'Sẽ đánh giá hoạt động của trạm y tế để lựa chọn mô hình phù hợp nhất'

Qua hơn 3 năm triển khai thực hiện đổi mới phương thức hoạt động trạm y tế (TYT) tuyến xã theo 3 mô hình, đến nay đã phát huy hiệu quả ra sao, cũng như phát sinh những khó khăn, vướng mắc gì? Để tìm hiểu rõ vấn đề này, phóng viên Báo Quảng Ninh đã có cuộc trao đổi với Phó Giám đốc Sở Y tế Nguyễn Mạnh Tuấn (ảnh) để làm rõ nội dung trên.

- Đồng chí có thể cho biết hiệu quả thực hiện TYT tuyến xã theo 3 mô hình trên địa bàn tỉnh từ năm 2014 đến nay?

+ Trước thời điểm tháng 1/2015, 186/186 TYT xã, phường, thị trấn trong tỉnh đều có chung một mô hình hoạt động, giống nhau cả về thực hiện chức năng nhiệm vụ, cơ cấu nhân lực cũng như thiết kế cơ sở hạ tầng và đầu tư trang thiết bị..., dẫn đến việc đầu tư đồng đều tại tất cả các TYT là chưa phù hợp, trong khi nhu cầu sử dụng, khả năng tiếp cận dịch vụ của người dân có sự khác biệt giữa các vùng miền, địa phương. Vì vậy, Sở Y tế đã nghiên cứu, đề xuất việc điều chỉnh chức năng, nhiệm vụ TYT theo 3 mô hình (theo khoảng cách địa lý từ TYT đến bệnh viện hoặc trung tâm y tế gần nhất; theo nhu cầu chăm sóc sức khỏe của nhân dân và phù hợp với tình hình phát triển văn hóa, kinh tế - xã hội của từng địa phương) để phát huy hiệu quả cao nhất... Qua đó đã góp phần quan trọng để Quảng Ninh hoàn thành mục tiêu 100% xã, phường, thị trấn đạt Bộ tiêu chí quốc gia về y tế xã từ năm 2015 (sớm 5 năm so với cả nước).

3 mô hình TYT tuyến xã trên địa bàn tỉnh:

- Mô hình 1 (có 77/186): Các TYT này sẽ thực hiện đầy đủ các nhiệm vụ của TYT để đảm bảo công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu cho nhân dân theo quy định.

- Mô hình 2 (có 57/186): Các TYT này sẽ không thực hiện nhiệm vụ “đỡ đẻ thường” tại trạm; nhưng tiếp tục duy trì thực hiện các nhiệm vụ còn lại theo quy định.

- Mô hình 3 (có 52/186): Các TYT này sẽ không thực hiện “đỡ đẻ thường” và “không thực hiện khám, chữa bệnh thông thường theo phân tuyến kỹ thuật” tại trạm; tiếp tục duy trì thực hiện các chức năng, nhiệm vụ còn lại theo quy định, đồng thời tăng cường nhiệm vụ tham gia quản lý nhà nước về vệ sinh an toàn thực phẩm, hành nghề y dược tư nhân... trên địa bàn.

Sau khi đổi mới theo 3 mô hình, tính chuyên nghiệp của TYT từng bước được nâng lên. Nhất là các TYT thuộc mô hình 2, 3 khi không thực hiện đỡ đẻ thường sẽ giảm được các nguy cơ tai biến sản khoa. Bởi cán bộ y tế không thường xuyên đỡ đẻ sẽ thiếu kỹ năng thực hành chuyên môn, nguy cơ để xảy ra tai biến cao… Bên cạnh đó, cán bộ y tế có điều kiện xuống địa bàn để triển khai các công tác y tế dự phòng, quản lý hành nghề y dược tư nhân, vệ sinh an toàn thực phẩm… Các trạm y tế thuộc mô hình 1 được tăng cường đầu tư về nguồn nhân lực, trang thiết bị để thực hiện nhiệm vụ bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cho nhân dân vùng sâu, vùng xa..., nơi người dân có nhu cầu khám, chữa bệnh tại TYT cao.

Đặc biệt là do không phải đầu tư đồng đều, dàn trải tại tất cả các TYT để đảm bảo đủ các điều kiện về cơ sở hạ tầng, trang thiết bị theo quy định tại Bộ tiêu chí quốc gia về y tế xã nên đã tiết kiệm được khoản đầu tư lớn. Đơn cử như TYT mô hình 3, không thực hiện “đỡ đẻ thường” và “không thực hiện khám, chữa bệnh thông thường theo phân tuyến kỹ thuật” tại trạm, vì vậy sẽ không phải đầu tư xây dựng ít nhất là 5 phòng (phòng đẻ, phòng sau đẻ, phòng khám bệnh thông thường, 2 phòng lưu bệnh nhân) và không phải đầu tư về trang thiết bị y tế, dụng cụ sử dụng cho việc đỡ đẻ, khám, điều trị bệnh thông thường so với Bộ tiêu chí.

