Sẽ có một Hàn Quốc khác trong quan hệ với Triều Tiên

Hàn Quốc đang chuẩn bị có bước chuyển mình trong quan hệ và trong đàm phán với Triều Tiên khi cả điều kiện lẫn quan điểm dư luận đều đã chín muồi.

Trong một thông điệp gửi tới cả Mỹ và Hàn Quốc, Bình Nhưỡng hôm 7-7 tuyên bố nước này không hề có ý định ngồi vào bàn đàm phán với Mỹ, hãng tin Yonhap cho hay. Tuyên bố đưa ra trong bối cảnh một phái đoàn Mỹ cùng ngày tới Hàn Quốc để thảo luận về những biện pháp nhằm khôi phục đàm phán với Triều Tiên. Tiến trình đàm phán phi hạt nhân hóa đến nay đã rơi vào bế tắc hơn một năm.

Đáng chú ý, vài ngày trước khi Bình Nhưỡng ra thông điệp, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in khẳng định sẵn sàng đứng ra làm trung gian đàm phán giữa Mỹ và Triều Tiên nhưng cử chỉ này lại không được Triều Tiên đón nhận.

Vụ trưởng các vấn đề Mỹ thuộc Bộ Ngoại giao Triều Tiên Kwon Jong-gun tuyên bố những nỗ lực của Hàn Quốc sẽ trở nên vô nghĩa và Seoul nên chấm dứt can thiệp vào các vấn đề nội bộ của nước này.

Bình luận về những diễn biến trên, chuyên gia Doug Bandow thuộc Viện Nghiên cứu chiến lược Cato (Mỹ) cho rằng đã đến lúc Hàn Quốc cần phải cứng rắn bảo vệ vị thế của mình khi rõ ràng đàm phán hạt nhân là vấn đề liên quan trực tiếp đến nước này.

Cơ hội cho Hàn Quốc lên tiếng

Là người quen thuộc với “Chính sách Ánh dương” thân thiện với Triều Tiên trong giai đoạn 1998-2008, Tổng thống Moon Jae-in đã “lấp đầy” đội ngũ an ninh quốc gia của ông bằng những nhân vật chủ chốt thời kỳ đó. Cụ thể các vị trí thủ tướng, giám đốc cơ quan tình báo quốc gia và bộ trưởng Bộ Thống nhất Hàn Quốc đều là các nhân vật có chủ trương hòa hoãn với Triều Tiên.

Tuy nhiên, chuyên gia Bandow nhắc lại trong đợt căng thẳng do Bình Nhưỡng cho nổ văn phòng liên lạc liên Triều tại khu công nghiệp chung Kaesong nằm ở biên giới hai miền hôm 16-6, Hàn Quốc đã triệu tập cuộc họp khẩn cấp và cảnh báo sẽ đáp trả mạnh mẽ bất kỳ hành động khiêu khích quân sự nào từ phía Triều Tiên.

Chuyên gia này nhận định so với những phát ngôn hòa hoãn với Triều Tiên hai năm qua, phản ứng nói trên thật sự là một làn gió mới khiến Bình Nhưỡng bất ngờ vì lâu nay đã quen với một Seoul mềm mỏng.

Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in (trái) và Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un trong lần hội kiến ở biên giới liên Triều vào tháng 6-2019. Ảnh: YONHAP

Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in (trái) và Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un trong lần hội kiến ở biên giới liên Triều vào tháng 6-2019. Ảnh: YONHAP

“Họ (Triều Tiên) rõ ràng đã giật mình khi Seoul tuyên bố rắn như vậy và vài ngày sau đó liền thông báo dừng các hoạt động quân sự chống lại Hàn Quốc. Tôi cho rằng Seoul nên tiếp tục giữ nguyên tâm thế như vậy” - ông Bandow nói.

Mặt khác, theo chuyên gia Bandow, Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un và Tổng thống Mỹ Donald Trump hiện đang tự dồn mình vào thế khó có thể bỏ qua thể diện mà xuống thang trước. Trong khi đó, Hàn Quốc là nước duy nhất hội tụ đủ uy tín, đòn bẩy và động lực để dẫn đầu một nỗ lực tìm kiếm giải pháp cho thế bế tắc hiện nay. Người dân Hàn Quốc trên thực tế đã thay đổi cách nhìn về an ninh quốc gia, đã thay đổi khi khủng hoảng với Triều Tiên leo thang.

Thăm dò dư luận của Viện Nghiên cứu kinh tế - xã hội Hankyoreh (Hàn Quốc) công bố hồi tháng 6 cho thấy ngày càng nhiều người Hàn Quốc ủng hộ các biện pháp trừng phạt mạnh tay hơn với Triều Tiên cũng như triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD).

