Sẽ có quy định pháp lý về xác thực và định danh điện tử?

Xây dựng Chính phủ điện tử, phát triển thương mại điện tử, thúc đẩy cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0… được Chính phủ, các bộ, ban, ngành, địa phương đặc biệt quan tâm. Song song với đó, tính bảo mật an toàn thông tin (ATTT) trong các khung khổ pháp lý cũng luôn là mối quan tâm hàng đầu.

Đáp ứng yêu cầu này, Bộ Thông tin và Truyền thông (TT-TT) đang đề nghị xây dựng Nghị định “Quy định về xác thực và định danh điện tử” (sau đây gọi là Nghị định) để lấy ý kiến rộng rãi trước khi trình Chính phủ ban hành.

Theo lý giải của Bộ TT-TT, trong bối cảnh Đảng, Nhà nước đặt mục tiêu đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong phát triển kinh tế-xã hội và cải cách thủ tục hành chính (TTHC), việc xây dựng và ban hành nghị định là hết sức cần thiết. Nghị định này sẽ tạo cơ sở pháp lý cho việc cung cấp, sử dụng dịch vụ xác thực và định danh điện tử đa dạng, góp phần bảo đảm an ninh, ATTT trong giao dịch điện tử; đồng thời nâng cao hiệu quả sử dụng Cổng Dịch vụ công quốc gia, Cổng dịch vụ công, hệ thống thông tin một cửa điện tử cấp bộ, tỉnh góp phần hoàn thành các mục tiêu xây dựng Chính phủ điện tử.

Hoạt động của Trung tâm Hành chính công tỉnh Quảng Ninh được giám sát từ việc ứng dụng công nghệ thông tin. Ảnh: QUANG THÁI.

Phóng viên Báo Quân đội nhân dân đã tìm hiểu thực tế việc ứng dụng CNTT trong giải quyết TTHC tại Trung tâm Hành chính công tỉnh Quảng Ninh. Công việc được thực hiện rất nhanh, gọn và tiện lợi. Tại Quảng Ninh, phần lớn các văn bản giao dịch giữa những cơ quan Nhà nước trong toàn tỉnh đã được số hóa và ký số, giúp tiết kiệm chi phí và thời gian thực hiện. Còn tại Tây Ninh, từ ngày 1-11-2018, UBND tỉnh triển khai mô hình dịch vụ làm TTHC trực tuyến trên Zalo. Mô hình này cho phép người dân làm thủ tục ngay tại nhà qua điện thoại di động hoặc máy vi tính với nhiều loại TTHC, như: Đăng ký khai sinh, khai tử, lập hộ kinh doanh, thay đổi nội dung đăng ký thuế, thủ tục cấp phiếu lý lịch tư pháp... Tại Văn phòng Chính phủ, hệ thống quản lý văn bản, chỉ đạo điều hành của Chính phủ đã triển khai từ Văn phòng Chính phủ tới 63 tỉnh, thành phố, bảo đảm hàng trăm nghìn tài liệu điện tử được ký số và truyền nhận an toàn qua hệ thống. Theo số liệu cung cấp từ các cơ quan, tổ chức cung cấp dịch vụ công trực tuyến, đến ngày 31-3-2018 có 648.130 tổ chức, doanh nghiệp và các đơn vị trực thuộc, các chi nhánh sử dụng chữ ký số kê khai thuế qua mạng; 142.093 doanh nghiệp sử dụng chữ ký số trong hoạt động khai báo hải quan điện tử; 441.096 doanh nghiệp sử dụng chữ ký số trong kê khai bảo hiểm xã hội.

Mặc dù lĩnh vực CNTT đang có bước phát triển rất nhanh, tuy nhiên hệ thống văn bản pháp lý về xác thực và định danh điện tử còn chưa hoàn thiện. Hiện tại, vẫn chưa có quy định cụ thể về xác thực và định danh điện tử. Với người dân, việc xác thực danh tính chủ yếu sử dụng dịch vụ dựa vào chứng minh nhân dân, thẻ căn cước công dân hay các giấy tờ tùy thân khác. Điều này, gây bất tiện và giảm hiệu quả khi cung cấp dịch vụ. Các hệ thống thông tin, như: Cổng dịch vụ công trực tuyến, các trang thương mại điện tử, ngân hàng điện tử… đang tự quy định và xây dựng quy trình xác thực và định danh riêng, không thống nhất, tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất quyền riêng tư, an toàn và an ninh thông tin trong giao dịch điện tử. Trên phạm vi cả nước, nhiều đơn vị vẫn chưa quy định rõ về vị trí, vai trò, đặc điểm, phạm vi, cách thức triển khai các hình thức xác thực và định danh điện tử, cũng như trách nhiệm trong việc triển khai quản lý, bảo đảm an toàn cho giao dịch điện tử. Bởi thế, theo lý giải từ Bộ TT-TT, việc xây dựng nghị định là cần thiết.

Xác thực và định danh điện tử (người sử dụng) là các quy trình thiết lập sự tin tưởng đối với danh tính người dùng hiện diện điện tử trước một hệ thống thông tin. Việc xác thực một đối tượng được thực hiện dựa trên các nhân tố xác thực, bao gồm 3 loại: Nhân tố nhận biết, những gì chỉ đối tượng biết, như: Mật khẩu, câu trả lời cho các câu hỏi bảo mật, mã PIN; nhân tố sở hữu, những gì chỉ đối tượng có như điện thoại di động, máy vi tính cá nhân, token (chữ ký số hay chữ ký điện tử được mã hóa thành những con số trên thiết bị chuyên biệt); nhân tố sinh trắc học, những gì thuộc về sinh trắc của đối tượng, như: Vân tay, mống mắt, khuôn mặt, giọng nói…

Nghị định mà Bộ TT-TT đề nghị xây dựng lần này được áp dụng đối với cơ quan, tổ chức cung cấp dịch vụ xác thực điện tử và cơ quan, tổ chức, cá nhân lựa chọn sử dụng các dịch vụ xác thực điện tử quy định trong nghị định này. Cũng theo Bộ TT-TT, trong xây dựng nghị định, quan điểm được đặt ra là bảo đảm tính thống nhất trong hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về CNTT, giao dịch điện tử, ATTT mạng; đáp ứng yêu cầu hội nhập. Nghị định này quy định chi tiết các hình thức xác thực, định danh điện tử; việc quản lý, cung cấp và sử dụng các dịch vụ xác thực điện tử. Mục đích là nhằm tạo hành lang pháp lý cho các hình thức xác thực, định danh điện tử sử dụng trong giao dịch điện tử; nâng cao tính tin cậy của các giao dịch điện tử, thông qua đó thúc đẩy triển khai, áp dụng các hình thức xác thực và định danh điện tử.

Bộ TT-TT lấy ý kiến rộng rãi bắt đầu từ ngày 29-10 đến 29-11-2018. Toàn văn dự thảo đề nghị xây dựng nghị định đang được được đăng tải trên Cổng thông tin điện tử của Bộ TT-TT.

NGUYỄN HÀ MY

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/xa-hoi/cac-van-de/se-co-quy-dinh-phap-ly-ve-xac-thuc-va-dinh-danh-dien-tu-553830