Séc muốn châu Âu đồng thuận trừng phạt Nga như vụ Skripal

Thủ tướng Cộng hòa Séc Andrej Babis mới đây đã yêu cầu các nhà lãnh đạo EU khác xem xét để trục xuất ít nhất 1 nhà ngoại giao Nga.

Hôm 8/5, Thủ tướng Cộng hòa Séc Andrej Babis cho biết ông đã yêu cầu các nhà lãnh đạo EU khác xem xét trục xuất "ít nhất một" nhà ngoại giao Nga nhằm thể hiện tinh thần đoàn kết, ủng hộ quan điểm của Séc về mối liên quan của tình báo Nga với vụ nổ kho đạn năm 2014 ở làng Vrbetice.

Thủ tướng Cộng hòa Séc Andrej Babis muốn mỗi nước EU đều trục xuất 1 nhà ngoại giao Nga.

Thủ tướng Cộng hòa Séc Andrej Babis muốn mỗi nước EU đều trục xuất 1 nhà ngoại giao Nga.

Cụ thể, ông Babis nói rằng, khối EU nên coi bất kỳ "cuộc tấn công" nào chống lại một quốc gia thành viên là một cuộc tấn công chống lại tất cả.

Thủ tướng Séc nói thêm rằng các nhà lãnh đạo EU đã tổ chức một cuộc thảo luận kỹ lưỡng về vấn đề này vào tối 7/5, bên lề hội nghị thượng đỉnh kéo dài hai ngày nhưng không đưa ra bất kỳ quyết định nào bằng văn bản, vì cuộc họp là không chính thức.

Một cuộc thảo luận rộng hơn về quan hệ EU-Nga dự kiến sẽ diễn ra tại hội nghị thượng đỉnh Hội đồng châu Âu tiếp theo vào cuối tháng 5. Tuy nhiên, ông Babis không nói rõ hơn về triển vọng sáng kiến đoàn kết trục xuất Nga có nằm trong chương trình nghị sự sắp tới đó hay không.

Giữa tháng 4, Thủ tướng Andrej Babis và Ngoại trưởng Jan Hamacek đã thông báo về việc trục xuất 18 nhân viên Đại sứ quán Nga tại Czech, vì nghi ngờ tình báo Nga có liên quan đến một vụ nổ kho vũ khí năm 2014. Điều này dẫn đến hành động đáp trả của Nga trục xuất 20 nhân viên ngoại giao Séc. Căng thẳng leo thang khi Séc ngày 22/4 ra lệnh trục xuất thêm 63 nhân viên ngoại giao Nga để hai quốc gia có số nhân viên tại các đại sứ quán tương ứng nhau.

Quyết định trả đũa Nga của chính quyền Thủ tướng Babis đã nhận được sự ủng hộ từ Liên minh châu Âu và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).

Kịch bản trục xuất ngoại giao Nga hàng loạt từng diễn ra trong vụ Sergei Skripal tại Salisbury, Anh năm 2018.

Estonia, Latvia, Lithuania và Slovakia thể hiện sự đoàn kết với Cộng hòa Séc bằng việc trục xuất các nhà ngoại giao Nga. Ngoài ra, các quốc gia khác như Đức chỉ thể hiện thái độ ủng hộ bằng tuyên bố ngoại giao.

Đài DW nhận định có lẽ Séc đã mở màn giai đoạn căng thẳng nhất giữa các nước từng thuộc Liên Xô cũ, hoặc có quan hệ gần gũi với Liên bang Xô viết kể từ năm 1991.

Việc Séc kêu gọi các thành viên EU cùng đưa ra lệnh trục xuất các nhà ngoại giao Nga không khác gì kịch bản căng thẳng giữa Nga và phương Tây xảy ra vào năm 2018 khi Moscow bị cáo buộc sử dụng chất độc thần kinh Novichok để ám sát cựu điệp viên hai mang Sergei Skripal và con gái Yulia.

Khi đó, các đồng minh của Mỹ và Anh trên khắp thế giới cung thể hiện sự đồng lòng bằng việc trục xuất ít nhất một nhà ngoại giao Nga. Phía Nga cũng đã đáp trả tương xứng về số nhân viên ngoại giao của các nước còn lại.

Trong lần này, Séc đã mong muốn có được sự đồng thuận như vậy với cáo buộc chính những tình báo nói trên đã tham gia vào vụ nổ kho đạn dược ở nước này năm 2014 mà không nói thêm chi tiết và bằng chứng, bởi đây là bí mật an ninh quốc gia.

Ngay cả giới lãnh đạo Séc cũng mâu thuẫn nhau về quan điểm gây căng thẳng ngoại giao với Nga là không cần thiết. Tổng thống Séc Milos Zeman cho rằng vẫn còn quá sớm để kết luận Nga đứng sau vụ nổ kho vũ khí của Czech năm 2014.

Sau đó, Thủ tướng Babis trong một lần trả lời chất vấn của các Hạ nghị sĩ nước này mới đây đã khẳng định Séc muốn giảm căng thẳng với Nga nhưng không nói về bất cứ một biện pháp nào cụ thể.

Huy Vũ

Nguồn Đất Việt: http://datviet.trithuccuocsong.vn/the-gioi/tin-tuc-24h/sec-muon-chau-au-dong-thuan-trung-phat-nga-nhu-vu-skripal-3431871/