Sẽ di dời 4.201 hộ dân ra khỏi di tích Kinh thành Huế: Xây dựng khung chính sách đặc biệt hỗ trợ người dân khó khăn

Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế vừa tổ chức buổi khảo sát thực địa khu vực giải tỏa trong khuôn khổ Đề án di dời dân cư, giải phóng mặt bằng của khu vực I di tích Kinh thành Huế.

Những ngôi nhà tạm bợ trên di tích Kinh thành Huế.

Tại buổi khảo sát, ông Phan Văn Tuấn - Phó Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế cho biết: Kinh thành Huế có diện tích hơn 500ha, nằm trong 4 phường gồm: Phường Thuận Hòa, Thuận Thành, Thuận Lộc, Tây Lộc và 3 phường ngoại thành tiếp giáp gồm: Phường Phú Hòa, Phú Bình, Phú Thuận.

Công trình di tích Kinh thành Huế có giá trị lớn về lịch sử, văn hóa, kiến trúc, cảnh quan môi trường và quân sự được quy hoạch, xây dựng trong thời gian 30 năm (1803 - 1832), với nhiều hạng mục như: Hồ Thành Hào, tuyến phòng lộ, tường thành, 24 Eo Bầu, Kỳ Đài, Trần Bình Đài và 10 cổng thành. Khu vực Kinh thành có cả hệ thống các công trình kiến trúc, phối thuộc quan hệ rất mật thiết gắn liền với Kinh thành Huế.

Hơn 130 năm kể từ khi triều đình Huế ký Hiệp ước Patenôtre năm 1884 để quân Pháp vào đóng ở đồn Mang Cá và sau đó dần mất đi chủ quyền, việc bảo trì kinh thành ngày càng sa sút, thiếu sự quan tâm của triều đình. Tình trạng này tiếp diễn sau khi nhà Nguyễn mất đi vai trò lịch sử của mình vào năm 1945.

Kể từ thời điểm đó, khi Kinh đô Huế nói chung và Kinh thành Huế nói riêng trở thành di tích. Kinh thành Huế ngày càng hư hỏng dần do nhiều yếu tố: Thiên tai, chiến tranh, sự tác động của con người.

Tại nhiều điểm di tích, dân địa phương tự động lấn chiếm dần mặt bằng công trình kiến trúc, xây dựng nhà ở, mở vườn, trồng hoa màu không chỉ trong thành nội, ngoài thành giai, trên mặt hào, mà còn tác động ngay trên thượng thành, trong lòng các pháo đài và trên tuyến phòng lộ.

Kinh thành Huế càng ngày càng hư hỏng, xuống cấp do thiên tai, chiến tranh và sự tác động của con người. Tại nhiều điểm di tích, người dân đã tự động lấn chiếm xây dựng nhà ở, làm vườn, trồng hoa màu... qua kiểm tra, Kinh thành Huế bị hư hỏng nhiều điểm.

Trong đó, vòng tường kinh thành hư hỏng đến 40%, trong lòng các pháo đài, thượng thành đều bị chiếm dụng làm nhà ở, Trần Bình Đài hư hỏng đến 50%, hiện di tích đang được quân đội quản lý.

Theo thống kê của Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế, năm 1995 có 1.838 hộ dân (hộ chính) sống tại khu vực I di tích Kinh thành Huế. Năm 2003, số hộ dân tại đây tăng thêm 438 hộ. Đến năm 2018, trong các khu vực I di tích Kinh thành Huế có khoảng 4.201 hộ dân sinh sống, trong đó có gần 50% là hộ phụ.

Các hộ dân sống trong các khu vực I của di tích làm giới hạn tầm nhìn và làm giảm mỹ quan của di tích, ảnh hưởng đến diện mạo và sự bền vững của công trình kiến trúc, đặc biệt là làm môi trường bị ô nhiễm nặng.

Trong khu vực kinh thành có hơn 40 hồ nay đã bị lấp mất gần 1/5, số còn lại đang bị lấn chiếm hoặc trở thành nơi xả rác, chất thải của người dân. Các loại động thực vật thủy sinh đặc trưng cho hệ thống ao hồ này gần như không còn hoặc còn rất ít, diện tích mặt nước hoang phế, cây cỏ dại, rong bèo mọc tràn lan.

Thực hiện chủ trương của Thủ tường Chính phủ về đề xuất cơ chế đặc thù di dời, hỗ trợ tái định cư cho các hộ dân trong khu vực I di tích Kinh thành Huế tại Thông báo số 26/TB-VPCP của Văn phòng Chính phủ và Kế hoạch số 28/KH-UBND của UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế về tổ chức thực hiện kết luận của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại buổi làm việc với tỉnh cuối năm 2017.

Theo đó, Đề án di dời dân cư, giải phóng mặt bằng khu vực I di tích Kinh thành Huế được được chia làm 2 giai đoạn, dự kiến sẽ có 4.201 hộ dân, kinh phí thực hiện là 2.735 tỷ đồng.

Giai đoạn 1, thực hiện trong năm 2019 - 2021 triển khai di dời các hộ dân ở trong phạm vi khu vực tường thành, các eo bầu, hộ thành hào… với hơn 2.938 hộ.

Giai đoạn 2, từ năm 2022 - 2025 di dời hơn 1.263 hộ dân ở các khu vực hồ Tịnh Tâm và hồ Học Hải, Đàn Xã Tắc, Khâm Thiên Giám, Xiển Võ Từ, Lục Bộ và hệ thống hồ thuộc 4 phường nội thành cùng di tích Trần Bình Đài... phần hạ tầng kỹ thuật khu dân cư phục vụ di dời, giải phóng mặt bằng cũng được dự kiến thực hiện với kinh phí 1.362 tỷ đồng từ ngân sách địa phương, trên quy mô diện tích 105ha ở phường Hương Sơ, TP Huế.

Theo ông Phan Văn Tuấn, Đề án di dời dân cư, giải phóng mặt bằng khu vực I di tích Kinh thành Huế đã được các ban, ngành của tỉnh xây dựng khung chính sách đặc biệt để trình Bộ Tài nguyên và Môi trường xem xét có phương án hỗ trợ cho các hộ dân khó khăn khi di dời.

Trí Đức

Nguồn Xây Dựng: http://www.baoxaydung.com.vn/news/vn/xa-hoi/se-di-doi-4201-ho-dan-ra-khoi-di-tich-kinh-thanh-hue-xay-dung-khung-chinh-sach-dac-biet-ho-tro-nguoi-dan-kho-khan.html