Sẽ hiệu quả hơn trong việc gắn đào tạo với nhu cầu sử dụng

Bộ GD&ĐT đề xuất, thu hẹp đối tượng được hưởng chế độ cử tuyển thành 'các dân tộc thiểu số rất ít người ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn' nhằm thực hiện hiệu quả công tác cử tuyển đối với học sinh, sinh viên là người dân tộc thiểu số, miền núi.

Theo Bộ GD&ĐT đánh giá, bố trí việc làm cho sinh viên tốt nghiệp cử tuyển rất khó khăn do hình thức tuyển dụng cán bộ công chức, viên chức đã có nhiều thay đổi theo quy định của Luật Cán bộ, công chức; Luật Viên chức được cụ thể hóa tại Nghị định số 24/2010/NQ-CP ngày 15-3-2010 của Chính phủ Quy định về tuyển dụng, sử dụng và quản lý công chức và Nghị định số 29/2012/NQ-CP ngày 12-4-2012 của Chính phủ quy định về tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức.

Trong quá trình triển khai, nhiều địa phương chưa xây dựng được kế hoạch tổng thể đào tạo cán bộ học cử tuyển theo vị trí việc làm; xác định nhu cầu ngành nghề, trình độ đào tạo và cơ cấu số lượng giữa các dân tộc chưa phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Ở một số địa phương khác, công tác rà soát, bám sát theo quy hoạch, ưu tiên các dân tộc có nguồn nhân lực thấp còn lỏng lẻo, định tính.

Dự thảo Luật Giáo dục (sửa đổi) có điều chỉnh về đối tượng cử tuyển để gắn đào tạo với nhu cầu và bố trí việc làm tại địa phương, tránh lãng phí đào tạo. Ảnh minh họa

Vì vậy, Bộ GD&ĐT đề xuất, thu hẹp đối tượng được hưởng chế độ cử tuyển thành “các dân tộc thiểu số rất ít người ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn” nhằm thực hiện hiệu quả công tác cử tuyển đối với học sinh, sinh viên là người dân tộc thiểu số, miền núi; gắn đào tạo với nhu cầu và bố trí việc làm tại địa phương.

Điều 84 dự thảo Luật Giáo dục (sửa đổi) sửa đổi, bổ sung Điều 90 Luật Giáo dục như sau: “Nhà nước dành riêng chỉ tiêu cử tuyển đối với các dân tộc thiểu số rất ít người ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; có chính sách tạo nguồn tuyển sinh trên cơ sở tạo điều kiện thuận lợi để học sinh các dân tộc này vào học trường phổ thông dân tộc nội trú và tăng thời gian học dự bị ĐH; UBND cấp tỉnh, căn cứ vào nhu cầu của địa phương, có trách nhiệm đề xuất chỉ tiêu cử tuyển, phân bổ chỉ tiêu cử tuyển theo ngành nghề phù hợp, cử người đi học cử tuyển theo đúng chỉ tiêu được duyệt và tiêu chuẩn quy định. Cơ sở giáo dục có trách nhiệm hỗ trợ cho người đi học theo chế độ cử tuyển để bảo đảm chất lượng đầu ra; Người được cử đi học theo chế độ cử tuyển được ưu tiên trong tuyển dụng công chức, viên chức. Chính phủ quy định cụ thể tiêu chuẩn và đối tượng được hưởng chế độ cử tuyển, việc tổ chức thực hiện chế độ cử tuyển, việc tuyển dụng người học theo chế độ cử tuyển sau khi tốt nghiệp”.

Được biết, từ những năm 1990 - 1995, Bộ GD&ĐT đã triển khai thực hiện chính sách ưu tiên tuyển chọn, đào tạo học sinh dân tộc tại các trường ĐH, CĐ (thực hiện chế độ cử tuyển). Từ năm 1999 - 2006, việc thực hiện chế độ cử tuyển được triển khai thực hiện theo Luật Giáo dục năm 1998.

Từ năm 2007 đến nay, thực hiện chế độ cử tuyển theo Nghị định số 134/2006/NĐ-CP ngày 14-11-2006 Chính phủ ban hành Quy định chế độ cử tuyển vào các cơ sở giáo dục trình độ ĐH, CĐ, trung cấp thuộc hệ thống giáo dục quốc dân.

Từ năm 2007 đến 2013, tổng số học sinh cử tuyển vào các trường ĐH, CĐ là 12.805/14.602 chỉ tiêu, đạt 88%. Số học sinh cử tuyển vào các trường trung cấp chuyên nghiệp là trên 2.000 học sinh.

Trong giai đoạn này, có 55/63 tỉnh thành có học sinh tham gia học cử tuyển. Nhu cầu đào tạo học sinh cử tuyển của các địa phương giảm dần theo từng năm; tính đến năm 2015, chỉ còn 24/52 tỉnh, TP có nhu cầu tuyển sinh cử tuyển. Năm 2015 số học sinh, sinh viên cử tuyển trên toàn quốc giảm chỉ còn 615 học sinh; năm 2016 tiếp tục giảm còn 313 học sinh (chỉ chiếm khoảng 20% so với những năm 2010). Hiện nay, chỉ còn 8 tỉnh, gồm: Hà Giang, Lạng Sơn, Điện Biên, Hòa Bình, Phú Yên, Ninh Thuận, Trà Vinh và Bạc Liêu có học sinh tham gia học cử tuyển, số lượng học sinh đi học theo chế độ này 78 học sinh.

Từ năm 2010 đến năm 2015 số học sinh tốt nghiệp cử tuyển là 3.774 em, bố trí được việc làm 2.202 em (chiếm 58.35%). Tính đến thời điểm hiện nay, có 48 dân tộc thiểu số có học sinh, sinh viên cử tuyển, một số dân tộc có số học sinh cử tuyển khá đông như: dân tộc Thái chiếm 15,17%, Khmer chiếm 12,46%, Tày chiếm 9,59%, Mông chiếm 8,04%, Dao chiếm 5,58%. Tuy nhiên vẫn còn một số dân tộc thiểu số rất khó tuyển sinh như dân tộc Co, Mảng, Rơ Măm, Cơlao, Giẻ -Triêng, Cống, Pà Thẻn và dân tộc Lôlô; Đặc biệt còn có 5 dân tộc chưa có học sinh cử tuyển là dân tộc Brâu, La Hủ, Lự, Ngái và dân tộc Ơđu; một số dân tộc có tỷ lệ học sinh cử tuyển khá ổn định như: Dân tộc Bru-Vân Kiều, Chăm, Kháng, Pà Thẻn, Tà ôi, Xinh Mun.

Theo Bộ GD&ĐT, điều chỉnh đối tượng được hưởng chính sách cử tuyển nhằm giúp hiệu quả công tác cử tuyển đối với học sinh, sinh viên là người dân tộc thiểu số, miền núi; gắn đào tạo với nhu cầu và bố trí việc làm tại địa phương, tránh lãng phí đào tạo, đào tạo dư thừa hoặc tình trạng sinh viên cử tuyển không quay về địa phương làm việc.

Phan Thủy

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/se-hieu-qua-hon-trong-viec-gan-dao-tao-voi-nhu-cau-su-dung-127030.html