Sếp VinaCapital: Cách nào thu hút dòng vốn FII cho Việt Nam từ 'núi tiền' 6.000 tỉ USD?

Đây là cơ hội lớn giúp Việt Nam thực hiện những thay đổi để thu hút được thêm vốn từ dòng tiền hỗ trợ đang tuôn chảy khắp thế giới.

Lượng vốn lớn gấp 3 lần so với cuộc khủng hoảng trước

FII hay còn gọi là đầu tư gián tiếp nước ngoài tham gia vào thị trường vốn thông qua giao dịch cổ phiếu và trái phiếu, hoặc đầu tư vào cổ phần tư nhân, hoặc thông qua các quỹ mạo hiểm. FII ảnh hưởng trực tiếp vào khối lượng giao dịch trên thị trường chứng khoán. Năm 2019, khối lượng giao dịch đạt khoảng 150 triệu USD/ngày và hiện nay là khoảng 200 triệu USD/ngày. Khối lượng giao dịch hiện nay chủ yếu là từ các tổ chức/nhà đầu tư tư nhân trong nước. Vậy làm thế nào để thu hút được thêm vốn FII vào thị trường chứng khoán và tăng chất lượng của nguồn vốn cũng như dòng tiền đi vào?

Tình hình hiện tại của nền kinh tế toàn cầu ra sao? Chúng ta đang ở trong thời kỳ đại dịch COVID-19. Dịch bệnh đã khiến nhiều quốc gia rơi vào tình trạng khó khăn về kinh tế. Và để hỗ trợ cho kinh tế phục hồi, Chính phủ các nước, đặc biệt là các nước phát triển bắt đầu in tiền mới. Hiện tại, chúng tôi tin là các nước phát triển đang bơm vào khoảng 6.000 tỉ USD để hỗ trợ kinh tế phục hồi.

Vậy làm cách nào để chúng ta có thể thu hút một phần dòng tiền mới này vào Việt Nam dưới dạng FII? Chúng ta rõ ràng là cần thu hút thêm vốn vào Việt Nam để hỗ trợ thị trường chứng khoán, và chúng ta cũng cần dòng tiền này để hỗ trợ thị trường vốn trong nước. Đây là một cơ hội lớn giúp Việt Nam thực hiện những thay đổi và cải cách để thu hút được thêm vốn FII từ dòng tiền mà các ngân hàng trung ương toàn cầu dùng để hỗ trợ cho các nền kinh tế của họ.

FII hỗ trợ thị trường chứng khoán toàn cầu. Một ví dụ điển hình là cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008, các ngân hàng trung ương đã bơm khoảng 2.000 tỉ USD vào các nền kinh tế và hiện nay, lượng vốn mới khoảng 6.000 tỉ USD được bơm vào thị trường để hỗ trợ kinh tế phục hồi sau dịch, và lượng vốn này lớn gấp 3 lần so với cuộc khủng hoảng trước.

Quay trở lại với khủng hoảng tài chính 2008, sau 11 năm, giá cổ phiếu trên thị trường chứng khoán Mỹ tăng gấp 5 lần trong khi lợi nhuận của doanh nghiệp chỉ tăng gấp đôi. Rõ ràng là thanh khoản, vốn và tiền được bơm vào các nền kinh tế đã hỗ trợ thị trường chứng khoán nhiều hơn đáng kể so với tăng trưởng lợi nhuận.

Chúng tôi cũng tin rằng những nhà đầu tư nước ngoài có thể tiếp cận với nguồn vốn đang được bơm vào các nền kinh tế này cũng chú ý nhiều hơn tới thị trường Việt Nam bởi Việt Nam mang lại cho họ lợi nhuận lớn hơn so với các lựa chọn đầu tư tại quốc gia của họ, nơi mà trái phiếu được giao dịch ở mức lãi suất âm, lãi suất tiền gửi có kỳ hạn cũng ở mức dưới 0. Trong khi đó tại Việt Nam, họ có thể hưởng mức lãi từ chia cổ tức ở mức 3-4%, lãi suất trái phiếu ở mức 3-4%, và tiền gửi có kỳ hạn ở mức 6-7%, đây thực sự là một nguồn lợi lớn khi đầu tư vào Việt Nam.

Bên cạnh đó, tình hình chính trị và môi trường kinh doanh tại Việt Nam đang rất ổn định. Đồng nội tệ ổn định. Khi một nhà đầu tư quyết định đầu tư vào Việt Nam, họ có thể thấy tài sản khấu hao và đồng tiền duy trì ổn định, không bị mất lợi nhuận do tiền đồng mất giá.

