức điều dưỡng cho gần 1.400 lượt người hoạt động cách mạng bị nhiễm chất độc hóa học…

Ông Bùi Sỹ Thu, Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh là người hơn ai hết hiểu được nỗi đau, sự mất mát của những gia đình bị ảnh hưởng bởi chất độc hóa học trong chiến tranh vì bản thân ông cũng là người bị nhiễm chất độc hóa học và có con là nạn nhân của chất độc này. Ông cho biết, những người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học và con đẻ của họ bị di chứng với chất độc này là những gia đình có hoàn cảnh đáng thương, mọi sự đau khổ, khó khăn của cuộc sống gần như họ đều được nếm trải. Đau thương nhất là những người con, người cháu do di chứng chất độc hóa học từ khi mới sinh ra đã bị dị dạng, dị tật bẩm sinh, hầu hết không có khả năng lao động, tự sinh hoạt, nhiều trường hợp bị tâm thần, cũng có trường hợp bị tự kỷ, chân tay teo tóp, chậm phát triển, có trường hợp gia đình phải giữ trong phòng riêng… “Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh đang khảo sát, nắm tâm tư, nguyện vọng của 27 trường hợp nạn nhân chất độc da cam/dioxin nặng trên địa bàn 4 huyện, thành phố để kịp thời động viên, thăm hỏi và hỗ trợ cho gia đình của họ” - ông Bùi Sỹ Thu nói.

Những phần quà cùng những lời động viên, chia sẻ đã góp phần làm cho những nạn nhân chất độc da cam/dioxin xoa dịu nỗi đau, giúp họ tự tin hơn để vượt qua khó khăn.

Ma Ba Zin

Nguồn Lào Cai: http://www.baolaocai.vn/nhip-cau-nhan-ai/se-chia-noi-dau-voi-nan-nhan-chat-doc-da-cam-z65n20190810073533098.htm