Sẽ cưỡng chế vi phạm theo quy định tại chợ Nghĩa Tân

Liên quan đến các khiếu kiện của một số tiểu thương ở chợ Nhật Tân quận Cầu Giấy, thời gian qua Thanh tra Thành phố Hà Nội đã có kết luận thanh tra. Tuy nhiên, theo UBND quận Cầu Giấy, hiện vẫn còn một số tiểu thương không đồng tình, dẫn đến không thực hiện. Bởi vậy, tới đây nếu những tiêu thương không chấp hành các quy định của pháp luật, quận sẽ tiến hành cưỡng chế, thu hồi theo quy định.

Theo UBND quận Cầu Giấy, năm 2013, một số hộ kinh doanh tại chợ Nghĩa Tân có đơn gửi UBND Thành phố đề nghị được giao điểm kinh doanh tại chợ với lý do việc xây dựng chợ Nghĩa Tân có sự đóng góp kinh phí của các hộ kinh doanh.

Vụ việc đã được UBND Thành phố giao Thanh tra Thành phố, Sở Công Thương xem xét giải quyết. UBND Thành phố đã có các Văn bản số 787/UBND-CT ngày 07/02/2014; số 3757/UBND-KT ngày 15/8/2018; số 3756/UBND-KT ngày 15/8/2018 giải quyết đơn kiến nghị của một số hộ kinh doanh tại chợ Nghĩa Tân, quận Cầu Giấy, kết luận: Chợ Nghĩa Tân là tài sản nhà nước, được phân hạng 2 thuộc UBND quận Cầu Giấy quản lý toàn diện. UBND quận Cầu Giấy đã yêu cầu các phòng, đơn vị và Ban quản lý chợ quận Cầu Giấy triển khai thực hiện chỉ đạo của UBND Thành phố.

UBND quận có Văn bản số 1355/UBND-KT ngày 26/9/2018 về việc thực hiện chỉ đạo của thành phố trong đó có nội dung thông báo công khai nội dung, giải quyết của UBND Thành phố đến các hộ kinh doanh tại chợ Nghĩa Tân, vận động các hộ kinh doanh tại chợ ký hợp đồng thuê địa điểm kinh doanh theo quy định và hoàn thành đóng tiền thuê diện tích từ 1/10/2018 - 31/10/2018. Quá thời hạn trên các hộ không thực hiện.

Ngày 7/1/2019 Ban quản lý chợ Nghĩa Tân có thông báo cho các hộ trả lại ban quản lý chợ điểm kinh doanh do không thực hiện ký hợp đồng thuê điểm kinh doanh và không thực hiện đầy đủ nộp các khoản tiền đúng hạn theo quy định. Việc UBND quận Cầu Giấy và Ban quản lý chợ Nghĩa Tân ban hành các văn bản thông báo tới các hộ kinh doanh là thực hiện theo chỉ đạo của UBND Thành phố…

Thành phố chỉ đạo giải quyết dứt điểm

Tại Hội nghị sơ kết công tác quản lý chợ trên địa bàn thành phố 6 tháng đầu năm mới đây, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Nguyễn Doãn Toản đã chỉ đạo các sở, ngành, quận, huyện, thị xã phối hợp thực hiện tốt những vấn đề về chợ đã được đặt ra.

Sở Công Thương sớm trình UBND Thành phố phê duyệt đề án quản lý, đầu tư, cải tạo phát triển hệ thống chợ trên địa bàn thành phố giai đoạn 2019-2025 và tổ chức triển khai thực hiện sau khi đề án được phê duyệt.

Đồng thời, Sở phối hợp với các sở, ngành liên quan đẩy mạnh kiểm tra liên ngành và xử lý nghiêm các vi phạm về phòng cháy, chữa cháy, vệ sinh an toàn thực phẩm, vệ sinh môi trường, bố trí ngành hàng…

Sở Công Thương phối hợp với UBND các quận, huyện, thị xã, các doanh nghiệp, Ban Quản lý chợ giải đáp các vướng mắc trong quá trình quản lý, kinh doanh, khai thác chợ. Đặc biệt, chủ động phối hợp với Thanh tra Thành phố, các địa phương giải quyết dứt điểm những tồn tại, vướng mắc về khiếu nại, tố cáo liên quan đến các chợ trên địa bàn, nhất là đối với chợ Bưởi (quận Tây Hồ), chợ Nghĩa Tân (quận Cầu Giấy), chợ Phủ Lỗ (huyện Sóc Sơn), chợ Kim (huyện Đông Anh), chợ Sáng Đại Mỗ (quận Nam Từ Liêm)…

Kết luận của Thanh tra thành phố Hà Nội chỉ ra: Việc kiến nghị của một số hộ kinh doanh chợ Nghĩa Tân về việc xây dựng chợ, việc huy động vốn, việc ký hợp đồng kinh doanh đã được Thanh tra Thành phố báo cáo UBND Thành phố năm 2013.

Trước đó, Sở Công Thương Hà Nội cũng khẳng định: Việc các hộ kinh doanh đóng góp xây dựng chợ Nghĩa Tân vào thời điểm năm 1995-1996 là tiền thuê chỗ kinh doanh trả trước cho 5 năm, các hộ kinh doanh đã được sử dụng mà không phải trả tiền thuê địa điểm từ năm 1996 đến 2001, đã đảm bảo quyền lợi theo thỏa thuận huy động vốn sau thời hạn 5 năm.

