Sẻ chia nỗi đau với người dân vùng 'rốn' lũ (bài 2)

Bản biên giới Sa Ná, xã Na Mèo, huyện Quan Sơn, tỉnh Thanh Hóa nằm bên dòng Khe Son vốn trù phú, bình yên. Nhưng trận lũ quét kinh hoàng diễn ra vào ngày 3-8 đã xóa sổ gần như tất cả, gây nên sự mất mát lớn về tính mạng và tài sản của nhân dân. Sau thiên tai, các đơn vị vũ trang, chính quyền địa phương đã vào cuộc quyết liệt triển khai công tác tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn, khắc phục hậu quả, từng bước giúp dân vượt qua nỗi đau, ổn định cuộc sống lâu dài.

Bài 1: Bản biên giới tan hoang sau trận lũ quét

Bài 2: Dồn lực cho Sa Ná hồi sinh

Sau khi lũ dữ đi qua, quân dân cả nước đã chung tay để hướng về Sa Ná góp phần xoa dịu nỗi đau, mất mát của đồng bào. Trước mắt, chính quyền địa phương đã khảo sát, khởi công khu tái định cư đưa toàn bộ các gia đình bị ảnh hưởng ở Sa Ná đến vị trí an toàn. Tin rằng, người dân Sa Ná sẽ dần vượt qua nỗi đau thương mất mát, hồi sinh mạnh mẽ.

Cán bộ, chiến sĩ BĐBP Thanh Hóa bám trụ tại vùng lũ giúp dân khắc phục hậu quả thiên tai. Ảnh: Viết Lam

Cán bộ, chiến sĩ BĐBP Thanh Hóa bám trụ tại vùng lũ giúp dân khắc phục hậu quả thiên tai. Ảnh: Viết Lam

Những ngày sau lũ, thời tiết ở biên giới Na Mèo nắng mưa thất thường, thế nhưng cán bộ, chiến sĩ các đơn vị vũ trang vẫn gồng mình khẩn trương giúp bản Sa Ná khắc phục hậu quả. Dòng nước trên sông Luồng và dòng Khe Son rút xuống để lộ khối lượng đất, đá, thân cây ngổn ngang. Thay vì bố trí các tổ chốt chặn, các đơn vị lực lượng vũ trang đã rải quân men theo bờ sông, suối với quyết tâm tìm được thi thể người mất tích để xoa dịu nỗi đau cho thân nhân gia đình. Cùng với công tác tìm kiếm, cứu nạn người mất tích, việc giải phóng bùn đất, tháo dỡ nhà cửa bị đổ sập ở khu vực trung tâm bản cũng được khẩn trương triển khai.

Cùng sát cánh với cán bộ, chiến sĩ các đơn vị có các đoàn viên, thanh niên và nhân dân các xã lân cận. Lực lượng cứu hộ, cứu nạn hàng trăm người gồm quân và dân địa phương đã đồng lòng, dốc sức làm việc không biết mệt mỏi suốt nhiều ngày liền. Gỗ từ những ngôi nhà đổ sập được sắp xếp gọn gàng trên nền cũ, bùn đất, thân cây gỗ rừng bị lũ cuốn về cũng dần được giải phóng.

Bình nhì Vi Văn Bản, chiến sĩ Đồn Biên phòng cửa khẩu Na Mèo nằm trong tổ cán bộ, chiến sĩ đầu tiên tiếp cận Sa Ná sau khi trận lũ quét diễn ra. Chiến sĩ trẻ này đã cùng đồng đội thực hiện nhiệm vụ giúp dân từ đó cho đến nay. Khuôn mặt cháy sạm, quần áo lấm lem trong bùn đất, dưới cái nắng oi và nặng mùi bùn đất, chiến sĩ trẻ Vi Văn Bản cho biết: “Công việc chủ yếu là đào đất, bốc gỗ, thời tiết lại khi nắng, lúc mưa nên mất rất nhiều mồ hôi và mệt. Nhưng chứng kiến những tổn thất, đau thương mà nhân dân phải gánh chịu nên tôi cùng đồng đội cố gắng thực hiện nhiệm vụ mong sớm giúp bà con ổn định cuộc sống”.

Sát cánh cùng những người lính là hàng trăm tình nguyện viên từ các địa phương trong tỉnh Thanh Hóa, thể hiện tinh thần tương thân, tương ái sâu sắc. Đã mấy ngày nay, anh Lô Văn Hùng, ở xã Sơn Điện, huyện Quan Sơn đều đi xe máy hàng chục ki-lô -mét đến bản Hiềng, xã Na Mèo, sau đó qua sông vào Sa Ná để hỗ trợ các lực lượng giúp đỡ những gia đình bị thiên tai. Khi được hỏi, anh Hùng chia sẻ: “Khi nghe thông tin đồng bào ở Sa Ná phải gánh chịu thiệt hại lớn do lũ gây ra, tôi và nhiều người khác ở địa phương đã lên đây để hỗ trợ. Mọi người cùng chung sức mong giúp các gia đình gặp thiệt hại sớm vượt qua khó khăn, hoạn nạn”.

Cán bộ, chiến sĩ BĐBP Thanh Hóa mở đường tạm vào bản Sa Ná. Ảnh: Viết Lam

Cùng với những công việc đang triển khai, chính quyền, các đơn vị lực lượng vũ trang đã thực hiện nhiều biện pháp để giúp người dân sớm ổn định cuộc sống như tổ chức sắp xếp, bố trí các gia đình bị mất nhà cửa ở xen ghép với các nhà còn lại trong bản; đảm bảo lương thực, thực phẩm, nguồn nước sinh hoạt cho nhân dân. Lực lượng quân y của BĐBP Thanh Hóa cũng được tăng cường, túc trực chăm sóc sức khỏe cho nhân dân, thực hiện các biện pháp phòng trừ dịch bệnh bùng phát sau mưa lũ.

Một kế hoạch đảm bảo cuộc sống ổn định lâu dài cho người dân bản bị thiệt hại cũng được UBND tỉnh Thanh Hóa đưa ra và khẩn trương triển khai thực hiện. Theo đó, toàn bộ các gia đình bị ảnh hưởng và nằm trong diện bị thiên tai uy hiếp sẽ được tái định cư ở khu vực núi Bom Ngồ (nằm trong địa phận bản Sa Ná). Khu tái định cư này có diện tích trên 4ha để bố trí khu dân cư và các công trình phục vụ an sinh xã hội.

“Theo chỉ đạo của lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh Thanh Hóa, cùng với công tác hỗ trợ nhân dân ổn định cuộc sống, trước mắt, chúng tôi cũng đã khảo sát xong khu vực bố trí tái định cư. Trong thời gian sắp tới sẽ tiến hành san ủi mặt bằng, xây dựng cơ sở hạ tầng để nhân dân kịp chuyển về ở trước Tết Nguyên đán sắp tới. Đồng thời, tính toán các phương án hỗ trợ bà con trong phát triển sản xuất để đảm bảo cuộc sống bền vững tại nơi ở mới. Mong rằng, với sự dốc sức của chính quyền địa phương, lực lượng vũ trang, người dân Sa Ná sẽ sớm vượt qua nỗi đau, hồi sinh mạnh mẽ” – Ông Vũ Văn Đạt, Chủ tịch UBND huyện Quan Sơn cho biết.

Viết Lam - Quang Long

Nguồn Biên Phòng: http://bienphong.com.vn/se-chia-noi-dau-voi-nguoi-dan-vung-ron-lu-bai-2/