Thêm vào đó, Việt Nam hiện có 97 triệu dân trong đó một nửa dân số ở dưới độ tuổi 35 và thu nhập bình quân nhóm phổ thông ở mức 3.000 USD/năm. Mức thu nhập này đang tăng dần và theo đó sức mua cũng tăng lên. Điều này là lợi thế lớn thu hút nhiều doanh nghiệp cũng như nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Tóm lại là chúng ta cần tiếp cận với nguồn vốn nước ngoài đang được các ngân hàng trung ương bơm vào. Chúng ta cần thay đổi để trở nên hấp dẫn hơn với nhà đầu tư nước ngoài. Chúng ta đều biết, bằng kinh nghiệm và trải nghiệm rằng dòng vốn này chắc chắn sẽ hỗ trợ đáng kể cho thị trường chứng khoán.

Chỉ số VN-Index tăng gần 50% trong năm 2017 khi Ngân hàng Trung ương Châu Âu phát hành 1.000 tỉ USD tiền mới. Chúng ta cũng thấy được Việt Nam là điểm đến hấp dẫn đối với nhà đầu tư nước ngoài do dân số đông, trẻ, thu nhập tăng, và sự ổn định về kinh tế - chính trị. Điều quan trọng là chúng ta cần có những cải cách trong thị trường vốn để thu hút thêm dòng vốn FII.

Cơ hội của dòng vốn lớn

Vậy Việt Nam cần những thay đổi và cải cách nào? Xin nhớ là hiện nay có khoảng 6.000 tỉ USD đang bơm vào các nền kinh tế thông qua các ngân hàng trung ương khắp toàn cầu và chúng ta cần tiếp cận với nguồn tiền này.

Trước khi nói tới những đề xuất cho việc cải cách, chúng ta nên nhìn vào những điều mà các nhà đầu tư gián tiếp nước ngoài quan tâm khi tiếp cận thị trường vốn Việt Nam, cụ thể là thị trường chứng khoán Việt Nam.

Đầu tiên, họ muốn thấy nhiều cơ hội tăng trưởng. Ngày càng có nhiều doanh nghiệp phát triển. Nhà đầu tư muốn thấy những cơ hội để tăng đầu tư vào những công ty này trên thị trường chứng khoán. Họ muốn thấy những doanh nghiệp lớn hơn niêm yết trên sàn.

Họ muốn thấy việc đẩy mạnh tiến trình cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước, và càng có nhiều doanh nghiệp được cổ phần hóa thì cơ hội cho nhà đầu tư nước ngoài càng nhiều.

Nhà đầu tư cũng muốn có cơ hội đầu tư vào trái phiếu doanh nghiệp. Ở thời điểm này, nhà đầu tư gián tiếp nước ngoài khó tiếp cận với trái phiếu doanh nghiệp bởi những khoản trái phiếu này thường chưa được niêm yết.

Nhìn chung, nhà đầu tư muốn thị trường chứng khoán đa dạng hơn. Hiện nay chỉ có một số loại cổ phiếu đang chi phối thị trường, bao gồm cổ phiếu của ngân hàng và bất động sản. Nhà đầu tư nước ngoài muốn có nhiều lựa chọn hơn từ thị trường, như cổ phiếu viễn thông, điện, phân bón... thậm chí là y tế.

Nhà đầu tư cũng muốn giao dịch cổ phiếu của những doanh nghiệp không còn room cho khối ngoại. Hiện nay, có 30 doanh nghiệp niêm yết trên thị trường đang được giao dịch ở mức hạn định cổ phần dành cho khối ngoại (FOL - Foreign Ownership Limits). Vì vậy, các nhà đầu tư ngoại mới sẽ phải mua lại cổ phiếu từ những nhà đầu tư nước ngoài hiện hữu ở mức giá cao hơn giá cổ phiếu đang giao dịch trên thị trường.

Điều này khiến chính họ phải hạ giá giao dịch 10-15% so với giá mua khi cần giao dịch khớp lệnh. Sau năm 2015, trên thị trường đã có 82 doanh nghiệp được nới lỏng mức FOL, Nhưng hiện nay khoảng 30 doanh nghiệp đã hết room cho khối ngoại. Điều này gây khó khăn cho những nhà đầu tư mới khi họ muốn mua lại cổ phần của các doanh nghiệp.

Nhà đầu tư cũng muốn có thêm nhiều cổ phiếu có tính thanh khoản cao, điều này đồng nghĩa với doanh nghiệp có chất lượng cao, có tiềm năng.

