Sẽ công khai 100% các hoạt động thanh tra, kiểm tra đến năm 2020

Bộ Kế hoạch và Đầu tư xây dựng Dự thảo Nghị quyết của Chính phủ ban hành Chương trình hành động cắt giảm chi phí cho doanh nghiệp (DN). Theo Dự thảo Nghị quyết, đến năm 2020, cắt giảm, đơn giản hóa quy định về đầu tư, đất đai, xây dựng, nộp thuế và bảo hiểm xã hội để đạt điểm số trung bình của ASEAN-4 theo Chỉ số Môi trường kinh doanh (Doing Business) của Ngân hàng thế giới.

Cần rút ngắn lộ trình của Chương trình hành động cắt giảm chi phí cho DN (Ảnh TL)

Theo đó, sẽ giảm một nửa tỷ lệ DN cho rằng DN cùng ngành phải chi trả chi phí không chính thức theo Khảo sát PCI đến năm 2020; công khai 100% các hoạt động thanh tra, kiểm tra và kết quả xử lý trên trang internet của cơ quan có thẩm quyền; chi phí thuế và bảo hiểm xã hội của DN theo Doing Business giảm xuống mức trung bình ASEAN 4.

Để đạt được những mục tiêu nêu trên, về chi phí tuân thủ pháp luật, các bộ, cơ quan ngang bộ cần thực hiện nghiêm nhiệm vụ cắt giảm, đơn giản hóa 50% điều kiện đầu tư kinh doanh như đã nêu tại Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 01/01/2018 của Chính phủ, đảm bảo tuân thủ Điều 7 Luật đầu tư 2014. Rà soát, sửa đổi các quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật theo hướng không quy định các nội dung có tính chất điều kiện kinh doanh (ví dụ như điều kiện nhân lực, điều kiện diện tích nhà xưởng) trong quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật.

Theo Dự thảo, Chính phủ giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan sửa đổi Luật Đầu tư theo hướng làm rõ khái niệm, nội hàm của cụm từ “điều kiện kinh doanh” để làm cơ sở đánh giá, theo dõi hệ thống quy định pháp luật về ngành, nghề kinh doanh có điều kiện; đảm bảo phân biệt rõ khái niệm điều kiện kinh doanh và tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật.

Hằng năm xây dựng báo cáo về hệ thống quy định pháp luật về ngành nghề kinh doanh có điều kiện, kiến nghị Quốc hội, Chính phủ sửa đổi, bổ sung danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện trong phụ lục của Luật đầu tư về ngành nghề kinh doanh có điều kiện theo hướng loại bỏ những ngành nghề không ảnh hưởng nhiều đến lợi ích công cộng, không có tính đặc thù có thể quản lý bằng hình thức khác, điều chỉnh phạm vi kiểm soát đối với một số ngành, lĩnh vực có tác động hẹp.

Đồng thời, đơn giản hóa mẫu biểu, tờ khai về đăng ký DN; Giảm thành phần giấy tờ trong hồ sơ đăng ký thay đổi nội dung đăng ký DN. Tiếp tục hoàn thiện khung khổ pháp lý về đăng ký hộ kinh doanh trên cơ sở nghiên cứu phương án liên thông đăng ký kinh doanh và đăng ký thuế đối với hộ kinh doanh…

Về chi phí đầu vào sản xuất, kinh doanh, các bộ, ngành và địa phương phải tổ chức triển khai Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật nhằm hỗ trợ DN tiếp cận các nguồn lực, góp phần giảm chi phí sản xuất, kinh doanh.

Về chi phí không chính thức, các bộ, ngành, UBND cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phải xây dựng các tài liệu hướng dẫn tuân thủ các quy định pháp luật về kinh doanh trong phạm vi trách nhiệm, quyền hạn của mình; Đảm bảo quy định pháp luật về kinh doanh dễ hiểu, dễ tuân thủ, không hiểu theo nhiều nghĩa khác nhau. Công khai các tài liệu hướng dẫn, giải thích tuân thủ pháp luật trên Cổng thông tin điện tử; trường hợp pháp luật không rõ, không giải thích theo hướng bất lợi cho doanh nghiệp; thống nhất áp dụng pháp luật cho các trường hợp tương tự, không phân biệt đối xử.

Phương Thảo

Nguồn Công Luận: http://congluan.vn/kinh-te/doanh-nghiep-doanh-nhan/se-cong-khai-100-cac-hoat-dong-thanh-tra-kiem-tra-den-nam-2020-42214