Sẽ tạo sự chuyển biến lớn trong thực thi chính sách

Diễn đàn Kinh tế - Xã hội Việt Nam 2022 'Củng cố nền tảng kinh tế vĩ mô, thúc đẩy phục hồi và phát triển bền vững' kết thúc thành công có ý nghĩa rất sâu sắc trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam đang trải qua giai đoạn khó khăn do dịch bệnh, tình hình địa chính trị trên thế giới phức tạp. Các chuyên gia kinh tế, doanh nghiệp mong muốn, các giải pháp đưa ra tại Diễn đàn sẽ được áp dụng hiệu quả, đúng và trúng, từ đó tạo sự chuyển biến lớn trong việc thực thi các chính sách.

Chuyên gia kinh tế, TS. Đinh Thế Hiển:
Tiếp tục giữ vững quan điểm phát triển kinh tế

Sau một ngày diễn ra sôi nổi, Diễn đàn đã mang lại kết quả hết sức tích cực, có những đánh giá quan trọng, tập trung vào những vấn đề nóng cần phải giải quyết của nền kinh tế. Qua đây cũng thể hiện rõ quan điểm của Việt Nam là phải tiếp tục ổn định kinh tế vĩ mô, giữ vững đồng tiền, giữ vững lạm phát ở mức tốt. Chúng ta đang đi đúng hướng, ổn định kinh tế vĩ mô để phát triển, không phải đánh đổi để phát triển nhanh.

Tuy nhiên, cũng cần lưu ý, có một số giải pháp đưa ra chỉ mang tính chất tương đối, có những đặc điểm không tương đồng với quá trình phát triển nên khi thực hiện gặp nhiều khó khăn. Đơn cử như hệ thống an sinh xã hội của chúng ta chưa mạnh, nên khi muốn hỗ trợ thì việc tiếp cận của người dân còn gặp khó khăn. Hay như những gói hỗ trợ kinh tế, khâu giải ngân, giám sát còn nhiều vấn đề. Chính vì vậy, cũng cần quan tâm, tìm kiếm các giải pháp phù hợp để người dân, doanh nghiệp có thể tiếp cận các gói hỗ trợ, gói kích thích kinh tế nhanh nhất. Bên cạnh đó, cũng cần đẩy nhanh việc hoàn thiện về hạ tầng như giao thông, hệ thống cảng, sân bay phục vụ cho quá trình xuất nhập khẩu, thu hút đầu tư nước ngoài (FDI)...

Mong muốn, sau Diễn đàn, những chuyển biến về chính sách sẽ rõ ràng hơn, phải tiếp tục giữ vững quan điểm phát triển kinh tế. Ở tầm vĩ mô, trong giai đoạn 2022 - 2023 Việt Nam phải tiếp tục ổn định lạm phát, giữ vững tiền tệ và tập trung vào đầu tư công, nếu làm tốt những chính sách liên quan đến vấn đề này chắc chắn kinh tế cũng sẽ tăng trưởng theo.

Phó Chủ tịch Thường trực kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam (Vinasme), TS. Tô Hoài Nam:
Thực chất, bám sát thực tiễn hơn

Diễn đàn Kinh tế - Xã hội Việt Nam 2022 có ý nghĩa rất sâu sắc trong bối cảnh nền kinh tế hiện tại, thể hiện trách nhiệm của cơ quan tư vấn. Về mặt thời điểm, Diễn đàn được diễn ra trước Hội nghị Trung ương 6 (Khóa XIII) và trước Kỳ họp thứ Tư, Quốc hội Khóa XV cả với nội dung rất rộng, không chỉ có yếu tố kinh tế mà còn có cả yếu tố xã hội. Chúng ta thấy rõ trong xu thế ngày nay, kinh tế - xã hội gắn liền mật thiết với nhau, nếu chỉ xem xét kinh tế các giải pháp định hướng chiến lược không toàn vẹn, có tính chất đầy đủ.