Nếu như khi ông Moon Jae-in mới nhậm chức, có tới 62,6% người được hỏi ủng hộ đối thoại và hợp tác với Triều Tiên trong khi chỉ có 33,7% tán thành các biện pháp trừng phạt thì con số này hiện nay lần lượt là 44,5% và 49,8%. Tương tự, thăm dò hồi tháng 2 của Hankyoreh cho thấy chỉ có 39,9% người được hỏi chấp nhận triển khai THAAD thì nay con số đó là 60,8%

Điều đó cho thấy có sự đảo chiều trong quan điểm của người Hàn Quốc đối với Triều Tiên. Nhưng nếu tính đến những sai số trong thăm dò dư luận thì có thể nói xã hội Hàn Quốc đang chia đôi với phe muốn cứng rắn hơn với Triều Tiên ngày càng đông đảo về số lượng.

Theo kết quả thăm dò này, chuyên gia Bandow cho rằng chính quyền ông Moon tại Hàn Quốc đang bị cho là “xử lý kém” các vấn đề an ninh quốc gia khi không tạo được cơ hội thúc đẩy cách tiếp cận vừa đối thoại vừa tạo áp lực như từng hứa hẹn.

Hàn Quốc từ lâu đã phải đứng bên lề trong nỗ lực phi hạt nhân hóa ở bán đảo Triều Tiên. Điều này không những không kiến tạo được sợi dây liên kết giữa Seoul và Bình Nhưỡng mà còn gia tăng nguy cơ xung đột khi Bình Nhưỡng chỉ chịu đàm phán với Mỹ, còn kết quả đàm phán như thế nào thì Hàn Quốc lãnh đủ.

L. GORDON FLAKE, Viện nghiên cứu Đông Á Mansfield (Mỹ)

Mỹ, Hàn họp mặt bàn chiến lược

Trong cuộc gặp giữa Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Stephen Biegun và Ngoại trưởng Hàn Quốc Kang Kyung-wha hôm 9-7, phía Seoul kêu gọi ông Biegun nên có nỗ lực hồi sinh tiến trình ngoại giao đang bị đình trệ với Triều Tiên, theo hãng tin Reuters.

“Mục đích của chuyến thăm lần này là gặp các đồng minh thân cận, chứ không tìm cách gặp gỡ giới chức Triều Tiên như một số nguồn tin đưa. Tầm nhìn chung của chúng tôi là tạo ra một nền hòa bình lâu bền, góp phần thay đổi các mối quan hệ trên bán đảo Triều Tiên, loại bỏ vũ khí hạt nhân và mang lại tương lai tươi sáng hơn cho người dân Triều Tiên” - ông Biegun nói.

Bà Duyeon Kim - cố vấn cấp cao của tổ chức nghiên cứu International Crisis Group (Bỉ) cho biết sự hợp tác giữa hai đồng minh lâu năm là rất quan trọng.

“Các đồng minh nên tập trung trên cùng một lộ trình chuẩn bị cho các cuộc diễn tập quốc phòng. Cuộc gặp nhằm tìm ra cách để cả Hàn Quốc và Mỹ có thể hỗ trợ các dự án liên Triều trong thời gian áp dụng các trừng phạt cũng như tìm cách đưa ra các phản ứng nếu Bình Nhưỡng tiếp tục leo thang căng thẳng về các vấn đề vũ khí hạt nhân” - bà Kim nhận định.

Mỹ ủng hộ hợp tác toàn diện liên Triều

Cũng trong cuộc họp với người đồng cấp Hàn Quốc Kang Kyung-wha, Thứ trưởng Biegun khẳng định Mỹ ủng hộ toàn diện hợp tác liên Triều vì hợp tác hai miền là yếu tố quan trọng để xây dựng một môi trường ổn định cho bán đảo Hàn Quốc. Washington cũng hoàn toàn ủng hộ Seoul về mục tiêu xúc tiến hợp tác liên Triều.

Lập trường ủng hộ quan hệ liên Triều lần này của Mỹ rất đáng chú ý bởi cho tới cuối tháng 1 năm nay, Washington vẫn luôn nhấn mạnh tiến triển quan hệ liên Triều phải phù hợp với tốc độ phi hạt nhân hóa Triều Tiên.

VĨ CƯỜNG

Nguồn PLO: https://plo.vn/quoc-te/se-co-mot-han-quoc-khac-trong-quan-he-voi-trieu-tien-923216.html