Các hộ kinh doanh trong chợ phải tiếp tục ký hợp đồng và nộp tiền thuê địa điểm kinh doanh theo quy định. Trên thực tế đã ký lại hợp đồng 3 lần, hàng tháng các hộ thực hiện nộp tiền thuê chỗ theo hợp đồng. Trường hợp các hộ vẫn kinh doanh nhưng không ký hợp đồng, không thực hiện nộp tiền thuê địa điểm kinh doanh là vi phạm nghĩa vụ nộp ngân sách nhà nước.

UBND Thành phố đã có văn bản chỉ đạo giải quyết kiến nghị của một số hộ kinh doanh tại chợ Nghĩa Tân, giao UBND quận Cầu Giấy chỉ đạo Ban Quản lý chợ Nghĩa Tân ký hợp đồng thuê điểm kinh doanh với các hộ kinh doanh theo quy định của pháp luật.

Năm 2018, một số hộ kinh doanh tại chợ Nghĩa Tân vẫn có đơn đề nghị giải quyết chợ Nghĩa Tân không phải chợ của nhà nước mà là của các hộ kinh doanh. Quyền lợi của các hộ kinh doanh phải được giao sử dụng điểm kinh doanh tại chợ và đề nghị hủy các thông báo trước đó.

Thanh tra Thành phố đã có văn bản báo cáo UBND Thành phố đề nghị giữ nguyên các văn bản trước đó về chỉ đạo giải quyết kiến nghị của một số hộ kinh doanh tại chợ. UBND Thành phố cũng đã có văn bản về việc chấm dứt giải quyết đơn của một số hộ kinh doanh tại chợ Nghĩa Tân và giao UBND quận Cầu Giấy tiếp tục tuyên truyền, giải thích, vận động các hộ kinh doanh thực hiện ký hợp đồng thuê điểm kinh doanh theo đúng quy định.

Ngay sau khi UBND Thành phố có ý kiến chỉ đạo, UBND quận Cầu Giấy đã có thông báo công khai nội dung chỉ đạo giải quyết kiến nghị của UBND Thành phố đến các hộ kinh doanh tại chợ Nghĩa Tân được biết và thực hiện. Qua đó, yêu cầu các tiểu thương chợ Nghĩa Tân có trách nhiệm ký hợp đồng thuê điểm kinh doanh và thanh toán các khoản tiền phải nộp theo quy định nhưng một số hộ không chấp hành.

Từ thực tế này, Thanh tra Thành phố kết luận, việc UBND quận Cầu Giấy và Ban Quản lý chợ Nghĩa Tân ban hành một số văn bản thông báo đến các hộ kinh doanh tại chợ Nghĩa Tân là thực hiện theo chỉ đạo của UBND Thành phố. Một số hộ kinh doanh tại chợ Nghĩa Tân có đơn tố cáo UBND quận Cầu Giấy, Ban Quản lý chợ Nghĩa Tân phát hành văn bản mang tính đe dọa các hộ tiểu thương là không có cơ sở…

Theo ông Trần Việt Hà – Phó Chủ tịch UBND quận Cầu Giấy: Để giải quyết những mâu thuẫn giữa các tiểu thương kinh doanh tại chợ Nghĩa Tân với UBND quận, Ban quản lý chợ trong việc xây dựng chợ, huy động vốn… các cơ quan chức năng đã nhiều lần có văn bản giải thích cho các tiểu thương. Tuy nhiên, đến thời điểm này, nhiều tiểu thương vẫn cố tình không chấp hành các quy định của pháp luật.

Nhằm đảm bảo ổn định tình hình chợ Nghĩa Tân để các tiểu thương yên tâm đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh phục vụ nhân dân, giải quyết dứt điểm việc nợ đọng nghĩa vụ tài chính gây thất thu cho ngân sách, từ ngày 10 - 18/7/2019, các đơn vị chức năng sẽ gửi thông báo thu hồi địa điểm kinh doanh do tiểu thương chợ Nghĩa Tân không ký hợp đồng thuê điểm và không thanh toán đầy đủ, đúng hạn các khoản theo quy định của pháp luật. Sau khi đã nhận được thông báo, nếu các tiểu thương không chấp hành các quy định của pháp luật, lực lượng chức năng sẽ tiến hành cưỡng chế thu hồi theo quy định.

UBND quận Cầu Giấy đã yêu cầu Công an quận chỉ đạo, phân công nhiệm vụ cụ thể cho Công an phường Nghĩa Tân xây dựng kế hoạch, phương án chi tiết để đảm bảo an toàn cho tổ công tác và cán bộ trực tiếp làm việc với dân tại chợ. Bố trí lực lượng theo dõi, nắm tình hình và có phương án, biện pháp xử lý kịp thời, kiên quyết xử lý đối với các trường hợp chống đối, gây rối và hành hung lực lượng thi hành công vụ và các vi phạm pháp luật khác.

Anh Tuấn

Nguồn LĐTĐ: http://laodongthudo.vn/se-cuong-che-vi-pham-theo-quy-dinh-tai-cho-nghia-tan-93605.html