Sẽ phát hiện và điều trị cận thị hiệu quả

Rất khó để nhận biết cận thị ở trẻ nhỏ, vì các bé chưa biết rằng nhìn mờ là chuyện không bình thường. Đa số các trường hợp cận thị chỉ được phát hiện khi trẻ bắt đầu đi học và không nhìn rõ chữ trên bảng. Bởi vậy, khám sàng lọc định kỳ rất quan trọng với trẻ nhỏ trước khi tới trường. Cần đưa bé đi khám khi 3 tuổi, nhất là những gia đình có tiền sử cận thị hoặc mắc phải bệnh lý mắt khác.

Hiện nay, tỷ lệ tật khúc xạ ở Việt Nam khoảng 15 – 40%, tương ứng với khoảng 14 – 36 triệu người mắc. Trẻ em từ 6 – 15 tuổi có tỷ lệ mắc tật khúc xạ từ 25 – 40% ở thành thị và 10 – 15 % ở nông thôn, tương đương với 3 triệu trẻ em.

GS.TS Nguyễn Đức Anh, giảng viên Bộ môn mắt thuộc Trường Đại học Y Hà Nội cho biết: Người trẻ thường mắc 3 tật khúc xạ gồm: Cận thị, viễn thị và loạn thị. Trong đó, cận thị là phổ biến nhất và thường gặp ở độ tuổi học đường. Thông thường cận thị thường bắt đầu phát triển khi trẻ tới tuổi dậy thì, nhưng cũng có thể xuất hiện ở bất cứ lứa tuổi nào, kể cả ở trẻ nhỏ.

Những trẻ bị cận thị bẩm sinh (thường là cận thị nặng), hay mắc phải do quá trình phát triển (thường xuất hiện lúc trẻ 7 – 10 tuổi). Khi cơ thể phát triển, mắt trẻ hoàn thiện và do đó cận thị cũng nặng lên. Tình trạng này thường ổn định khi cơ thể trẻ đã phát triển hoàn chỉnh, nhưng đôi khi cận thị cũng có thể tiến triển tới 25 – 30 tuổi. Cận thị hiếm khi xuất hiện sau tuổi 30, nếu điều này xảy ra thì đây có thể là dấu hiệu sớm của đục thủy tinh thể.

Các bậc phụ huynh nên đưa trẻ đi khám sức khỏe định kỳ để phòng các bệnh khúc xạ về mắt.

Các bậc phụ huynh nên đưa trẻ đi khám sức khỏe định kỳ để phòng các bệnh khúc xạ về mắt.

Hiện nay, vẫn chưa xác định được nguyên nhân cụ thể gây nên cận thị, nhưng có nhiều bằng chứng cho thấy cận thị tiến triển có kết hợp giữa các yếu tố di truyền và môi trường. Về yếu tố môi trường liên quan đến cận thị trong đó có việc trẻ xem ti vi, chơi trò chơi điện tử hay sử dụng internet quá nhiều. Bên cạnh đó, là phòng học thiếu ánh sáng, bàn ghế ngồi học không phù hợp, tư thế ngồi học chưa đúng, thời gian học và đọc sách chưa hợp lý… Và đã có nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng, trong gia đình bố mẹ cận thị thì trẻ dễ bị di truyền cận thị hơn.

Theo các chuyên gia y tế phân tích, khi trẻ bị cận thị thường phải nheo mắt để nhìn, nên gây mỏi mắt, co quắp mi hay lác mắt, dần dần gây mất sự phối hợp thị giác giữa hai mắt. Đáng lo ngại, biến chứng cận thị có thể gây đục dịch kính, thoái hóa võng mạc, bong võng mạc dẫn đến mù lòa. Bởi vì mắt cận thị là mắt có trục nhãn cầu dài hơn bình thường hoặc công suất khúc xạ quá lớn. Khi đó, hình ảnh của vật sẽ hội tụ ở phía trước của võng mạc. Người bị cận thị nhìn xa mờ, nhưng nhìn gần vẫn rõ nhờ vào chức năng điều tiết của mắt trừ khi cận thị quá nặng.

Tuy nhiên, trẻ em đa số chỉ phát hiện khi bắt đầu đi học, cô giáo thấy đọc sai chữ trên bảng, hay hạn chế tầm nhìn, khả năng học tập suy giảm… lúc đó trẻ mới được cho đi khám và đeo kính. Vậy nên ảnh hưởng nhiều đến cuộc sống của trẻ và việc điều trị cũng trở lên khó khăn và tốn kém hơn.

Vì vậy, các bậc phụ huynh khi thấy trẻ có hiện tượng: Hay ngồi quá gần tivi; đọc truyện, đọc sách quá gần; trẻ hay nheo mắt; trẻ hay mỏi mắt nhức đầu; trẻ có tiền sử sinh non, hoặc gia đình có người trong nhà bị cận thị,… cần đưa trẻ tới cơ sở y tế chuyên khoa mắt để được khám, phát hiện và điều trị kịp thời các tật khúc xạ nói chung và cận thị nói riêng. Đồng thời, tránh các tai biến do các tật khúc xạ về mắt gây ra cho trẻ nhỏ.

GS. Đức Anh cũng lưu ý, hiện nay cả hai dạng cận thị (bẩm sinh hay mắc phải) đều có xu hướng tăng nhanh, nên các bậc phụ huynh cần phải đưa trẻ đi kiểm tra khúc xạ thường xuyên, định kỳ 6 – 12 tháng/lần tùy theo sự tiến triển của cận thị để thay đổi số kính đeo thích hợp. Hiện nay, điều trị cận thị cho trẻ em, phương pháp phổ biến, thuận tiện, dễ dàng và rẻ tiền nhất là đeo kính cận. Ngoài ra có thể dùng kính tiếp xúc. Ở Việt Nam, chỉ dùng Laser Excimer chữa cận thị cho người từ 18 tuổi trẻ lên.

GS. Đức Anh cũng khuyến cáo, để phòng ngừa cận thị ở trẻ em, các bậc phụ huynh không cho trẻ đọc sách, học bài,… ở khoảng cách quá gần mắt. Khoảng cách thích hợp từ mắt đến sách đọc khoảng 30 - 40cm. Sau 1h đọc sách hoặc làm việc với máy tính cần nghỉ 5 – 10 phút, đồng thời xoa nhẹ mi mắt.

Các bậc phụ huynh cần hướng dẫn tư thế ngồi học, trẻ cần ngồi thẳng lưng, ngay ngắn và không cúi sát xuống bàn. Đặc biệt, trẻ cũng cần có chế độ giải lao, vui chơi giải trí (ngoài trời) và dinh dưỡng hợp lý để không mắc phải cận thị học đường, hoăc nếu có mắc phải các bệnh khúc xạ bẩm sinh thì cũng không bị nặng hơn gây ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống sau này.

Minh Khuê

Nguồn LĐTĐ: http://laodongthudo.vn/se-phat-hien-va-dieu-tri-can-thi-hieu-qua-73599.html