Sẽ tính đúng, tính đủ viện phí

Viện phí chưa được tính đúng, tính đủ khiến các bệnh viện gặp khó khăn trong việc chi trả tiền lương, duy trì hoạt động và không còn mặn mà với cơ chế tự chủ tài chính

Liên bộ Y tế - Tài chính đang xây dựng phương án tính đúng, tính đủ viện phí sau khi nhiều bệnh viện phản ánh viện phí hiện nay đã quá lạc hậu.

Thu không đủ chi

Bệnh viện Bạch Mai và Bệnh viện K vừa lần lượt xin chuyển đổi mô hình tự chủ toàn diện sang mô hình đơn vị sự nghiệp công tự bảo đảm chi thường xuyên. Lý do lớn nhất mà 2 bệnh viện này đưa ra là mức viện phí, BHYT được quy định từ 4-5 năm trước quá thấp, chưa tính đúng, tính đủ khiến bệnh viện thu không đủ chi.

Nguồn thu của bệnh viện bao gồm viện phí BHYT (chiếm 80%-90%), còn lại là viện phí của người dân chưa tham gia BHYT và những dịch vụ, kỹ thuật mà BHYT chưa chi trả. Theo bác sĩ (BS) Đào Xuân Cơ, Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai, trong 7 yếu tố cấu thành giá dịch vụ y tế, hiện mới tính 4 yếu tố gồm: thuốc, vật tư trực tiếp; điện, nước, xử lý chất thải; duy tu, bảo dưỡng tài sản; tiền lương và phụ cấp. Còn 3 yếu tố chưa được cấu thành vào giá là: sửa chữa lớn tài sản cố định, khấu hao tài sản và chi phí đào tạo - nghiên cứu khoa học.

Chưa tính đúng, tính đủ viện phí là một trong những lý do khiến nhiều bệnh viện không bảo đảm chi thường xuyên, đầu tư trang thiết bị, đào tạo nhân lực

Chưa tính đúng, tính đủ viện phí là một trong những lý do khiến nhiều bệnh viện không bảo đảm chi thường xuyên, đầu tư trang thiết bị, đào tạo nhân lực

"Bệnh viện không để bệnh nhân nằm ghép giường, giảm số giường tự nguyện, đưa giá dịch vụ liên doanh, liên kết về đúng giá BHYT... Kết quả là bệnh viện giảm doanh thu, nhân viên giảm thu nhập và nghỉ việc. Nguồn thu như hiện nay không bảo đảm chi thường xuyên chứ không nói đến chi cho đầu tư trang thiết bị, cơ sở vật chất hay đào tạo nhân lực" - BS Đào Xuân Cơ phản ánh.

Tại Bệnh viện Bạch Mai, giá hàng loạt dịch vụ đang "rất lạc hậu" so với thời giá chung. Ví dụ, giá dịch vụ chụp X-quang tại đây là 65.400 đồng, trong khi Bệnh viện Đại học Y Hà Nội thu 80.000 đồng, Bệnh viện Việt Đức 100.000 đồng; giá siêu âm cho đối tượng khám chữa bệnh theo yêu cầu tại Bệnh viện Bạch Mai là 43.900 đồng, còn Bệnh viện Đại học Y Hà Nội là 120.000 đồng, Bệnh viện Việt Đức thu 150.000 đồng...

Tương tự, tại Bệnh viện K, Giám đốc Lê Văn Quảng cho biết trong quá trình thí điểm tự chủ toàn diện, đơn vị gặp nhiều khó khăn. Chẳng hạn, giá dịch vụ thanh toán BHYT phải theo khung giá quy định chung; dịch vụ theo yêu cầu phải tính theo khung giá nhưng đến nay khung giá chưa được ban hành...

Mới đây, tại buổi làm việc với quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan, TS-BS Nguyễn Tri Thức, Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy, cũng đề nghị sớm tính đúng, tính đủ giá dịch vụ y tế; cải thiện thu nhập, phụ cấp cho nhân viên y tế. Ông Thức khẳng định tính đúng, tính đủ không phải là lạm dụng người bệnh mà để bệnh viện tồn tại, có tích lũy vừa phải để phát triển.

