Sẽ yêu cầu báo cáo về dự án Thạnh Mỹ Lợi liên quan đến rapper Tiến Đạt

Ông Phan Nguyễn Như Khuê cho biết đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM sẽ yêu cầu UBND quận 2 báo cáo chi tiết về dự án treo 14 năm rộng 120 ha tại phường Thạnh Mỹ Lợi.

Trao đổi với Zing.vn, đại biểu Phan Nguyễn Như Khuê, Phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM, cho biết Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM hiện chưa nắm được thông tin cụ thể về dự án khu dân cư rộng 120 ha tại phường Thạnh Mỹ Lợi (quận 2, TP.HCM) trong 14 năm vẫn chưa triển khai được. Ông mới chỉ biết được thông tin qua các bài báo trên Zing.vn.

“Chúng tôi sẽ yêu cầu UBND quận 2 báo cáo cụ thể, chi tiết về dự án rộng 120 ha tại phường Thạnh Mỹ Lợi và việc đền bù giải phóng mặt bằng cho người dân tại đây.” - ông Khuê cho biết.

Rapper Tiến Đạt: 'Tiền đền bù đất không đủ cho tôi mua cánh cửa' Rapper Tiến Đạt cho rằng số tiền chủ dự án đền bù đất cho gia đình không đủ để anh mua một cánh cửa.

14 năm treo, dự án đổi chủ, dân lao đao

Dự án khu dân cư rộng 120 ha tại phường Thạnh Mỹ Lợi được dư luận quan tâm sau khi gia đình rapper Đinh Tiến Đạt tố cáo bị chính quyền cưỡng chế thu hồi đất trong khi chưa được đền bù một cách thỏa đáng. Trên mạng xã hội còn lan truyền video từ trang cá nhân của nghệ sĩ Tiến Đạt cùng lời mô tả “đến lượt rapper Tiến Đạt trở thành dân oan”.

Gia đình Đinh Tiến Đạt có 2.441 m2 đất nằm trong dự án được UBND TP.HCM quyết định thu hồi từ năm 2004. Tuy nhiên, đến nay dự án đã đổi chủ nhưng công tác giải phóng mặt bằng vẫn chưa xong, dự án chưa được thực hiện.

Vấn đề bồi thường, thu hồi đất hết sức nan giải... Nguyên nhân là công tác thương thảo, bồi thường không đến nơi đến chốn.

Nguyễn Phan Như Khuê - Phó trưởng đoàn ĐBQH TP.HCM

Trong khi đợi đền bù giải tỏa và tái định cư, nhiều hộ dân đang sinh sống trong khu vực dự án 120 ha có đời sống khó khăn, không được xây dựng nhà cửa, không có công ăn việc làm ổn định, ruộng đồng không có người canh tác…

Trong văn bản trả lời Zing.vn, UBND phường Thạnh Mỹ Lợi cho biết 80% hộ dân tại dự án đã chấp thuận phương án bồi thường và đồng ý di dời đến khu tái định cư. Tuy nhiên, 20% còn lại vẫn đang vướng mắc.

Riêng về lô đất của gia đình Tiến Đạt, UBND phường Thạnh Mỹ Lợi khẳng định quy trình thu hồi đất, bồi thường và giải phóng mặt bằng dựa trên quy định của pháp luật, có căn cứ pháp lý rõ ràng. Cơ quan chức năng cũng khẳng định tố cáo của gia đình rapper Đinh Tiến Đạt là không có cơ sở.

Gia đình rapper Tiến Đạt cắt cử người trông giữ đất 24/24h, khi không đồng ý với phương án bồi thường giải tỏa của chính quyền. Ảnh: Hiếu Công.

Không thể mượn cơ quan Nhà nước thương thảo bồi thường với dân

Trao đổi thêm với Zing.vn, đại biểu Nguyễn Phan Như Khuê thừa nhận vướng mắc trong giải phóng mặt bằng là việc khá phổ biến tại nhiều dự án tại TP.HCM.

“Vấn đề bồi thường, thu hồi đất hết sức nan giải. Đây là một trong những lý dẫn đến nhiều dự án kéo dài, thậm chí dẫn đến dự án treo. Nguyên nhân là công tác thương thảo, bồi thường không đến nơi đến chốn”, ông Khuê nói.

Ông cho rằng với những dự án có vướng mắc về giải phóng mặt bằng cần có đánh giá lại một cách hệ thống, theo từng loại dự án, từ đó có phương án hợp lý.

Với dự án thu hồi đất vì mục đích thương mại, doanh nghiệp phải tự đi thương thảo với người dân, không thể mượn cơ quan Nhà nước làm thay.

Nguyễn Phan Như Khuê - Phó đoàn ĐBQH TP.HCM

Nhấn mạnh việc thu hồi đất để giao một dự án khác giống như việc chuyển quyền sử dụng đất, ông Khuê cho rằng dù thực hiện dự án vì mục đích gì thì việc chuyển nhượng đất tại chỗ đó phải được thực hiện đúng quy trình, phải lập hồ sơ, được thẩm định, phê duyệt cụ thể.

“Không thể vì nhường chỗ cho người khác tái định cư, mà chủ đất tại đó lại long đong. Không thể làm ào ào được. Những dự án thu hồi đất vì mục đích thương mại, doanh nghiệp phải tự đi thương thảo với người dân, không thể mượn cơ quan Nhà nước làm thay”, ông Khuê nói.

Dự án khu dân cư tại Thạnh Mỹ Lợi rộng 120 ha nhưng chậm triển khai suốt 14 năm qua. Người dân ở đây sống trong cảnh chờ đợi, khó khăn. Ảnh: Hiếu Công.

Phó trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội TP.HCM cũng cho rằng doanh nghiệp chuyển quyền sử dụng đất trong dân thì phải đưa ra mức giá sát với thị trường.

“Anh đưa ra mức giá không sát diễn biến thực tế giao dịch, ví dụ thực tế là 5 triệu/m2, anh đền bù cho dân chỉ khoảng 1,5 triệu/m2, sau khi thực hiện dự án lên, anh kinh doanh, bán với giá 100-200 triệu đồng/m2, là không phù hợp”, ông Khuê chia sẻ.

Nói về bất cập trong việc giá đền bù không sát giá thực tế, ông Khuê đưa ra quan điểm: “Cần xem lại đơn giá bồi thường, sao cho người có quyền sử dụng đất thấy hợp lý. Không thể đền bù theo kiểu cho có, sau đó kinh doanh lại. Lợi nhuận, siêu lợi nhuận chỗ này rất lớn. Sau này cần xem xét cả thuế chuyển quyền sử dụng đất, xem thuế của doanh nghiệp đóng góp có đúng mức. Không thể để doanh nghiệp hưởng lãi kinh khủng thế trong khi người dân phải hy sinh”, ông Khuê nói.

Ông Khuê cũng nhấn mạnh giải pháp với những dự án chậm giải phóng mặt bằng. Theo đó, những dự án thương thảo được 95%, nhưng còn 5% chủ đất không đồng ý, chủ đầu tư có thể xem xét điều chỉnh lại dự án, trừ diện tích đất không thể giải phóng được ra để sớm thực hiện dự án.

Vị trí khu vực phường Thạnh Mỹ Lợi (quận 2).

Hiếu Công

Nguồn Znews: http://news.zing.vn/se-yeu-cau-bao-cao-ve-du-an-thanh-my-loi-lien-quan-den-rapper-tien-dat-post875964.html