Sẽ xử lý nghiêm địa phương lơ là phòng chống dịch tả lợn Châu Phi

Sáng 13.5, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NNPTNT) tổ chức hội nghị trực tuyến với các địa phương và doanh nghiệp (DN) chăn nuôi, nhằm đưa ra các giải pháp hữu hiệu phòng, chống dịch tả lợn Châu Phi.

Nhiều địa phương bỏ mặc dân tự chở lợn đi tiêu hủy bằng phương tiện thô sơ, làm lây lan mầm bệnh. Ảnh: Minh Phúc

Trên quyết liệt, dưới lơ là

Theo Thứ trưởng Bộ NNPTNT Phùng Đức Tiến, dịch tả lợn Châu Phi vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường và chưa có dấu hiệu dừng lại.

Mặc dù Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo quốc gia (BCĐ), Bộ NNPTNT đã rất quan tâm, chỉ đạo quyết liệt, nhưng việc tổ chức triển khai thực hiện ở nhiều địa phương còn gặp nhiều khó khăn, tồn tại, bất cập.

Công tác chủ động giám sát phát hiện, báo cáo và công bố dịch bệnh chưa kịp thời. Một số địa phương chưa chủ động giám sát, chưa nắm bắt kịp thời thông tin dịch bệnh, chậm báo cáo, báo cáo thiếu chính xác, chậm công bố dịch, chính quyền và các cơ quan chuyên môn còn chủ quan, lơ là, không nắm rõ thông tin dịch bệnh, chưa tổ chức chống dịch, dẫn đến trường hợp người dân bán chạy lợn bệnh làm lây lan dịch bệnh.

Thứ trưởng Bộ NNPTNT Phùng Đức Tiến. Ảnh: Kh.V

Việc tổ chức tiêu hủy lợn bệnh, lợn chết chưa kịp thời, chưa triệt để. Một số địa phương chưa tổ chức tiêu hủy lợn bệnh, lợn chết trong vòng 24 giờ kể từ khi phát hiện; có trường hợp chưa kịp bố trí lực lượng tiêu hủy lợn, để lợn chết trong chuồng quá thời gian quy định, người chăn nuôi tự tiêu hủy, vứt xác lợn ra môi trường (vườn nhà, sông suối, ao, rạch; tại khu vực cầu phao sông Hóa và cầu phao dân sinh - cầu ông Khởi, các lực lượng đã phải thu gom, xử lý tiêu hủy 395 xác lợn).

Tại nhiều nơi, kỹ thuật tiêu hủy không bảo đảm, lợn bệnh được vận chuyển từ hộ chăn nuôi đến nơi tiêu hủy bằng các phương tiện thô sơ nhưng không có bạt/nilon để lót, che đậy, khiến virus gây dịch tả lợn Châu Phi có thể phát tán ra môi trường.

Theo quy định, lợn bệnh và lợn chết phải được thú y kiểm tra, xác định. Tuy nhiên, do cùng một xã, dịch bệnh xảy ra ở nhiều hộ chăn nuôi của trong cùng một ngày, nhưng chỉ có 1 - 2 nhân viên thú y xã nên có trường hợp không thể tổ chức kiểm tra, xác định kịp thời; cá biệt có trường hợp chính quyền cơ sở phó mặc để nhân viên thú y xã tự kiểm tra, tự lo vôi bột, tự phun thuốc sát trùng và tự tổ chức tiêu hủy; trong khi thù lao cho nhân viên thú y xã rất thấp, chi trả chậm...

Dịch bệnh đã xảy ra trong thời gian dài, lực lượng tổ chức tiêu hủy lợn ở nhiều nơi đã hoạt động quá tải.

Chậm hỗ trợ kinh phí

Theo Bộ NNPTNT, đến nay, nhiều địa phương chậm hỗ trợ kinh phí cho người dân có lợn buộc tiêu hủy. Ở nhiều địa phương mức hỗ trợ khác nhau, thậm chí cao hơn giá bán thị trường giai đoạn đầu khi dịch xảy ra khi dịch mới xảy ra, dẫn đến tình trạng người chăn nuôi để mặc lợn mắc bệnh, báo cho chính quyền tiêu hủy, nhận mức hỗ trợ cao hơn giá bán ngoài thị trường.

Mức thù lao cho người tham gia phòng, chống dịch bệnh thấp hơn so với ngày công thực tế, do vậy, việc huy động các lực lượng tham gia phòng, chống dịch bệnh gặp nhiều khó khăn, nhất là trong thời gian kéo dài.

Nhiều địa phương chưa bố trí kinh phí lấy mẫu, kinh phí xét nghiệm bệnh. Nguồn kinh phí dự phòng của địa phương không đủ để chi trả cho các hoạt động phòng, chống dịch bệnh.

"Bộ sẽ giám sát chặt chẽ, về xuất có biện pháp xử lý nghiêm với địa phương thờ ơ để dịch lan rộng"-Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nhấn mạnh.

Kh.V

Nguồn Lao Động: https://laodong.vn/y-te/se-xu-ly-nghiem-dia-phuong-lo-la-phong-chong-dich-ta-lon-chau-phi-733022.ldo