Sẽ không còn chế độ 'biên chế suốt đời'

Chính thức bỏ chế độ 'biên chế suốt đời'; sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, nhà khoa học trẻ tài năng sẽ được xét tuyển vào công chức; kết quả đánh giá, xếp loại chất lượng cán bộ sẽ được công khai… Đó là một trong những điểm mới nổi bật của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức (sửa đổi, bổ sung) chính thức có hiệu lực từ 1/7/2020 tác động trực tiếp đến đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.

Bỏ chế độ “biên chế suốt đời"

Một trong những điểm mới của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức có hiệu lực từ 1/7/2020 khiến nhiều người lao động băn khoăn là không còn chế độ “biên chế suốt đời”. Trao đổi về vấn đề này, bà Vũ Minh Huyền - Phó Trưởng Phòng Xây dựng chính quyền – Sở Nội vụ Hà Nội cho biết: Trước đây, khi Luật Viên chức số 58/2010/QH12 quy định khi tuyển dụng viên chức phải ký Hợp đồng làm việc.

Báo Lao động Thủ đô phối hợp với Công đoàn Viên chức Hà Nội tuyên truyền về những điểm mới của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức có hiệu lực từ 1/7/2020.

Báo Lao động Thủ đô phối hợp với Công đoàn Viên chức Hà Nội tuyên truyền về những điểm mới của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức có hiệu lực từ 1/7/2020.

Theo đó, sau khi hoàn thành Hợp đồng làm việc xác định thời hạn, sẽ thực hiện ký Hợp đồng làm việc không xác định thời hạn (gọi nôm na là biên chế suốt đời). Tuy nhiên, hiện nay Luật sửa đổi của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức có quy định viên chức tuyển dụng sau ngày 1/7/2020 thì thực hiện hợp đồng xác định thời hạn.

Cũng theo quy định mới, từ 1/7/2020, Hợp đồng làm việc không xác định thời hạn chỉ còn được áp dụng với 3 trường hợp sau: Viên chức được tuyển dụng trước ngày 1/7/2020; cán bộ, công chức chuyển thành viên chức; người được tuyển dụng làm viên chức làm việc tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.

Trao đổi thêm về vấn đề này, Luật sư Nguyễn Văn Hà - Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội cho biết: Trong Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức sửa đổi năm 2019 xác định rất rõ là tất cả các viên chức khi thực hiện nhiệm vụ đều phải dựa trên cơ sở Hợp đồng làm việc. Hợp đồng làm việc được phân định là hợp đồng xác định thời hạn (từ 12-36 tháng) và Hợp đồng làm việc không xác định thời hạn.

Đặc biệt, Hợp đồng làm việc không xác định thời hạn, đối với các viên chức ký hợp đồng này sẽ phải trải qua 1 năm thử việc. Trong quá trình làm việc, nếu viên chức không hoàn thành nhiệm vụ được phân công, không chấp hành kỷ luật, vẫn sẽ bị xử lý theo quy định đánh giá của Luật Cán bộ, công chức, viên chức. “Đây là thay đổi rất lớn về tư duy của công chức, viên chức trong quá trình làm việc tại cơ quan nhà nước, buộc mỗi người phải có sự vận động để làm sao có thể đáp ứng được yêu cầu, đòi hỏi của cơ quan nhà nước trong thực hiện nhiệm vụ được giao”, Luật sư Nguyễn Văn Hà nhấn mạnh.

Cũng từ 1/7/2020, một trong những điểm mới được nhiều người quan tâm đó là một số đối tượng đảm bảo đủ điều kiện sẽ được xét tuyển thẳng thay vì phải thi tuyển. Bà Vũ Minh Huyền cho biết: Trước đây, chỉ người có đủ điều kiện quy định tại Khoản 1 Điều 36 Luật Cán bộ, công chức 2008 cam kết tình nguyện làm việc từ 5 năm trở lên ở miền núi, biên giới, hải đảo, vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn thì mới được tuyển dụng thông qua xét tuyển. Tuy nhiên, theo Luật sửa đổi, đã bổ sung thêm hình thức xét tuyển với các trường hợp: Sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, nhà khoa học trẻ tài năng; những người cam kết tình nguyện làm việc từ 5 năm trở lên ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; người học theo chế độ cử tuyển theo quy định của Luật Giáo dục, sau khi tốt nghiệp về công tác tại địa phương nơi cử đi học.

Ngoài hình thức tuyển dụng thông qua thi tuyển và xét tuyển, Luật cũng quy định người đứng đầu cơ quan quản lý công chức quyết định tiếp nhận người đáp ứng các tiêu chuẩn, điều kiện của vị trí việc làm vào làm công chức đối với trường hợp: Viên chức công tác tại đơn vị sự nghiệp công lập; cán bộ, công chức cấp xã; người hưởng lương trong lực lượng vũ trang nhân dân, người làm việc trong tổ chức cơ yếu nhưng không phải là công chức;

Đồng thời tiếp nhận để bổ nhiệm làm công chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý đối với người đang là Chủ tịch Hội đồng thành viên, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Chủ tịch công ty, Thành viên Hội đồng thành viên, Thành viên Hội đồng quản trị, Kiểm soát viên, Tổng Giám đốc, Phó Tổng Giám đốc, Giám đốc, Phó Giám đốc, Kế toán trưởng và người đang giữ chức vụ, chức danh quản lý khác theo quy định của Chính phủ trong doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ; người được tiếp nhận phải được quy hoạch vào chức vụ bổ nhiệm hoặc chức vụ tương đương; người đã từng là cán bộ, công chức sau đó được cấp có thẩm quyền điều động, luân chuyển giữ các vị trí công tác không phải là cán bộ, công chức tại các cơ quan, tổ chức khác.

