Sẽ tổng kiểm tra các điểm 'nóng' để ngăn chặn thực phẩm chức năng giả

Hàng giả xuất xứ, chất lượng trong lĩnh vực an toàn thực phẩm rất nhiều. Trong khi đó công tác phối hợp chống hàng giả còn có vấn đề. Các lực lượng có trách nhiệm kiểm tra, xử lý hàng giả tới hơn chục ngành, nhưng khi tổng kết lại chỉ thấy bóng dáng của QLTT, hải quan và công an.

Nhiều vụ việc kinh doanh thực phẩm chức năng (TPCN) giả liên tiếp được phát hiện gần đây, khiến dư luận hết sức hoang mang vì TPCN liên quan trực tiếp tới sức khỏe và tính mạng con người: Công ty cổ phần Dược phẩm Quốc tế USA sản xuất và kinh doanh TPCN Arginin B.Complex Extra, Anphavit calci nano, Pediasure không đúng tiêu chuẩn công bố; Công ty cổ phần Dược Viko 8 - Pháp sản xuất TPCN Trinh nữ hoàng cung Pháp Âu giả; hàng loạt sản phẩm TPCN giả của Công ty TNHH Thương mại Slim HMN Việt Nam và đặc biệt là lô hàng TPCN, mỹ phẩm không rõ nguồn gốc trị giá gần 11 tỷ đồng của Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ TS Việt Nam vv…

Tại cuộc họp giữa Tổ công tác chuyên trách của Ban Chỉ đạo 389 Bộ Công thương (gọi tắt là 334) và Cục An toàn thực phẩm (ATTP) - Bộ Y tế, nhiều vấn đề trong công tác quản lý TPCN đã được đưa ra. Đó là việc buôn bán TPCN giả vẫn diễn ra phổ biến, thậm chí rao bán công khai trên mạng. Nguyên liệu sản xuất TPCN giả đều không nguồn gốc hoặc là hàng Trung Quốc giá rẻ, nhưng được ghi là sản phẩm của các thương hiệu nổi tiếng từ Mỹ, Nhật Bản, Australia. Nạn nhân của hàng giả đa phần là người nghèo.

Ông Trần Hùng cho biết TPCN giả vẫn tràn lan

Ông Đỗ Hữu Tuấn - Phó Cục trưởng Cục ATTP cho biết, các vi phạm chủ yếu là quảng cáo, ghi nhãn, đặc biệt là hàng xách tay không có nhãn phụ, giấy phép, vẫn vào được nội địa và kinh doanh tràn lan trên mạng vv… Một mình ngành y tế rất khó chống hàng giả ờ lĩnh vực ATTP, vì thế, Cục ATTP rất cần phối hợp liên ngành từ Cục QLTT, Cục Cảnh sát môi trường, Cục Cảnh sát kinh tế để có thể triển khai thuận lợi và được tham vấn chuyên môn kịp thời.

Thời gian qua, Cục ATTP đã tổ chức đường dây nóng 24/7 để tiếp nhận phản ánh về vi phạm. Năm 2017, Cục đã xử phạt 48 cơ sở vi phạm hành chính, thu hồi 105 giấy xác nhận công bố hợp quy, tiêu hủy 33 lô sản phẩm vi phạm, tạm dừng 49 lô sản phẩm. Đặc biệt, Cục đã chuyển 6 vụ sản xuất, kinh doanh TPCN giả sang cơ quan điều tra để xử lý hình sự.

Ông Trần Hùng – Phó Cục trưởng Cục QLTT, Tổ trưởng Tổ Công tác 334 cũng cho biết, hàng giả, hàng nhái ở lĩnh vực ATTP đang khá phổ biến, cả về hình thức và nội dung, như vụ dược liệu Hòa Phú, TPCN Slim, Bảo Xuân. Vụ thuốc chữa ung thư giả của VN Pharma cũng được nhắc đến như một điển hình vì ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng người dân. Theo ông Hùng, nếu các sản phẩm đơn thuần, khi giám định chất lượng sản phẩm dưới 70% tiêu chuẩn cho phép được nhận định là hàng giả, nhưng với thuốc chữa bệnh cho người chỉ cần giả 1% so với nhãn mác công bố đã được coi là hàng giả.

