Sẽ giữ lại Nhà thờ Thủ Thiêm và Dòng mến Thánh giá Thủ Thiêm

Nhân dịp Tết cổ truyền của dân tộc, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân và đoàn lãnh đạo TP.HCM vừa có chuyến thăm, chúc Tết tại Dòng mến Thánh giá Thủ Thiêm và nhà thờ Thủ Thiêm (Khu đô thị mới Thủ Thiêm, quận 2).

Tại Dòng mến Thánh giá Thủ Thiêm, Bí thư Thành ủy đã bày tỏ sự trân trọng đối với những hoạt động xã hội đang được thực hiện tại đây, đồng thời thăm hỏi, động viên các cụ cao tuổi đang được chăm sóc tại đây. Ông cho rằng, với những hoạt động từ thiện này, Dòng mến Thánh giá Thủ Thiêm đã tiếp nối truyền thống chia sẻ giúp đỡ những người khó khăn, là việc làm rất tốt cho xã hội.

Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân bày tỏ sự trân trọng đối với các hoạt động từ thiện - xã hội tại Dòng mến Thánh giá Thủ Thiêm

Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân bày tỏ sự trân trọng đối với các hoạt động từ thiện - xã hội tại Dòng mến Thánh giá Thủ Thiêm

Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân và đoàn lãnh đạo TP.HCM cũng đã đến thăm, chúc Tết tại nhà thờ Thủ Thiêm. Sau khi tham quan nhà thờ Thủ Thiêm, ông Nguyễn Thiện Nhân đã ân cần thăm hỏi linh mục Lê Đăng Niêm, Chánh xứ nhà thờ Thủ Thiêm, bày tỏ sự trân trọng tâm nguyện của linh mục Lê Đăng Niêm về việc chung tay chăm lo cho những người có hoàn cảnh khó khăn...

Cũng nhân dịp này, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân đã có chia sẻ hướng giải quyết đối với các công trình tôn giáo hiện hữu ở Thủ Thiêm. Ông nhấn mạnh, nhà thờ và tu viện có tuổi đời rất lớn, khoảng 160 năm. Trong đó, Nhà thờ Thủ Thiêm được thành lập vào năm 1859. Đến nay, nhà thờ đã trải qua 3 lần tái thiết (lần cuối cùng vào năm 1950) trên nền hiện trạng cũ xưa.Riêng Nhà xứ của Nhà thờ Thủ Thiêm, được khánh thành từ năm 1874 hiện vẫn đang được sử dụng.

Ông Nguyễn Thiện Nhân tham quan Nhà thờ Thủ Thiêm

Đặc biệt, tại Nhà thờ này có tháp chuông, treo 5 quả chuông đồng được đúc vào những năm 1889-1892 tại xưởng đúc tốt nhất của Pháp. Chuông được gióng bằng cách thức dùng cần đạp chân đã có từ xưa.

Về tổng thể, Nhà thờ Thủ Thiêm có sự tiếp nối của nhiều thế hệ giáo dân gần 160 năm qua. Cách bên Nhà thờ Thủ Thiêm không xa là tu viện Thủ Thiêm của Dòng Mến Thánh giá, có mặt từ năm 1840, mang kiến trúc đặc biệt và cổ hơn Nhà thờ Thủ Thiêm, hiện vẫn còn nguyên trạng.

Ông đánh giá, ngoài dấn thân phục vụ lĩnh vực luân lý, đức tin, các nữ tu Dòng Mến Thánh giá Thủ Thiêm luôn có nhiều hoạt động xã hội liên quan đến y tế, giáo dục, văn hóa, xã hội… Trong suốt thời gian qua Dòng Mến Thánh giá Thủ Thiêm gắn bó với việc chăm sóc, chia sẻ, giúp đỡ những người khó khăn, người nghèo; tham gia các phong trào hướng về cộng đồng, phát huy truyền thống sống “tốt đời đẹp đạo”.

Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh, sẽ giữ nguyên tất cả các công trình có tính lịch sử. Đối với một số công trình “không lớn tuổi” thì cần sắp xếp lại cho phù hợp, đồng bộ với tổng thể khu đô thị mới.

Phương án của TP.HCM là sẽ giữ lại Nhà thờ Thủ Thiêm và Tu viện Dòng mến Thánh giá Thủ Thiêm

Ông Nguyễn Thiện Nhân cũng khẳng định TP.HCM sẽ có phương án chống ngập để hỗ trợ tu viện và tổ chức kết nối giao thông thuận tiện.

Nhà thờ Thủ Thiêm hiện hữu nằm ở vùng lõi Khu đô thị mới Thủ Thiêm, sát trung tâm quận 1. Theo một số tài liệu, nhà thờ Thủ Thiêm đầu tiên được xây dựng vào năm 1859, còn Tu viện Thủ Thiêm của Dòng Mến Thánh giá hiện hữu từ năm 1840.

Sử liệu còn cho hay, từ sau cuộc nổi dậy của Lê Văn Khôi (1833), dưới triều vua Minh Mạng có chỉ dụ bắt những người theo Công giáo. Khi ấy, nhiều nhà thờ, tu viện bị tàn phá, không ít linh mục, tu sĩ, giáo dân phải chịu cảnh ly tán… Các nữ tu Dòng mến Thánh giá chạy loạn và dừng chân ở Thủ Thiêm, lập tu viện tại đây. Tiếp đó nhà thờ Thủ Thiêm được thành lập vào năm 1859.

VH

Nguồn Dân Sinh: http://baodansinh.vn/se-giu-lai-nha-tho-thu-thiem-va-dong-men-thanh-gia-thu-thiem-d90226.html