Sẽ dán tem thuốc lá sản xuất trong nước in mã vạch đa chiều để ngăn chặn hàng giả

Tổng cục Thuế vừa chính thức phát hành tem thuốc lá sản xuất trong nước in mã vạch đa chiều nhằm ngăn chặn việc sử dụng tem giả để dán lên sản phẩm đánh lừa người tiêu dùng.

Theo đó, tem in mã vạch đa chiều sẽ có ký hiệu tem gồm hai chữ cái trong 20 chữ cái in hoa của bảng chữ cái tiếng Việt bao gồm: A, B, C, D, E, G, H, K, L, M, N, P, Q, R, S, T, U, V, X, Y và năm in. Bắt đầu in từ ký hiệu AA/2019, mỗi ký hiệu có 20.000.000 tem. Số của tem trong 01 ký hiệu được đánh số liên tục từ 000000001 đến 020000000.

Tem có mã vạch hai chiều; có hoa văn đối xứng, lồng vào nhau tạo các khối hình chữ nhật, hình thoi nhằm chống làm giả; Giấy đặc chủng phủ bóng nước chìm chống làm giả, có sợi phản quang màu. Tem in 08 màu; có mã vạch hai chiều. Dữ liệu của con tem là dữ liệu động để kiểm tra xác định tem thật, tem giả bằng thiết bị đọc mã vạch 2D. Một số nội dung in bằng mực phản quang chìm để chống giả theo yêu cầu của Tổng cục Thuế.

Theo quy định, kể từ tháng 4/2000, thuốc lá bao do các doanh nghiệp sản xuất trong nước bán ra đều phải dán tem, nếu không dán tem theo quy định bị xử lý phạt vi phạm hành chính và tịch thu hàng hóa, ngoài ra tùy theo mức độ vi phạm còn bị tạm đình chỉ kinh doanh hoặc tước giấy phép kinh doanh, đăng ký kinh doanh.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Tổ chức và cá nhân mua thuốc lá sản xuất trong nước để tiêu dùng không dán tem cũng bị tịch thu toàn bộ thuốc lá không dán tem. Nếu thông đồng với tổ chức, cá nhân kinh doanh để tiêu thụ thuốc lá bao không dán tem hoặc mua thuốc lá bao với số lượng lớn không dán tem sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Liên quan tới vấn đề sử dụng mã số mã vạch trên các sản phẩm hàng hóa, bà Phan Hồng Nga - Phụ trách văn phòng Mã số Mã vạch GS1 Việt Nam cho biết, mỗi ngày trên giới có 6 tỷ lượt mã số mã vạch được kiểm tra thông qua mạng GPRS toàn cầu. Việt Nam chính thức là thành viên hệ thống từ năm 1995 và được cấp mã quốc gia GS1 là 893. Hiện nay, có hơn 14.000 doanh nghiệp tại Việt Nam tham gia đăng ký mã số mã vạch. Đây là một công cụ đắc lực trong việc quản lý số lượng hàng hóa nhập kho, xuất kho, ngăn chặn hàng không rõ nguồn gốc trà trộn.

Để làm tốt công tác chống hàng giả bằng mã số mã vạch, bà Phan Hồng Nga cho biết cần phải áp dụng mã số, mã vạch từng khâu đóng gói lên bao bì sản phẩm của nhà sản xuất để đảm bảo sản phẩm bên trong của nhà sản xuất và đảm bảo được khâu sản xuất qua khâu phân phối và đến tay người tiêu dùng. Tại các siêu thị hiện nay, phần mềm nhận diện mã số mã vạch trên tem chống hàng giả còn được tích hợp vào để nhận diện sản phẩm. Chỉ cần quét lên tem, mọi thông tin về nguồn hàng, nơi sản xuất, thông tin liên hệ hiện lên giúp người tiêu dùng có thể tin cậy vào sản phẩm đó.

Còn ông Triệu Quang Thìn- Phó Chủ tịch Hội Chống hàng giả và Bảo vệ thương hiệu Thành phố Hà Nội thì cho biết, Hội đã phối hợp cùng với các doanh nghiệp và các siêu thị, cố gắng triển khai, sử dụng tem chống hàng giả đối với hàng hóa nhóm 2, tức là hàng hóa có ảnh hưởng đến độ an toàn cao mà nhà nước cần phải quản lý. Đó là những mặt hàng phải dán tem CR.

Chuyên gia này khẳng định, việc áp dụng mã số mã vạch không những giúp cho doanh nghiệp quản lý sản phẩm mà còn giúp cho các cơ quan quản lý kiểm soát được tình hình thị trường. Với người tiêu dùng, họ cần hơn nữa sự truyền thông rộng rãi về lợi ích của mã số mã vạch để nhận diện được đúng sản phẩm thật, vừa giúp các doanh nghiệp có giải pháp phòng chống hàng giả, hàng nhái vừa bảo vệ quyền lợi của chính mình.

Bảo Lâm

Nguồn VietQ: http://vietq.vn/se-dan-tem-thuoc-la-san-xuat-trong-nuoc-in-ma-vach-da-chieu-de-ngan-chan-hang-gia-d164928.html