Bên cạnh đó, hiệu quả về quản lý biên chế, nhân lực được nâng cao. Tùy theo chức năng, nhiệm vụ của mỗi mô hình TYT và theo quy mô dân số, đặc điểm địa lý, kinh tế - xã hội... ở mỗi địa phương cấp xã, số lượng nhân lực làm việc tại mỗi TYT được bố trí linh hoạt để thực hiện chức năng, nhiệm vụ được giao (có TYT phải tăng cường thêm nhân lực nhưng có trạm thì có thể giảm bớt số lượng người làm việc).

- Toàn tỉnh hiện có 77/186 TYT xã thực hiện mô hình 1, tức là thực hiện đầy đủ các nhiệm vụ của TYT xã, trong đó có thực hiện sinh đẻ tại trạm. Tuy nhiên, thực tế nhiều TYT có rất ít trường hợp đến sinh đẻ. Vậy, ngành Y tế có tiếp tục rà soát để giảm các TYT thực hiện kỹ thuật sinh đẻ này hay không?

+ Dựa trên kết quả khảo sát toàn diện và khá kỹ lưỡng, thận trọng thực trạng của 100% các trạm y tế vào cuối năm 2014, đồng thời có sự thống nhất cao với cấp ủy, chính quyền địa phương, Sở Y tế đã đề xuất với tỉnh cho phép triển khai thực hiện 3 mô hình TYT tuyến xã. Trong đó, 77/186 TYT ở mô hình 1 (thực hiện nhiệm vụ “đỡ đẻ thường”). Trong gần 3 năm thực hiện mô hình mới, Sở Y tế đã chỉ đạo các trung tâm y tế tuyến huyện tiếp tục rà soát, thu thập các thông tin về hoạt động của TYT, nắm bắt nhu cầu người dân trên địa bàn để tiếp tục đề xuất kiện toàn cho phù hợp, nhất là nhu cầu sinh đẻ tại TYT tuyến xã.

Từ ngày 1/1/2017 đến nay, các TYT tuyến xã đã được bàn giao về UBND cấp huyện quản lý. Để có cơ sở thực tiễn đánh giá một mô hình mới, thực hiện Kế hoạch số 36/KH-UBND ngày 5/3/2018 của UBND tỉnh về thực hiện Chương trình hành động số 21-Ctr/TU ngày 5/2/2018 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW, Nghị quyết số 19-NQ/TW Hội nghị lần thứ 6, Ban Chấp hành Trung ương khóa XII, Sở Y tế đã nghiên cứu và có văn bản báo cáo, đề nghị UBND tỉnh xem xét, tiếp tục cho thí điểm phân cấp quản lý TYT tuyến xã thuộc UBND cấp huyện và giữ nguyên 3 mô hình hoạt động TYT như hiện nay đến hết năm 2019. Khi đó chúng tôi sẽ đánh giá, rút kinh nghiệm để quyết định lựa chọn hình thức quản lý TYT và điều chỉnh mô hình hoạt động TYT cho phù hợp nhất.

- Hiện nay, trên cùng địa bàn xã vừa có TYT xã vừa có phòng khám đa khoa khu vực, vậy đến nay Sở Y tế đã có những phương án điều chỉnh như thế nào, thưa đồng chí?

+ Hiện trên địa bàn tỉnh còn 7 phòng khám đa khoa khu vực, gồm: Hoành Mô (Bình Liêu), Quảng La (Hoành Bồ), Biểu Nghi, Hà Nam (Quảng Yên), Cao Xanh, Hà Tu (Hạ Long), Nam Khê (Uông Bí), Mạo Khê (Đông Triều). Trong những năm qua, các phòng khám đa khoa khu vực đã thực hiện tốt nhiệm vụ khám, chữa bệnh cho người dân tại các địa bàn xa đơn vị y tế tuyến huyện, tỉnh, góp phần tích cực vào công tác chăm sóc sức khỏe cho nhân dân, giảm tải cho các bệnh viện, trung tâm y tế.

Nhằm tăng cường hiệu quả công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân, sử dụng hiệu quả các nguồn lực; thực hiện chỉ đạo của tỉnh, Sở Y tế đã có kế hoạch rà soát đánh giá thực trạng, hiệu quả hoạt động của các phòng khám đa khoa khu vực trên cùng địa bàn có TYT xã, phường, thị trấn để tiếp tục đề xuất UBND tỉnh kiện toàn tổ chức và hoạt động của các đơn vị này theo hướng tinh gọn, hiệu quả, nhưng vẫn đảm bảo thực hiện đầy đủ nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu cho nhân dân trên địa bàn.

- Trân trọng cảm ơn đồng chí!

Nguyễn Hoa (Thực hiện)

Nguồn Quảng Ninh: http://baoquangninh.com.vn/xa-hoi/201810/se-danh-gia-hoat-dong-cua-tram-y-te-de-lua-chon-mo-hinh-phu-hop-nhat-2404555/