Sẽ di dời hơn 4.000 hộ dân ra khỏi Kinh thành Huế

Trước thực trạng hàng nghìn hộ dân nghèo khó đang sống xung quanh Kinh thành, tỉnh Thừa Thiên Huế đã lên kế hoạch di dời dân trong thời gian sớm nhất.

Ông Phan Văn Tuấn - Phó Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế cho hay, tỉnh Thừa Thiên Huế sắp lên kế hoạch di dời hơn 4.200 hộ dân ra khỏi khu vực I di tích Kinh thành Huế.

Hầu hết các hộ dân sống xung quanh Kinh thành Huế đều ở trong những ngôi nhà tạm bợ, chật hẹp, điều kiện vệ sinh, môi trường không đảm bảo, ảnh hưởng đến sức khỏe và mỹ quan đô thị, xâm phạm nghiêm trọng di tích.

Các hộ dân sống xung quanh Kinh thành Huế đều không có giấy tờ về nhà ở; nhà chật hẹp, tạm bợ.

Theo đó, phương án di dời dân cư cho hơn hơn 4.200 hộ thuộc khu vực I di tích Kinh thành Huế được thực hiện trong giai đoạn 2019 - 2021. Kinh phí di dời, bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng là khoảng 2.800 tỷ đồng. Nguồn kinh phí thực hiện hỗ trợ từ ngân sách Trung ương.

Trong đó, ưu tiên tập trung di dời phạm vi di tích thượng thành, các eo bầu, hộ thành hào và tuyến phòng lộ. Tiếp đến là tại các di tích còn lại như: Hồ Tịnh Tâm và Hồ Học Hải, Đàn Xã Tắc, Khâm Thiên Giám, Xiển Võ Từ, Lục Bộ và hệ thống hồ thuộc 4 phường nội thành và di tích Trần Bình Đài.

Ngoài ra, địa phương cũng sẽ bố trí kinh phí để đầu tư hạ tầng khu dân cư mới để chuẩn bị phục vụ tái định cư trước khi di dời dân cư, với diện tích khoảng 73ha tại phường Hương Sơ (TP Huế). Khu tái định cư mới phải đảm bảo các yếu tố cơ bản về hạ tầng kỹ thuật (giải phóng mặt bằng, san nền, đường giao thông, cấp thoát nước, điện,..) và các thiết chế y tế, văn hóa, giáo dục của khu tái định cư. Tổng kinh phí thực hiện dự kiến khoảng hơn 1.360 tỷ đồng..

“Nếu di dời được các hộ dân khỏi khu vực Thượng Thành, Eo Bầu, Hộ thành hào... thì Huế sẽ có thêm những sản phẩm du lịch mới như tuyến đi bộ trên Thượng thành, tham quan Kinh thành Huế bằng đường thủy trên Hộ thành hào...” , ông Tuấn nhận định.

Được biết, Kinh thành Huế là một công trình di tích có giá trị lớn về lịch sử, văn hóa, kiến trúc, cảnh quan môi trường và quân sự. Đây là quần thể Di tích Cố đô Huế đã được UNESCO công nhận là di sản văn hóa của nhân loại. Công trình rộng hơn 500ha bao gồm nhiều hạng mục như: hộ thành hào, tuyến phòng lộ, tường thành, 24 eo bầu, Kỳ đài, Trấn Bình đài (Mang cá nhỏ) và mười cổng thành.

Theo Luật Di sản, đây là nơi cấm xây dựng, giữ nguyên hiện trạng. Tuy nhiên, trước và sau năm 1975, hàng nghìn hộ dân đã lên khu vực Thượng Thành, Eo Bầu và các khu di tích nằm trong Kinh thành Huế sinh sống, xây dựng nhà cửa kiên cố.

TÙNG ANH

Nguồn Tuổi Trẻ TĐ: https://tuoitrethudo.com.vn/se-di-doi-hon-4000-ho-dan-ra-khoi-kinh-thanh-hue-d2056499.html