Sẽ thí điểm đấu thầu trước tiên với dự án điện mặt trời trên mặt hồ

Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh khẳng định, Bộ Công Thương đang phối hợp với đơn vị tư vấn để nghiên cứu phương án đấu thầu các dự án điện mặt trời. Dự kiến ngay trong năm 2020 sẽ triển khai thí điểm, trước mắt sẽ thí điểm với các dự án có đủ điều kiện để làm.

Ảnh minh họa. Ảnh: Nguyễn Thanh

Ảnh minh họa. Ảnh: Nguyễn Thanh

Thí điểm ngay trong năm 2020

Trong khi giá điện mặt trời sau ngày 30/6/2019 vẫn còn là ẩn số, hiện nay cả Chính phủ lẫn bộ, ngành liên quan đều đang ráo riết chuẩn bị cho việc thí điểm cơ chế đấu thầu dự án điện mặt trời.

Trao đổi với báo chí mới đây xung quanh câu chuyện phát triển năng lượng tái tạo, đặc biệt là điện mặt trời, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho biết, Bộ Công Thương đang phối hợp với đơn vị tư vấn để nghiên cứu phương án đấu thầu các dự án điện mặt trời. Dự kiến, ngay trong năm 2020 sẽ triển khai thí điểm, trước mắt sẽ thí điểm với các dự án có đủ điều kiện để làm.

Điều kiện ở đây đòi hỏi rất cụ thể như: Đất sạch, mặt bằng được giải phóng. Các vấn đề liên quan đến công nghệ và các tiêu chí khác cũng phải đưa ra mặt bằng chung để tính toán, thống nhất. Việc xây dựng các bước hướng dẫn tiếp theo trong đấu thầu cũng cần rất nhiều những quy định, bộ tiêu chí đánh giá, nguyên tắc...

Bởi vậy, Bộ Công Thương thống nhất báo cáo Thủ tướng Chính phủ cho thí điểm đấu thầu các dự án điện trên mặt hồ. Điều này sẽ tránh vướng mắc về giải phóng mặt bằng, đồng thời cho phép khai thác nguồn tiềm năng lớn từ các mặt hồ. Trên cơ sở sau khi có kết quả từ các dự án này sẽ tiếp tục bổ sung cơ chế cho đấu thầu điện mặt trời trong thời gian tiếp theo.

Đảm bảo giải tỏa công suất

Thúc đẩy phát triển mạnh mẽ năng lượng tái tạo song thời gian vừa qua vấn đề đặt ra cho Việt Nam là sự "hụt hơi" của hệ thống lưới truyền tải.

Phân tích sâu về vấn đề này, theo Bộ trưởng Trần Tuấn Anh, trong Quy hoạch điện VII hiệu chỉnh đã xây dựng các dự án, quy hoạch cụ thể cho từng trung tâm, khu vực, tính đến kết nối các hệ thống, đồng bộ các dự án về nguồn điện, hạ tầng để đấu nối và phục vụ truyền tải, gồm các trạm từ 110 kV, 220 kV đến 500 kV...

Theo đó đã tương đối đảm bảo cơ bản vận hành an toàn hệ thống điện quốc gia cũng như huy động tối đa nguồn điện đầu tư hợp lý đảm bảo nhu cầu cân đối điện trong suốt thời gian qua.

Tuy nhiên, vị "tư lệnh" ngành Công Thương cũng thừa nhận, giai đoạn gần đây, khi xuất hiện sự bùng nổ của năng lượng tái tạo mà cụ thể là điện mặt trời đã làm bộc lộ bất cập trong đồng bộ hóa giữa công suất của các nhà máy điện mặt trời được đầu tư với hạ tầng lưới điện thực tế.

Với sự nỗ lực chung, hiện các dự án điện mặt trời đã được giải tỏa công suất ở mức 70-80%. Theo dự kiến đến 6/2020, về cơ bản sẽ giải tỏa hết công suất các dự án điện mặt trời vốn đang vướng mắc trong câu chuyện hạn chế của hạ tầng.

Từ bài học đó, giải pháp đầu tiên được Bộ Công Thương hướng tới là thúc đẩy rà soát các quy hoạch. Trên cơ sở đánh giá tiềm năng các khu vực để sớm bổ sung vào quy hoạch những dự án cần thiết, quan trọng của hệ thống truyền tải, các trạm nhằm nâng cao năng lực giải tỏa.

Ngoài ra, Bộ Công Thương thống nhất với Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) xác định giải pháp huy động các nguồn lực để đẩy nhanh thực hiện những dự án đầu tư trong hệ thống truyền tải, đặc biệt đảm bảo vai trò của Tổng công ty truyền tải, các công ty điện địa phương, đảm bảo các yếu tố đấu nối kỹ thuật, vận hành an toàn và xuyên suốt của hệ thống...

Bên cạnh đó, Bộ Công Thương thống nhất với các địa phương tiếp tục nghiên cứu và sớm báo cáo Chính phủ cho tiếp tục triển khai thực hiện cơ chế thí điểm cho các nhà đầu tư tư nhân đầu tư các dự án điện tái tạo có quy mô lớn tham gia đầu tư trong hệ thống hạ tầng, trạm và đường dây dẫn.

Điều này coi như là hợp phần của dự án để giảm bớt gánh nặng đầu tư cho EVN. Các nhà đầu tư có thể phối hợp với nhau đầu tư các trạm và đường dây để đảm bảo năng lực đấu nối với hệ thống truyền tải điện quốc gia...

Đầu tháng 2 vừa qua, EVN đã có văn bản gửi Bộ Công Thương đề xuất 3 phương án đấu thầu điện mặt trời gồm: Đấu thầu cho từng dự án, đấu thầu đại trà và đấu thầu khu vực.

EVN kiến nghị Bộ Công Thương xem xét, nghiên cứu để áp dụng đồng thời cả 3 phương án đấu thầu theo đề xuất của EVN. Cụ thể: Phương án 1 đấu thầu lựa chọn chủ đầu tư phát triển các dự án điện mặt trời có quy mô công suất lớn, điện mặt trời nổi đã bổ sung quy hoạch; phương án 2 sớm thực hiện đấu thầu đại trà để lựa chọn được lượng công suất lớn, giảm nguy cơ thiếu điện và phương án 3 áp dụng lâu dài.

Thanh Nguyễn

Nguồn Hải Quan: https://haiquanonline.com.vn/se-thi-diem-dau-thau-truoc-tien-voi-du-an-dien-mat-troi-tren-mat-ho-120828.html