Nâng cao trách nhiệm của công chức, viên chức

Từ 1/7/2020, sẽ buộc phải công khai kết quả đánh giá cán bộ trong cơ quan, tổ chức, đơn vị nơi cán bộ công tác. Đây là một trong những điểm mới của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức sửa đổi 2019. Theo đó, nếu như trước đây, kết quả đánh giá, xếp loại cán bộ không công khai, thường chỉ thông báo đến cán bộ được đánh giá và lưu vào hồ sơ cán bộ, thì nay, kết quả xếp loại chất lượng cán bộ được lưu vào hồ sơ cán bộ, thông báo đến cán bộ được đánh giá và công khai trong cơ quan, tổ chức, đơn vị nơi cán bộ công tác.

Đặc biệt, một trong những nội dung đánh giá công chức đó là đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ phải gắn với vị trí việc làm, thể hiện thông qua công việc, sản phẩm cụ thể. Theo bà Vũ Minh Huyền, nếu như trước đây Điều 41 Luật Viên chức nêu rõ, việc đánh giá viên chức chỉ được xem xét ở kết quả thực hiện công việc hoặc nhiệm vụ theo hợp đồng làm việc đã ký kết; thái độ phục vụ nhân dân… thì từ 1/7/2020, việc đánh giá sẽ được lượng hóa bằng những tiêu chí cụ thể, ví dụ như: Công chức, viên chức phải xây dựng kế hoạch làm việc hằng tuần, hằng tháng, việc đánh giá dựa trên chất lượng công việc, có thực hiện đầy đủ, đúng chỉ tiêu kế hoạch đã đề ra hay không…

Bà Vũ Minh Huyền cũng cho biết, từ 1/7/2020, quy định về kỷ luật viên chức được “siết chặt” hơn. Cụ thể, Luật trước đây quy định, kể từ thời điểm có hành vi vi phạm, thời hiệu kỷ luật viên chức là 24 tháng; kể từ khi phát hiện vi phạm, thời hạn kỷ luật viên chức là không quá 2 tháng, nếu có tình tiết phức tạp thì thời hạn kỷ luật không quá 4 tháng. Trong đó, thời hạn kỷ luật là khoảng thời gian từ khi phát hiện vi phạm đến khi có quyết định xử lý kỷ luật. Có thể thấy, thực tế có nhiều trường hợp, hành vi vi phạm tinh vi, vô cùng phức tạp, thời hạn và thời hiệu kỷ luật nêu trên còn quá ngắn, khiến việc xử lý còn gặp nhiều khó khăn.

Căn cứ vào thực tiễn này, Luật sửa đổi đã kéo dài thời hiệu cũng như thời hạn xem xét kỷ luật. Cụ thể, Luật sửa đổi nêu rõ: Thời hiệu xử lý kỷ luật là thời hạn mà khi hết thời hạn đó thì cán bộ, công chức có hành vi vi phạm không bị xử lý kỷ luật. Thời hiệu xử lý kỷ luật được tính từ thời điểm có hành vi vi phạm. Thời hiệu xử lý kỷ luật được quy định như sau: 2 năm đối với hành vi vi phạm ít nghiêm trọng đến mức phải kỷ luật bằng hình thức khiển trách; 5 năm đối với hành vi vi phạm không thuộc trường hợp quy định tại điểm a khoản này.

Đồng thời, Luật sửa đổi còn bổ sung thêm trường hợp không áp dụng thời hiệu kỷ luật nghĩa là viên chức vi phạm các hành vi sau đây sẽ bị kỷ luật “bất cứ lúc nào”. Đó là: Cán bộ, công chức là đảng viên có hành vi vi phạm đến mức phải kỷ luật bằng hình thức khai trừ; có hành vi vi phạm quy định về công tác bảo vệ chính trị nội bộ; có hành vi xâm hại đến lợi ích quốc gia trong lĩnh vực quốc phòng, an ninh, đối ngoại; sử dụng văn bằng, chứng chỉ, giấy chứng nhận, xác nhận giả hoặc không hợp pháp.

Từ các phân tích trên, có thể thấy, việc kỷ luật viên chức từ 1/7/2020 sẽ bị “siết chặt” hơn rất nhiều so với các quy định trước đây, nhằm mục đích không bỏ lọt các hành vi vi phạm, xử lý đúng người, đúng vi phạm.

Bảo Duy

Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/se-khong-con-che-do-bien-che-suot-doi-110468.html