Sếp Tân Cảng Sài Gòn: 'Hải Phòng thu phí hạ tầng đối với container đường thủy là phí chồng phí'

Trao đổi với VietnamFinance, ông Phùng Ngọc Minh, Phó tổng giám đốc Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn (TCSG) cho biết: 'Hiện tại, các container đi tuyến đường thủy nội địa (ĐTNĐ) phía Bắc không sử dụng hạ tầng cảng biển tại Hải Phòng. Khi vào các cầu bến cảng, họ đã phải đóng 1 lần phí cho chủ cảng, giờ lại tiếp tục phải đóng phí hạ tầng cảng biển (dù họ không sử dụng) làm nảy sinh tình trạng phí chồng phí'

Tân Cảng đặt dấu ấn sau 12 năm tại tuyến đường thủy phía Bắc

Theo tìm hiểu của VietnamFinance, sau 12 năm hoạt động tại khu vực phía Bắc, hiện TCSG đang triển khai 3 cảng biển (gồm cảng container quốc tế Tân Cảng Hải Phòng, cảng Tân Cảng 128, cảng Tân Cảng 189); cùng đó có 3 cảng cạn (gồm ICD Tân Cảng Hải Phòng, ICD Tân Cảng Quế Võ, ICD Tân Cảng Đồng Văn Hà Nam).

Đối với ĐTNĐ tại khu vực miền Bắc, hiện Công ty Cổ phần vận tải thủy Tân Cảng đạt doanh thu trên 1.000 tỷ đồng năm 2019 (lọt top 10 công ty vận tải logistic uy tín năm 2019 nhóm ngành vận tải hàng hóa theo đánh giá của Vietnam Report). Công ty cũng đang quản lý 5-10 sà lan sức chở từ 36-96 TEU trên các tuyến luồng trong khu vực.

Ngoài ra, TCSG đang triển khai giai đoạn 1 và sắp khai trương Dự án cảng cạn ICD Tân Cảng Quế Võ với mục tiêu trở thành một trung tâm logistic lớn nhất trong nội địa tại khu vực miền Bắc. Đây cũng sẽ là điểm gom hàng để kết nối vận tải container (thay vì đường bộ như hiện nay) trực tiếp tới cảng sông, cảng biển tại Hải Phòng và Quảng Ninh

Theo nghiên cứu của TCSG, hiện tại, các tuyến ĐTNĐ từ ICD Tân Cảng Quế Võ tới Hải Phòng và Quảng Ninh do có một số điểm luồng hẹp, tĩnh không thấp, khúc cua khó nên việc khai thác sà lan chở tới 120 TEU là phù hợp, thời gian dự kiến khoảng 8-11h tùy con nước.

‘Riêng đoạn ĐTNĐ từ cụm cảng nước sâu Lạch Huyện tới cụm cảng sông khu vực Hải Phòng (khoảng cách 25km), TCSG nhận thấy việc vận chuyển hàng container bằng phương tiện thủy 2 chiều đang trở thành xu thế, giảm tải lưu thông đường bộ qua cầu Tân Vũ Lạch Huyện. Đồng thời, điều chỉnh dung tích bãi chứa container rỗng giữa 2 cụm cảng, từ đó, thực hiện gom hàng lên phương tiện thủy nội địa từ 2 cụm cảng trước khi hành trình tiếp đi các tỉnh phía Bắc”, ông Phùng Ngọc Minh nói.

Về sản lượng, ông Phùng Ngọc Minh cho biết: Dự kiến, trong năm đầu khai thác ICD Tân Cảng Quế Võ đã đạt 200.000-300.000 TEU/năm và tăng dần các năm tiếp theo khoảng 7% (trong khi tổng lượng hàng khu vực Hải Phòng – Quế Võ khoảng 2 triệu TEU/năm).

Đối với tuyến vận chuyển, từ Hải Phòng đi Quảng Ninh sản lượng đạt khoảng 25.000 TEU/năm; còn tuyến trung chuyển cảng sông Hải Phòng với Cảng biển Lạch Huyện sản lượng rất tiềm năng tương ứng hình thức tuyến Cái Mép – Tp. HCM tại khu vực Đông Nam Bộ.

Bất cập tổng chi phí đường thủy cao hơn đường bộ

Ông Minh cũng cho biết: theo đánh giá của TCSG thị phần vận chuyển hàng container bằng ĐTNĐ phía Bắc chỉ chiếm 1% tổng nguồn hàng tại Hải Phòng. Tuy nhiên, đơn giá hiện tại lại quá cao, xấp xỉ giá vận chuyển đường bộ

“Thậm chí, đối với hàng container 40 feet, nếu tính tổng chi phí cho chuỗi dịch vụ từ cảng về kho lại cao hơn so với vận chuyển đường bộ. Đây là bất cập rất lớn bởi đáng lý ra, đường thủy nội địa phải là tuyến có chi phí thấp”.

Ông Phùng Ngọc Minh nhấn mạnh: "Hiện tại, các container đi tuyến đường thủy nội địa (ĐTNĐ) phía Bắc không sử dụng hạ tầng cảng biển tại Hải Phòng. Khi vào các cầu bến cảng, họ đã phải đóng 1 lần phí cho chủ cảng, giờ lại tiếp tục phải đóng phí hạ tầng cảng biển (dù họ không sử dụng) làm nảy sinh tình trạng phí chồng phí".

“Thêm vào đó, đại dịch Covid – 19 vẫn diễn biến phức tạp khiến các doanh nghiệp vận tải ĐTNĐ gặp nhiều khó khăn. Hiện Chính phủ và Nhà nước đã và đang ban hành các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp theo Chỉ thị số 11/CT-TTg ngày 4/3/2020 với 7 nội dung cụ thể, trong đó, có nội dung rà soát, cắt giảm thủ tục, giảm phí cho doanh nghiệp”.

“Vì thế, phía TCSG đề nghị Cục ĐTNĐ Việt Nam có ý kiến lên Bộ GTVT và các cơ quan chức năng đề nghị UBND Tp. Hải Phòng chấp thuận đề xuất miễn phí dịch vụ hạ tầng đối với hàng container vận chuyển bằng đường thủy”, ông Phùng Ngọc Minh kiến nghị.

Năm 2018, Hải Phòng nguồn thu từ phí hạ tầng cảng biển là 1.563 tỷ đồng. Trong khi, lượng hàng container đường thủy đi qua Hải Phòng chỉ chiếm 1%, tương đương mức thu phí chỉ khoảng 15,63 tỷ đồng hằng năm.

Mức phí này là quá nhỏ so với mức thu hàng năm của Hải Phòng vì thế, việc bỏ phí này đối với các phương tiện đường thủy nội địa không ảnh hưởng nhiều tới doanh thu phí hạ tầng tại Hải Phòng.

Đức Thọ

Nguồn Vietnam Finance: https://vietnamfinance.vn/sep-tan-cang-sai-gon-hai-phong-thu-phi-ha-tang-doi-voi-container-duong-thuy-la-phi-chong-phi-20180504224245916.htm