Áp lực nhiều chiều

Theo đại diện Bộ Y tế, năm 2019, bộ đã đề xuất tăng viện phí nhóm BHYT và ban hành giá khám theo yêu cầu. Tuy nhiên, Chính phủ không phê duyệt ban hành giá khám theo yêu cầu do mức tăng này ảnh hưởng tới chỉ số giá tiêu dùng. Sau đó, khung giá khám theo yêu cầu tiếp tục bị hoãn ban hành vì dịch Covid-19 bùng phát.

Tại hội nghị lấy ý kiến đối với dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) mới đây, đại diện Vụ Kế hoạch - Tài chính (Bộ Y tế) cũng nêu hàng loạt khó khăn liên quan giá dịch vụ y tế. Đơn cử, qua khảo sát thực tế, hiện chưa có đủ nhân lực chăm sóc người bệnh, nhiều trường hợp nhân viên y tế trực 24/24 giờ xong phải ở lại bệnh viện để tiếp tục chăm sóc người bệnh, không được nghỉ bù. Tuy nhiên, chi phí tiền lương vẫn tính theo mức lương ngày làm việc thông thường, không tính theo chế độ làm thêm giờ. Bên cạnh đó, mức lương cơ sở để tính chi phí tiền lương trong giá dịch vụ tại các thông tư thường bị chậm hơn so với thời điểm điều chỉnh lương cơ sở.

Cụ thể, Thông tư 37 ban hành năm 2015, Thông tư 15 năm 2018 và Thông tư 02 năm 2017 quy định mức tiền lương kết cấu vào giá dịch vụ là 1.150.000 đồng/tháng. Trong khi đó, lương cơ sở từ ngày 1-5-2016 là 1.210.000 đồng/tháng, từ ngày 1-7-2017 là 1.300.000 đồng/tháng và từ ngày 1-7-2018 là 1.390.000 đồng/tháng. Tiền lương kết cấu vào giá cũng chưa tính phần chi trả thù lao cho các chuyên gia, thầy thuốc giỏi theo quy định.

Một thành viên tổ thẩm định và xây dựng giá dịch vụ y tế thừa nhận có nhiều khó khăn trong thực hiện quy trình xây dựng và ban hành dịch vụ kỹ thuật. Chẳng hạn, thủ tục, trình tự ban hành giá dịch vụ khám chữa bệnh mất nhiều thời gian; nhiều dịch vụ y tế đang trong quá trình xây dựng giá thì các yếu tố cấu thành giá đã thay đổi.

"Mỗi khi điều chỉnh viện phí lại rộ lên làn sóng lo ngại về việc người nghèo không đủ sức gánh chịu giá mới. Điều này tạo không ít áp lực cho những người xây dựng giá, trong khi những nhóm yếu thế đều đã có thẻ BHYT" - thành viên này băn khoăn.

Trước những vấn đề tồn tại xung quanh mức thu viện phí, ông Nguyễn Hoàng Long, Vụ trưởng Kế hoạch - Tài chính, cho biết Bộ Y tế đang phối hợp với Bộ Tài chính xây dựng phương án thực hiện tính đúng, tính đủ giá dịch vụ y tế, kể cả giá khám chữa bệnh BHYT, phù hợp với mức đóng và khả năng cân đối quỹ BHYT. Giá dịch vụ BHYT phải tuân thủ quy định pháp luật và khung giá của Bộ Y tế.

Thống nhất một khung giá

Nhiều ý kiến chỉ rõ thực tế thẩm quyền quyết định giá khác nhau nên một cơ sở y tế có thể có 3 mức giá khám chữa bệnh, gồm: giá dịch vụ khám chữa bệnh của đối tượng BHYT, giá dịch vụ theo yêu cầu và giá được HĐND địa phương thông qua.

Để khắc phục tình trạng này, Bộ Y tế đề xuất cơ chế cho bộ trưởng Bộ Y tế quy định khung giá dịch vụ khám chữa bệnh đối với cơ sở của nhà nước trên phạm vi toàn quốc; UBND cấp tỉnh quy định giá dịch vụ khám chữa bệnh đối với cơ sở của nhà nước trên địa bàn theo đề nghị của Sở Y tế và các sở, ngành liên quan.