Nhưng công tác đấu tranh chống hàng giả còn nhiều khó khăn. Nhiều đối tượng sản xuất –kinh doanh hàng giả thuê luật sư để kiện cơ quan chức năng khi bị phát hiện. Muốn biết hàng giả chất lượng hay không phải giám định, nhưng có sản phẩm phải giám định nhiều chất tới cả tỷ đồng, nên không có kinh phí để làm.

Ông Dương Ngọc Viện băn khoăn về vấn đề xử lý nhãn mác của Cục ATTP

Một vấn đề được ông Trần Hùng chỉ ra là, để làm được hàng giả, phải bắt đầu từ tem nhãn. Do đó, cần có sự phối hợp của Cục Xuất bản (Bộ TTTT) để quản lý. Theo Luật Xuất bản, muốn in ấn tem nhãn phải có hợp đồng, do đó, những người in tem nhãn không thể vô can khi in tem nhãn giả các thương hiệu nước ngoài, tiếp tay cho đối tượng làm hàng giả. Vụ TPCN Slim là một ví dụ, khi chỉ nhập khẩu một ít, rồi trộn hàng giả được in ấn nhãn mác, dán tem giả để tung ra thị trường. “Nếu các cơ sở in ấn làm đúng luật thì sẽ góp phần ngăn chặn hàng giả, vì việc mang bao bì giả qua biên giới là rất khó.” –Ông Hùng nhấn mạnh.

Ông Dương Ngọc Viện - Đội trưởng đội 14, Chi cục QLTT TP Hà Nội cho biết, việc giả xuất xứ rất nhiều. Trong khi đó công tác phối hợp chống hàng giả còn có vấn đề. Các lực lượng có trách nhiệm kiểm tra, xử lý hàng giả tới hơn chục ngành, nhưng khi tổng kết lại chỉ thấy bóng dáng của QLTT, hải quan và công an. Năm 2017, QLTT Hà Nội đã xử lý gần 1.600 vụ với số tiền phạt khoảng 17 tỷ, trong khi các ngành khác thì chỉ vài vụ hoặc vài chục vụ. Đội QLTT đã xử lý hàng chục vụ TPCN giả chất lượng, có đơn vị giả chất lượng quốc tế, nhưng không dễ truy tố. Ví như chất men giả, bị QLTT thu hồi nhưng khi chuyển thì cơ quan chức năng lại cho rằng chưa gây hậu quả nghiêm trọng.

Thực phẩm chức năng giả thu giữ được

Một vấn đề cũng được ông Viện đưa ra rất cần lưu tâm là nhãn hàng. Có chỉ tiêu chất lượng từ 5-8, nhưng đơn vị sản xuất công bố trên nhãn là 8, khiến người tiêu dùng hiểu là 8, nhưng kiểm tra thực tế lại chỉ có 5. Có vụ việc công bố hàm lượng vitamin A từ 400 đến 900 là khoảng dung sai quá lớn. Đặc biệt, ông Viện cũng cho rằng việc xử lý nhãn mập mờ, gây thiệt thòi cho người tiêu dùng. Có vụ việc lực lượng QLTT phải làm việc với Cục ATTP để xác định chỉ tiêu chất lượng, khi kiểm tra xong, Cục đưa cho lực lượng QLTT một công bố, nhưng sau đó Cục lại có một công bố khác, lùi lại chỉ tiêu, mà nếu căn cứ vào đó thì không thể xử lý được.

Để ngăn chặn nạn TPCN giả, Tổ Công tác 334 và Cục ATTP thống nhất ký quy chế phối hợp, xác định tập trung thời điểm và nhóm sản phẩm cần kiểm tra, xử lý vi phạm. Hai bên sẽ chia sẻ thông tin, xác định các trang web có hành vi quảng cáo sai sự thật để xử lý, đồng thời, tập trung kiểm tra 20 địa bàn nóng trong lĩnh vực TPCN giả, trong đó có Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh, đặc biệt là các chợ thuốc, các khu vực bán nhiều TPCN xách tay. Kết quả kiểm tra sẽ được công khai với báo chí.

Thanh Hằng

Nguồn CAND: http://cand.com.vn/y-te/se-tong-kiem-tra-cac-diem-nong-de-ngan-chan-thuc-pham-chuc-nang-gia-481397/