SEA Games 32: Giấc mơ trở thành hiện thực của Campuchia

Theo phóng viên TTXVN tại Campuchia, sau lễ khai mạc vô cùng ấn tượng và những ngày đầu tranh tài sôi động trong khuôn khổ Đại hội Thể thao Đông Nam Á lần thứ 32 (SEA Games 32) đang diễn ra ở thủ đô Phnom Penh và các tỉnh Siem Reap, Preah Sihanouk, Kampot và Kep, nước chủ nhà SEA Games 32 đã nhận được nhiều lời khen ngợi của giới chuyên gia, người dân và cộng đồng quốc tế, về công tác chuẩn bị và tổ chức sự kiện trong lần đầu tiên đăng cai SEA Games, đáp lại sự mong chờ hơn 60 năm của người dân 'Xứ Chùa Tháp'.

Hình ảnh 3D Angkor Wat trên sân vận động Morodok Techo trong Lễ khai mạc SEA Games 32. Ảnh: AFP/TTXVN

Hình ảnh 3D Angkor Wat trên sân vận động Morodok Techo trong Lễ khai mạc SEA Games 32. Ảnh: AFP/TTXVN

Ngày 7/5, Freshnews - trang tin điện tử được ưa chuộng nhất ở Campuchia hiện nay - đăng bài viết dẫn lời ông Roath Sandab - chuyên gia về văn hóa Khmer, ví SEA Games 32 như một giấc mơ dài đằng đẵng 64 năm đã trở thành hiện thực. Đây được xem là sự kiện lịch sử tuyệt vời và hết sức độc đáo của Campuchia.

Ông Roath Sandab cho rằng SEA Games lần này là dịp để giới thiệu với người dân trong nước và quốc tế về Campuchia, nâng cao uy tín quốc gia trên trường quốc tế thông qua các phương tiện truyền thông đại chúng trong nước và quốc tế khi hơn 2.000 phóng viên tham gia tác nghiệp, đưa tin rầm rộ, quảng bá sôi động những hình ảnh ấn tượng về sự kiện này tới các nước trong khu vực và trên thế giới.

Theo bài viết, giá trị mang đẳng cấp Olympic của SEA Games tại Campuchia thể hiện qua nhiều góc độ. Đầu tiên là lễ xin lửa thiêng của kỳ đại hội được tiến hành dưới sự chủ trì của Quốc vương Campuchia Norodom Sihamoni với nghi thức chưa từng có trong lịch sử SEA Games, chỉ diễn ra ở các kỳ thế vận hội có bề dày lịch sử từ 2.000 năm trước Công nguyên đến nay.

Ngọn đuốc thể thao hàm chứa ý nghĩa về quyền năng của các vị thần, nguồn năng lượng, tình hữu nghị, đoàn kết và trường tồn, những giá trị mang tính phổ quát của các mối quan hệ trong hoạt động thể thao và cuộc sống thường nhật. Trên tinh thần đó, ngọn đuốc SEA Games 32 không chỉ truyền cảm hứng về tinh thần dân tộc và hòa bình đối với Campuchia, mà còn truyền cảm hứng về tinh thần dân tộc và yêu hòa bình của cả khu vực và thế giới.

Bên cạnh đó, giá trị của việc tổ chức lễ khai mạc và bế mạc SEA Games còn được thể hiện thông qua việc bố trí hệ thống cơ sở hạ tầng thể thao có tính thẩm mỹ cao, thể hiện qua những gam màu đa sắc của ánh đèn, hình ảnh, sự hòa nhịp của giai điệu, thanh âm và tiết tấu ở trình độ cao, mang tầm Olympic... Qua đó, giới thiệu truyền thống văn hóa đa dạng, phong phú và rực rỡ của nước chủ nhà và các quốc gia trong khu vực.

Theo chuyên gia Roath Sandab, những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc Campuchia và các quốc gia trong khu vực gợi nhớ về lịch sử của Vương quốc Campuchia từ khởi thủy đến đế chế Angkor huy hoàng rồi suy vong, khiến dân tộc Campuchia trải qua bao thăng trầm mới tái lập được nền hòa bình như hôm nay. Ông chia sẻ: “Vậy nên, sự kiện SEA Games là một giấc mơ kéo dài 64 năm, từ năm 1959 đến 2023. Giấc mơ dài đằng đẵng của người dân Campuchia đã trở thành hiện thực với kỳ SEA Games 2023 tuyệt vời này”.

Hình ảnh linh vật thỏ trắng cùng pano, áp phích được trang hoàng trên tuyến phố chính tại Thủ đô Phnom Penh, chào đón SEA Games 32. Ảnh: Minh Quyết/TTXVN

Ông Roath Sandab cũng nhấn mạnh việc Campuchia không bán vé vào cổng dự khán các trận đấu đối với người dân cả trong nước và quốc tế, đồng thời chăm lo chu toàn cho VĐV và giới truyền thông các nước đến với đất nước Campuchia tươi đẹp trong kỳ SEA Games lần này là chưa có tiền lệ trong lịch sử các kỳ SEA Games và Olympic.

Từ góc nhìn trên, bài viết nhận định Campuchia rộng mở chào đón các vị khách quốc tế với tinh thần "Thà hẹp nhà chứ không hẹp dạ", vốn là một truyền thống tốt đẹp có từ ngàn xưa của dân tộc Campuchia.

Huỳnh Thảo (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/the-thao/sea-games-32-giac-mo-tro-thanh-hien-thuc-cua-campuchia-20230509124234592.htm