Vậy có những khuyến nghị nào để giúp thị trường thay đổi và hấp dẫn hơn cho dòng vốn FII?

Đầu tiên là chúng ta nên cổ phần hóa nhiều doanh nghiệp hơn, đặc biệt là trong những ngành như viễn thông, điện hoặc liên quan tới dầu khí. Chúng tôi cũng hy vọng lượng cổ phần bán ra ngoài thị trường sẽ lớn hơn, thay vì 3-5% sẽ là 20-30%. Chúng tôi muốn có bảng lưu thông tin về giá giao dịch của các cổ phiếu do khối ngoại thực hiện, theo đó nhà đầu tư không cần quy theo giá thị trường cổ phiếu mà họ vừa mua với mức giá “trả thêm - premium") .

Chúng tôi hy vọng Việt Nam sẽ sớm gia nhập nhóm thị trường mới nổi: MSCI-Emerging Market. Hiện nay chúng ta đang ở nhóm MSCI-Frontier Market (nhóm thị trường cận biên). Khi Việt Nam trở thành thị trường mới nổi, chúng ta có thể tiếp cận nguồn vốn lớn gấp hàng trăm lần so với hiện nay.

Chúng ta sẽ có nguồn vốn lớn gấp hàng trăm lần cho các công ty nhận đầu tư tại Việt Nam. Để trở thành thị trường mới nổi, chúng ta cần một cơ chế thông tin minh bạch rõ ràng và quản trị doanh nghiệp theo tiêu chuẩn quốc tế.

Chúng tôi cũng muốn có cơ chế hoạt động tốt hơn cho loại hình quỹ hưu trí. Hiện nay thị trường chứng khoán chưa có hoạt động đầu tư cho phần này nhưng quỹ hưu trí được xem là xương sống cho nhiều thị trường vốn toàn cầu. Nó tạo ra một nền tảng vững chắc cho thị trường vốn phát triển ổn định và chất lượng hơn. Thêm vào đó, trong khoảng 6-12 tháng tới, chúng tôi hy vọng thuế thu nhập doanh nghiệp sẽ được giảm để thúc đẩy tăng trưởng.

Chúng tôi cũng khuyến nghị việc giảm lãi suất tiền gửi ở ngân hàng, từ đó thúc đẩy việc đầu tư vào nhà xưởng, kinh doanh, chứng khoán và bất động sản. Hiện nay mức lãi suất tiền gửi kỳ hạn đang ở mức 6-7% và nếu mức này giảm xuống thấp nữa thì người dân sẽ có thể chuyển hướng qua đầu tư vào chứng khoán nhiều hơn.

Chúng tôi cũng khuyến nghị Việt Nam nên tham gia vào chương trình marketing như Hội nghị các nhà đầu tư toàn cầu được tổ chức bởi các công ty chứng khoán hoặc công ty quản lý quỹ. Những chương trình này sẽ giúp Chính phủ Việt Nam giới thiệu tiềm năng tới các nhà đầu tư nước ngoài.

Đó là những khuyến nghị dành cho thị trường chứng khoán.

Còn đối với trái phiếu, bên cạnh trái phiếu chính phủ, nhà đầu tư muốn tiếp cận tới những trái phiếu có tính thanh khoản tốt hoặc những trái phiếu doanh nghiệp đã được niêm yết.

Để trái phiếu doanh nghiệp có thể được chấp thuận niêm yết, chúng ta cần một quy trình đánh giá xếp hạng. Ngày nay có rất nhiều tổ chức xếp hạng đánh giá quốc tế uy tín như S&P, Moody’s, và Fitch. Chúng ta nên mời họ tới Việt Nam và thực hiện đánh giá đối với trái phiếu doanh nghiệp. Những tổ chức này có thể kết hợp với các định chế tài chính hoặc các ngân hàng thương mại trong nước để thực hiện việc xếp hạng cho trái phiếu doanh nghiệp.

Và sau đó phát hành trái phiếu doanh nghiệp thông qua quy trình bảo lãnh phát hành cũng là một cách để niêm yết trái phiếu doanh nghiệp. Khi niêm yết, chúng ta cần có giao dịch trên thị trường để tạo thanh khoản cho trái phiếu doanh nghiệp, khiến trái phiếu trở nên hấp dẫn hơn.

Nguồn NCĐT: https://nhipcaudautu.vn/tai-chinh/sep-vinacapital-cach-nao-thu-hut-dong-von-fii-cho-viet-nam-tu-nui-tien-6000-ti-usd-3335235/