Sẻ chia, xoa dịu nỗi đau da cam

Chiến tranh đã lùi xa hơn 4 thập kỷ, vậy nhưng, những nỗi đau vẫn còn hiển hiện ở các gia đình nạn nhân chất độc da cam (NNCĐDC). Cuộc sống của họ gặp muôn vàn khó khăn, có những gia đình có đến 2, 3 người, thậm chí nhiều thế hệ đều là NNCĐDC. Chừng ấy năm, chính quyền các cấp, các hội, đoàn thể mà đặc biệt là Hội NNCĐDC và Bảo trợ xã hội tỉnh đã cùng chia sẻ, nhằm góp phần xoa dịu nỗi đau như chưa từng dứt…

Ông Trương Quang Huệ chăm sóc cô con gái bị bại não do di chứng của chất độc da cam.

Ông Trương Quang Huệ chăm sóc cô con gái bị bại não do di chứng của chất độc da cam.

Chúng tôi đến thăm nhà ông Trương Quang Huệ (SN 1957, ngụ tổ 1, ấp Phước Tân 5, xã Tân Hưng, TP.Bà Rịa) đúng lúc ông đang bón từng muỗng cơm cho cô con gái Trương Nguyễn Thị Hà (SN 2002). Ông Huệ cho hay, đã 18 tuổi nhưng do ảnh hưởng chất độc da cam từ ba, Hà bị chứng bại não, không biết nói, không đi lại được. Người con trai lớn của ông cũng bị bại liệt do ảnh hưởng CĐDC và đã qua đời năm 2016 khi mới 18 tuổi. “Tôi bị nhiễm CĐDC trong thời gian tham gia kháng chiến tại các chiến trường Tây Nguyên, sân bay Biên Hòa (Đồng Nai), địa đạo Củ Chi (TP. Hồ Chí Minh). Rồi sau này, đến lượt các con tôi bị ảnh hưởng…”, ông Huệ lý giải. Lo chạy chữa cho con, lo chăm sóc con từ lúc còn đỏ hỏn đến khi trưởng thành, khiến vợ chồng ông nhiều năm liền lâm vào tình cảnh kinh tế khó khăn.

Nhằm chia sẻ phần nào những khó khăn của gia đình, năm 2008, Hội NNCĐDC và BTXH tỉnh hỗ trợ 10 triệu đồng để ông Huệ sửa nhà. Đầu năm 2016, thông qua Hội NNCĐDC và BTXH TP. Bà Rịa, ông Huệ được Hội Thanh niên từ thiện Sân bay Vũng Tàu hỗ trợ hơn 20 triệu đồng, cùng heo rừng giống, thức ăn để chăn nuôi, phát triển kinh tế. Có giống và vốn, vợ chồng ông trồng chuối, bắp, rau củ trên 6 sào đất rẫy, vừa phục vụ chăn nuôi vừa kiếm thêm thu nhập. Hiện tại, tổng thu nhập từ tiền lãi chăn nuôi và tiền trợ cấp cho người tham gia kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học của ông Huệ là 9,5 triệu đồng/tháng, đủ để ổn định cuộc sống. “Sự quan tâm, chia sẻ của chính quyền địa phương, các cấp Hội và cộng đồng giúp chúng tôi thêm ấm lòng”, ông Huệ bày tỏ.

Bên cạnh hỗ trợ vốn sinh kế, Hội NNCĐDC và BTXH tỉnh còn thực hiện nhiều việc làm ý nghĩa nhằm chăm lo đời sống cho các đối tượng mà Hội bảo trợ. Bị ảnh hưởng CĐDC từ cha mình khiến chị Nguyễn Thị Giang (SN 1987, ở tổ 6, thôn Bình Sơn, xã Đá Bạc, huyện Châu Đức) lúc tỉnh lúc mê. Bình thường, chị đi bẻ bắp, hái tiêu, đậu thuê cho bà con trong vùng, nhưng công việc không đều vì còn phải chăm con gái 4 tuổi. Chồng chị là anh Nguyễn Ngoãn, sức khỏe kém, hay đau ốm và công việc làm thuê cũng không ổn định.

Toàn tỉnh có 2.972 người bị nhiễm CĐDC còn sống. Trong đó, 1.051 người hoạt động kháng chiến bị nhiễm CĐDC và 263 người là con của người hoạt động kháng chiến bị nhiễm CĐDC đang được hưởng chính sách dành cho nạn nhân CĐDC. Trong 6 tháng đầu năm 2020, Hội NNCĐDC và BTXH tỉnh và các hội cơ sở đã vận động được hơn 11,7 tỷ đồng (tiền mặt hơn 1,5 tỷ đồng, hiện vật gần 10,2 tỷ đồng) để chăm sóc nạn nhân da cam, người khuyết tật, trẻ mồ côi và bệnh nhân nghèo cùng các hoạt động khác. Từ nguồn vận động, Hội NNCĐDC và BTXH các cấp đã tổ chức các hoạt động chăm sóc nạn nhân CĐDC với tổng số tiền gần 6 tỷ đồng.

Vợ chồng chị Giang từ Quảng Ngãi vào thôn Bình Sơn mưu sinh từ năm 2016. Anh chị sống trong ngôi nhà tôn che tạm bợ trên nền đất của người thân cho. Ở vùng đất mới, anh chị luôn đau đáu ước mơ có căn nhà kiên cố để an cư.

Trước tình cảnh ấy, Hội NNCĐDC và BTXH tỉnh hỗ trợ gia đình chị Giang 50 triệu đồng, cùng anh em, bà con hỗ trợ thêm 30 triệu đồng giúp gia đình chị xây dựng ngôi nhà cấp 4 khang trang. Căn nhà vừa hoàn thành vào cuối tháng 7/2020 là một món quà vô giá dành cho gia đình anh chị.

Bà Nguyễn Thị Thanh Thao, Phó Chủ tịch Hội NNCĐDC và BTXH tỉnh cho hay, thời gian qua, các cơ quan, đơn vị, DN và cộng đồng đã chung tay hỗ trợ NNCĐDC trên địa bàn tỉnh vươn lên trong cuộc sống bằng những việc làm cụ thể, thiết thực. Nhờ đó, nhiều gia đình NNCĐDC có thêm động lực để vượt qua khó khăn, chăm lo cho con cái. “Tuy vậy, cuộc sống của nhiều gia đình NNCĐDC vẫn còn khó khăn. Chúng tôi mong tiếp tục nhận được sự đồng hành của cộng đồng trong việc chung tay xoa dịu nỗi đau da cam. Đó không chỉ là việc làm thiện nguyện, nhân đạo mà còn là hành động thể hiện truyền thống “Đền ơn đáp nghĩa” với những người có công với đất nước”, bà Thao bày tỏ.

Bài, ảnh: PHI DŨNG

Nguồn Bà Rịa - Vũng Tàu: http://www.baobariavungtau.com.vn/xa-hoi/202008/ky-niem-59-nam-ngay-vi-nan-nhan-chat-doc-da-cam-viet-nam-1081961-1082020-se-chia-xoa-diu-noi-dau-da-cam-906231/