Sếp Masan nhận trách nhiệm cá nhân về khoản phạt 400 triệu đồng

Trong phần trả lời câu hỏi của cổ đông tại Đại hội đồng cổ đông tập đoàn Masan (Masan Group-MSN), ông Phạm Phú Ngọc Trai, Chủ tịch Ủy ban Phát triển Bền vững Masan Group, kiêm Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Masan Nutri-Science đã nhận trách nhiệm cá nhân khoản tiền phạt 400 triệu đồng do triển khai dự án chăn nuôi heo tại Nghệ An nhưng không phù hợp quy hoạch.

“Thiếu thông tin về quy hoạch, dẫn đến dự án đang triển khai bị đình chỉ thi công và nộp phạt 400 triệu đồng. Đây là điều đáng tiếc, tôi xin phép HĐQT xin lỗi quý cổ đông nhận trách nhiệm này của cá nhân tôi”, ông Trai phát biểu.

Thông tin thêm về dự án này, ông Nguyễn Đăng Quang, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc MSN cho biết, trong năm 2017, Masan đã dành khoảng 1.000 tỷ đồng để đầu tư trang trại tại Nghệ An.

“Chúng tôi sẽ không thay đổi chiến lược này. Dù rằng có nhiều thông tin lo ngại về tính khả thi của dự án khi giá thịt heo đang có xu hướng giảm. Tôi xin khẳng định, MSN vẫn triển khai dự án này. Đây là mắt xích quan trọng giúp Masan Nutri Science hoàn thành chiến lược 3F (từ trang trại đến bàn ăn) vì chỉ có đầu tư trang trại, MSN mới kiểm soát được nguồn thịt cung, từ đó nâng cao năng suất, tiến tới đảm bảo chất lượng vệ sinh, an toàn và hạ giá thành. Dự kiến năng suất chăn nuôn heo của MSN sẽ đạt 21 con/heo nái. Đây là tỷ lệ rất cao", ông Quang nói.

Masan quyết tâm khẳng định vị thế thống lĩnh thịt có quy mô 18 tỷ USD tại Việt Nam.

Ông Quang cũng chia sẻ, khảo sát của MSN cho thấy hiện nay, người tiêu dùng đang phải trả một cái giá rất cao cho nhu cầu cơ bản hàng ngày. Một ví dụ được đưa ra là, trong lĩnh vực thịt, người Việt Nam đang phải mua ở mức giá cao, cụ thể người Việt Nam chi trả 2,1 USD/kg thịt, trong khi ở Mỹ là 1,5 USD/kg thịt, trong khi thu nhập bình quân người tiêu dùng Việt chưa bằng 1/10 thu nhập bình quân của người Mỹ.

Cũng với thị trường thịt, ông Quang khẳng định để nhà sản xuất đảm bảo cung cấp sản phẩm: thịt sạch + an toàn + giá phải chăng là yêu cầu không dễ, theo cách nói dân dã là “ngon, bổ. rẻ”. Đây là thị trường có nhu cầu tiêu dùng ở quy mô 18 tỷ USD, và Masan sẽ quyết tâm khẳng định vị thế thống lĩnh ở thị trường này.

“Làm sao để người tiêu dùng phải trả ít hơn là mục tiêu, đừng tiếc với suy nghĩ nếu họ trả ít mình sẽ thiếu doanh thu mà hãy nhìn theo hướng người tiêu dùng có thêm chi phí để mua các thực phẩm khác nằm trong hệ sản phẩm của Masan, như vậy lợi nhuận của chúng ta có nhiều hơn, nhưng quan trọng hơn là người tiêu dùng hạnh phúc, thỏa mãn và họ sẽ đồng hành bền vững cùng chúng ta”, ông Quang tự tin.

Trả lời câu hỏi giá thịt heo đang thấp có ảnh hưởng đến kế hoạch đầu tư và lợi nhuận của Masan ở ngành hàng này? Ông Nguyễn Đăng Quang cho rằng, điều này hoàn toàn đúng, người tiêu dùng chưa hiểu rõ giá và giá trị được hưởng tương thích với nhau thế nào?

“Thực phẩm muốn thành công thứ nhất phải là ngon, thứ hai là phải đạt chuẩn và thứ ba là giá cả hợp lý. Đạt được 2 trong 3 không khó, nhưng khó nhất là đạt cả 3 cùng lúc. Doanh nghiệp nào nỗ lực tìm ra cách đạt được điều đó, thì doanh nghiệp không những có cơ hội phát triển, mà còn có cơ hội phát triển bền vững và đây cũng là lộ trình đang được Masan đeo đuổi”.

Về câu hỏi đầu ra cho khoản đầu tư vào chăn nuôi, ông Phạm Phú Ngọc Trai cho biết, MSN muốn tích hợp chuỗi giá trị cho ngành thịt, nên ngoài trang trại dự kiến Masan sẽ đầu tư vào giết mổ, chế biến thịt chứ không bán heo nuôi.

Tiếp tục mở rộng câu hỏi này, có nhà đầu tư đặt câu hỏi vậy Masan có mua thêm cổ phiếu để mở rộng sở hữu Vissan không? “Tôi không thể chia sẻ khi nào và mua bao nhiêu, nhưng đây là mắt xích không thể thiếu để phát triển chuỗi sản phẩm 3F”, ông Nguyễn Đăng Quang cho biết.

B.G

Nguồn Đầu Tư: http://baodautu.vn/ong-pham-phu-ngoc-trai-nhan-trach-nhiem-ca-nhan-ve-khoan-phat-400-trieu-dong-cua-masan-d62419.html