Chủ đề năm nay cũng khẳng định nhiều sự thống nhất, coi trọng ổn định kinh tế vĩ mô, với hàm ý khẳng định bước đi đúng đắn trong giai đoạn 2021 - 2022 và coi đó là giải pháp phù hợp tích cực trong những năm gần đây. Bước đột phá lớn nhất của Diễn đàn là về nội dung đã thực chất, bám sát hơn, đặt ra nhiều vấn đề nóng cần bàn luận và giải quyết ngay. Đối với những vấn đề chưa làm được thì cũng lý giải được nguyên nhân cả chủ quan lẫn khách quan, từ đó đề xuất các giải pháp sát với thực tế, đúng và trúng.

Thời gian tới, những chính sách nào tốt cần phải được kiên quyết thực hiện, dù khó vẫn phải thực hiện. Đối với những giải pháp mang tính dài hạn đã nêu cần có phân tích dự báo trong nền kinh tế, những tác động, những quy định mới về mặt thể chế mới, để có sự thay đổi kịp thời, phải đi trước đón đầu tận dụng được lợi thế là quốc gia đi sau, có dân số trẻ. Mong muốn, chuyển biến chính sách sẽ ngày càng tốt hơn, những điều cần làm sẽ phải rõ ràng, cụ thể và giải pháp đúng trọng tâm. Nếu làm tốt sẽ tạo ra sự phục hồi cho những sự tăng trưởng tiếp theo, cho quá trình Việt Nam tham gia hội nhập, cạnh tranh trên thế giới.

Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) Nguyễn Hải Minh:
Đưa ra các chính sách đẩy nhanh tốc độ phục hồi, phát triển kinh tế

Diễn đàn là hoạt động tiếp nối với Diễn đàn Kinh tế 2021, là hoạt động rất thiết thực giúp Quốc hội và các cơ quan hữu quan đưa ra những quyết định, chính sách quan trọng để đẩy nhanh tốc độ phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam. Tôi đánh giá rất cao về mục đích, tiêu chí của Diễn đàn năm nay, nhất là về nội dung củng cố nền tảng kinh tế vĩ mô, thúc đẩy phục hồi và phát triển bền vững, đây là cơ sở vững chắc dẫn lối cho chặng đường phát triển bền vững. Rất nhiều ý kiến quý báu, sát thực tiễn của các chuyên gia, doanh nghiệp đã cung cấp nhiều thông tin quan trọng, những luận cứ khoa học sát với tình hình trong nước và quốc tế, góp phần hoạch định chính sách, đường hướng phát triển, thay đổi về thể chế, thu hút đầu tư… giúp cho Quốc hội, Chính phủ tiếp tục củng cố nền tảng kinh tế vĩ mô, thúc đẩy phục hồi và phát triển bền vững.

Có thể nói, thành công của Diễn đàn Kinh tế - Xã hội Việt Nam 2022 không chỉ là hoàn thành những nội dung đề ra, mà các ý kiến tham luận tại diễn đàn còn đưa ra những luận cứ khoa học, kinh nghiệm quốc tế, kịp thời đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước trong giai đoạn hiện nay. Việt Nam đứng trước thời cơ rất lớn để có thể thu hút đầu tư nước ngoài, tăng cường thương mại với các nền kinh tế lớn. Nhưng chúng ta cần chuẩn bị cơ sở hạ tầng xanh, năng lượng, logistics, cảng biển, nhân lực… để có thể thu hút được các nhà đầu tư. Đặc biệt, cần có các chính sách định hướng cho các doanh nghiệp Việt Nam thâm nhập và phát triển tại thị trường nước ngoài.

Để làm được điều đó, theo tôi, rất cần sự đồng hành của Quốc hội, của Chính phủ, sự chủ động, quyết liệt vào cuộc đối với những vấn đề hệ trọng của đất nước. Việc tổ chức Diễn đàn Kinh tế - xã hội Việt Nam 2022 thể hiện tinh thần sẵn sàng lắng nghe để có những quyết sách phù hợp, cũng chính là từng bước thực hiện việc đồng hành đó.

Trúc Oanh - Vũ Quang thực hiện

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/kinh-te-phat-trien/se-tao-su-chuyen-bien-lon-trong-thuc-thi-chinh-sach-i301122/