Sẽ tiêm phòng các bệnh bắt buộc đạt trên 80% tổng đàn gia súc, gia cầm

UBND thành phố Hà Nội đã ban hành Kế hoạch 250/KH-UBND về phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm trên địa bàn thành phố Hà Nội năm 2021.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Theo kế hoạch, song song công tác tuyên truyền, tập huấn, thành phố sẽ tập trung cho công tác phòng bệnh bằng vắc xin cho đàn gia súc, gia cầm. Cụ thể, tổ chức 2 đợt tiêm phòng đại trà cho đàn vật nuôi: Đợt 1 sẽ thực hiện trong tháng 3 và 4/2021; đợi 2 triển khai thực hiện trong tháng 9 và 10-2021. Ngoài ra, hằng tháng, thành phố tổ chức tiêm phòng bổ sung cho đàn vật nuôi mới phát sinh chưa được tiêm phòng hoặc đã hết miễn dịch. Thành phố đặt mục tiêu, tỷ lệ tiêm phòng đối với các bệnh bắt buộc tiêm phòng phải đạt trên 80% tổng đàn thuộc diện tiêm và đối với bệnh dại chó, mèo phải tiêm phòng đạt trên 90% tổng đàn; tỷ lệ bảo hộ sau tiêm phòng phải đạt trên 70%.

Ngoài các loại vắc xin bắt buộc phải tiêm phòng theo quy định, tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn và khuyến cáo người chăn nuôi chủ động phòng bệnh bằng vắc xin cho đàn vật nuôi ngoài đối tượng được hỗ trợ vắc xin của thành phố. Xử lý nghiêm những tổ chức, cá nhân không thực hiện tiêm phòng theo quy định của pháp luật.

Trong công tác giám sát dịch bệnh, giám sát sau tiêm phòng, thành phố sẽ duy trì đường dây tiếp nhận thông tin về tình hình dịch bệnh gia súc, gia cầm trên địa bàn thành phố. Củng cố hệ thống giám sát, khai báo và thông tin dịch bệnh gia súc, gia cầm ở mỗi cấp, đảm bảo giám sát dịch bệnh tới tận thôn, xóm, hộ chăn nuôi. Công khai các địa chỉ để tiếp nhận thông tin khai báo dịch bệnh ở cấp xã, huyện để người dân biết, chủ động cung cấp thông tin; tổ chức kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc xuất, nhập động vật và sản phẩm động vật trên địa bàn; kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo quy định.

Cùng với đó, chủ động lấy mẫu giám sát để dự tính, dự báo sớm dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm như: Cúm gia cầm, lở mồm long móng gia súc, bệnh dịch tả lợn châu Phi, đặc biệt phải phân tích chuyên sâu để phát hiện sự biến chủng của mầm bệnh giúp định hướng sử dụng vắc xin cho phù hợp, hiệu quả... Khi có động vật ốm, chết, có dấu hiệu bệnh truyền nhiễm nguy hiểm phải lấy mẫu xét nghiệm để xác định nguyên nhân. Thực hiện biện pháp khẩn cấp chống dịch khi xác định là bệnh dịch nguy hiểm. Đảm bảo khống chế nhanh gọn, không để lây lan ra diện rộng. Lấy mẫu giám sát sau tiêm phòng để đánh giá hiệu quả bảo hộ của vắc xin đã tiêm phòng và chỉ đạo công tác tiêm phòng cho đàn vật nuôi.

Trong kế hoạch này, thành phố cũng chỉ đạo tổ chức điều tra ổ dịch, các biện pháp xử lý ổ dịch, chống dịch; vệ sinh, tiêu độc, khử trùng; quản lý hoạt động giết mổ gia súc, gia cầm; quản lý công tác kiểm dịch, kiểm tra vệ sinh thú y và hành nghề thú y; quản lý giống vật nuôi, thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y; xây dựng vùng, cơ sở an toàn dịch bệnh; thanh tra, kiểm tra trong lĩnh vực thú y.

UBND thành phố giao Ban Chỉ đạo Phòng, chống dịch các cấp của thành phố chỉ đạo thực hiện công tác phòng, chống dịch bệnh động vật có hiệu quả, đảm bảo khống chế, dập dịch không để dịch bệnh gia súc, gia cầm lây lan ra diện rộng, tạo điều kiện cho chăn nuôi phát triển và bảo vệ sức khỏe cộng đồng.

UBND các quận, huyện, thị xã chỉ đạo các cơ quan chức năng, UBND các xã, phường, thị trấn phối hợp với cơ quan quản lý chuyên ngành thú y quản lý chặt đàn gia súc, gia cầm trên địa bàn; đẩy mạnh việc triển khai quy hoạch chăn nuôi, giết mổ gia súc, gia cầm tập trung, đảm bảo vệ sinh môi trường, tổ chức thực hiện mạng lưới cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung đã được UBND thành phố phê duyệt; tổ chức giám sát tình hình dịch bệnh đến tận hộ chăn nuôi, phát hiện sớm các ổ dịch nhằm kịp thời bao vây, khống chế không để dịch lây lan; thường xuyên vệ sinh, khử trùng môi trường đảm bảo an toàn dịch bệnh. Xử lý nghiêm các trường hợp vận chuyển, giết mổ, kinh doanh gia súc, gia cầm, sản phẩm gia súc, gia cầm nhập lậu, không rõ nguồn gốc.

TQ

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/se-tiem-phong-cac-benh-bat-buoc-dat-tren-80-tong-dan-gia-suc-gia-cam-222702.html