Sẽ dừng chạy tàu đường sắt quốc gia trong tháng 3?

Chủ tịch Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam cho biết: 'Không có tiền để duy trì hoạt động tuần đường, gác chắn thì không còn cách nào khác là phải dừng chạy tàu đường sắt quốc gia vào tháng 3 tới'.

Nguy cơ dừng chạy tàu

Báo Tiền Phong đưa tin, sáng 20/2, Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ đã làm việc với Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước (QLVNN) tại doanh nghiệp. Tại cuộc làm việc, ông Vũ Anh Minh, Chủ tịch HĐTV Tổng công ty Đường sắt Việt Nam đã thẳng thắn chia sẻ nhiều những bất cập, ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động của đơn vị.

Theo ông Minh, vướng mắc không phải do Ủy ban QLVNN mà do cơ chế chính sách khi thay đổi người đại diện về quản lý vốn. Bộ GTVT cũng đã có 3 văn bản liên tiếp gửi đến Thủ tướng Chính phủ; Tổng Công ty cũng đã báo cáo lên Bộ GTVT, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước, thậm chí báo cáo “vượt cấp” lên cả Thủ tướng, Thường trực Chính phủ và Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhưng đến nay vẫn chưa giải quyết được. “Báo cáo kiến nghị của chúng tôi rất nhiều, nói cả ngày cũng không thể hết”, ông Minh nhấn mạnh.

Đường sắt có nguy cơ phải ngừng chạy tàu. - Ảnh: Tiền Phong

Đường sắt có nguy cơ phải ngừng chạy tàu. - Ảnh: Tiền Phong

Về vấn đề giao dự toán ngân sách, ông Minh cho biết, theo quy định, trước 31/12, bộ GTVT giao dự toán ngân sách để thực hiện công tác bảo trì để thực hiện các nhiệm vụ như tuần đường, gác chắn, bảo đảm an toàn giao thông và các nhiệm vụ khác. Căn cứ vào đó, Tổng công ty sẽ ký hợp đồng đặt hàng công ích với các đơn vị trong ngành với tổng số nhân lực, lao động trong khối hạ tầng là hơn 11 nghìn người.

Song đến hôm nay, Tổng công ty vẫn chưa nhận được dự toán, điều này khiến cho trên 1,1 vạn con người không có tiền lương. Như vậy Tổng công ty chỉ còn cách dừng hoạt động chày tàu, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Xem xét đưa VNR trở về Bộ GTVT

Trả lời trên báo Dân Trí, Chủ tịch VNR Vũ Anh Minh cho biết, trước khi được chuyển giao sang UBQVNN, Bộ GTVT dự kiến giao cho VNR 2 gói dự án và Ban Quản lý dự án đường sắt 2 gói. Tuy nhiên, từ khi có Nghị định 131 thì Bộ GTVT cho biết không thể giao được cho VNR vì VNR không phải đơn vị trực thuộc Bộ GTVT.

“Chúng tôi được giao toàn bộ quản lý, vận hành, khai thác và đảm bảo an toàn 3.059km đường sắt nhưng lại không được giao vốn để thực hiện. Trong khi đó 1 người khác được giao vào đường sắt làm cải tạo nâng cấp, một ông cầm chai nước cho ông kia uống thì sặc là chắc.

Cái chúng tôi cần là đảm bảo an toàn, nâng cao năng lực hạ tầng nhưng người khác có thể lại quan tâm đầu tư làm việc khác, điều đó có thể không sai nhưng không phục vụ cho nhu cầu đường sắt. Nhà mình ở mà người khác vào sửa theo nhu cầu của họ thì làm sao ở được” - ông Minh cho biết.

Ông Vũ Anh Minh - Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam. - Ảnh: Dân Trí

Lãnh đạo VNR bày tỏ mong muốn các gói dự án được triển khai nhanh để rút ngắn thời gian khó khăn và sau khi dự án triển khai thì năng lực thông qua đường sắt tốt hơn, khai thác vận chuyển đường sắt cũng tốt hơn.

Tại cuộc họp, ông Nguyễn Cao Lục - Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, Phó Tổ trưởng Tổ công tác của Thủ tướng - cho hay: “Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ GTVT và VNR trong mọi trường hợp phải đảm bảo tuyệt đối an toàn và giao thông đường sắt thông suốt”.

Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ cũng cho biết, tất cả những khó khăn vướng mắc mà VNR nêu đã được đặt trên bàn của Chính phủ, đề nghị Bộ GTVT và UBQLVNN có báo cáo thêm, tuy nhiên việc cần nhất bây giờ là phải giao kế hoạch vốn cho VNR.

“Những gì vướng Luật thì phải kiến nghị sửa Luật. Thủ tướng rất quan tâm và giao lại cho Bộ GTVT và UBQLVNN xem lại cơ quan phụ trách đường sắt, nếu cần thiết thì cho VNR quay trở lại Bộ GTVT để đảm bảo hiệu quả trong quan lý điều hành. Thủ tướng yêu cầu báo cáo trong tháng 3 tới” - Tổ trưởng Tổ công tác của Thủ tướng thông tin.

Nguồn Ngày Nay: http://ngaynay.vn/24-7/se-dung-chay-tau-duong-sat-quoc-gia-trong-thang-3-166256.html