Đồng thời, Bộ Y tế đề xuất bộ này sẽ có hướng dẫn về nguyên tắc xây dựng giá dịch vụ khám chữa bệnh theo yêu cầu. Sau đó, cơ sở khám chữa bệnh của nhà nước quyết định mức giá cụ thể đối với dịch vụ theo yêu cầu của cơ sở. Việc này sẽ giúp các đơn vị thuận lợi hơn trong thực hiện, nhất là những đơn vị có hoạt động dịch vụ theo yêu cầu chất lượng cao hoặc có liên kết, hợp tác với nước ngoài.

"Giá phù hợp thì bệnh viện mới có thể cung ứng được dịch vụ thực sự có chất lượng để thu hút người nước ngoài, người Việt Nam ở nước ngoài, hạn chế người có điều kiện kinh tế ra nước ngoài khám chữa bệnh. Bệnh viện có nguồn thu sẽ tái đầu tư, phát triển, nâng cao chất lượng dịch vụ không chỉ ở khu vực theo yêu cầu mà còn chung cả bệnh viện" - đại diện Vụ Kế hoạch - Tài chính phân tích.

Đề xuất tăng mức đóng BHYT

Lần điều chỉnh giá dịch vụ y tế áp dụng cho bệnh nhân BHYT gần đây nhất được Bộ Y tế thực hiện là vào tháng 12-2018 tại Thông tư 39/2018/TT-BYT với mức tăng trung bình 3,2%. Theo đó, tại bệnh viện hạng đặc biệt và hạng I, giá khám bệnh là 37.000 đồng/lượt; bệnh viện hạng II là 33.000 đồng/lượt; bệnh viện hạng III là 29.000 đồng/lượt; bệnh viện hạng IV và trạm y tế xã là 26.000 đồng/lượt; hội chẩn để xác định ca bệnh là 200.000 đồng/lượt.

Bên cạnh đề xuất tăng viện phí, nhiều chuyên gia cho rằng để cân đối thu - chi, cũng cần phải tăng mức đóng mệnh giá thẻ BHYT.

Theo một chuyên gia trong lĩnh vực BHYT, Luật BHYT cho phép được thu phí BHYT tối đa 6% trên mức lương cơ sở, lương theo hợp đồng hằng tháng hoặc lương theo ngạch bậc. Tuy nhiên, mức thu phí BHYT đến nay mới là 4,5% trên các mức lương nêu trên.

"Nếu vẫn duy trì mức đóng BHYT như cũ thì sẽ không thể cân đối thu - chi vì việc điều chỉnh giá dịch vụ khám chữa bệnh đương nhiên sẽ làm tăng chi quỹ BHYT. Mức tăng viện phí phải phù hợp với khả năng chi trả của quỹ BHYT, mà quỹ BHYT những năm trước đã xảy ra bội chi" - chuyên gia này giải thích.

TS NGUYỄN HUY QUANG, nguyên Vụ trưởng Vụ Pháp chế - Bộ Y tế:

Bệnh viện đang bị "chặt tay, chặt chân"

Hiện nay mới tính 4/7 yếu tố cấu thành giá dịch vụ y tế trong khi chi tiền lương, tiền công chỉ là một phần của viện phí chưa tính đúng, tính đủ. Vì thế, tại nhiều bệnh viện, nguồn tài chính thu bây giờ là nguồn tài chính thu nửa vời. Trong khi đó, bệnh viện phải chi cho rất nhiều hoạt động khác, bao gồm cả chỉ đạo tuyến, đào tạo, chuyển giao công nghệ...

Cùng với đó, việc tổ chức dịch vụ khám chữa bệnh theo yêu cầu vẫn phải thực hiện theo khung giá Bộ Y tế quy định. Tuy nhiên, đã hơn 2 năm, Bộ Y tế vẫn chưa ban hành được khung giá này, dẫn tới khủng hoảng về nguồn thu, từ đó cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế, tiền lương không được bảo đảm. Rõ ràng, các bệnh viện đang bị "chặt tay, chặt chân", không thực hiện được việc tự chủ tài chính.

Bài và ảnh: NGỌC DUNG

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/thoi-su/se-tinh-dung-tinh-du-vien-phi-20220904214000287.htm