Sếp VinaCapital: Động lực chứng khoán Mỹ là việc mua cổ phiếu quỹ, còn Việt Nam là EPS

'Chúng tôi kỳ vọng tăng trưởng EPS trong năm 2019 đạt khoảng 15%, và đó cũng chính là mức tăng của thị trường chứng khoán Việt Nam năm nay', ông Don Lam, Tổng giám đốc VinaCapital trả lời BizLIVE.

Ông Don Lam, CEO VinaCapital.

Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) được dự đoán sẽ có động thái giảm lãi suất tại cuộc họp Ủy ban thị trường mở vào cuối tháng 7 này, và gần đây ngân hàng Trung ương nhiều nước đã giảm lãi suất khiến chỉ số Dow Jones ngay lập tức tăng lên mức kỷ lục hơn 27.000 điểm. Theo ông, yếu tố này sẽ tác động thế nào đến chỉ số VN-Index?

Chúng tôi cho rằng việc Fed cắt giảm lãi suất có tác động lớn đối với tăng trưởng chứng khoán Mỹ, hơn là so với tăng trưởng chứng khoán của Việt Nam hay khu vực.

Cụ thể ở Mỹ, các công ty đã vay một số tiền khổng lồ để mua lại cổ phiếu quỹ, đó là lý do chính khiến thị trường chứng khoán Mỹ đi lên trong những năm gần đây.

Thu nhập trước thuế của S&P500 về cơ bản không thay đổi nhiều trong 7 năm qua, nhưng các công ty đã chi hàng nghìn tỷ USD để mua lại cổ phiếu quỹ, chỉ riêng năm ngoái đã chi gần 1 nghìn tỷ USD.

Nếu không có những sự mua lại đó, thị trường chứng khoán Mỹ sẽ không đi lên. Nhưng lãi suất thấp hơn sẽ cho phép các công ty vay nhiều tiền hơn, thậm chí giúp mua nhiều cổ phiếu quỹ hơn.

Còn ở Việt Nam, chúng ta không có sự mua lại cổ phiếu mạnh mẽ, vì vậy, động lực tăng trưởng chính cho thị trường chứng khoán là tăng trưởng EPS (lợi nhuận trên mỗi cổ phiếu).

Chúng tôi kỳ vọng tăng trưởng EPS trong năm 2019 đạt khoảng 15%, và đó cũng chính là mức tăng của thị trường chứng khoán Việt Nam năm nay. Tuy nhiên, VN-Index hiện đã tăng 10% so với đầu năm, vì vậy thị trường cũng có khả năng tăng thêm một chút.

Theo ông, thương chiến Mỹ - Trung và việc hiệp định CTCPP được thông qua có thể ảnh hưởng thế nào tới dòng vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài (FII) chảy vào Việt Nam?

Về CPTPP, đây là một điểm tích cực đối với kinh tế Việt Nam, CPTPP sẽ giúp tăng trưởng một số ngành công nghiệp nhất định như: may mặc và đồ nội thất, những ngành tỷ suất lợi nhuận thấp và một số ngành nông nghiệp, như thủy sản.

Về chiến tranh thương mại, Việt Nam sẽ có cơ hội hưởng lợi, và điều này sẽ giúp cho tăng trưởng của ngành công nghiệp chế biến chế tạo, hiện tại đang chiếm khoảng 17% GDP. Lưu ý rằng ở các nền kinh tế khác trong các con hổ Châu Á, ngành công nghiệp chế biến chế tạo đã chiếm hơn 30% GDP - và chúng tôi cho rằng đây sẽ là tương lai của Việt Nam.

Tuy nhiên trong ngắn hạn, chiến tranh thương mại Mỹ - Trung có thể dẫn tới rủi ro, Việt Nam có thể bị Mỹ nhắm tới và áp thuế đối với một số mặt hàng bị cho là "dán nhãn" để "tái xuất" sang Mỹ. Mặc dù vậy, chúng tôi không kỳ vọng điều này xảy ra, vì trước hết, Mỹ và Việt Nam có mối quan hệ cân bằng. Và thứ hai, Chính phủ Việt Nam đang thực hiện các bước đi mạnh mẽ để giải quyết vấn đề.

Dòng tiền khối ngoại đã quay trở lại thị trường chứng khoán Việt Nam và đạt mức 202 triệu USD trong 6 tháng đầu năm 2019, sau khi từng liên tục bán ròng 198 triệu USD trong 6 tháng cuối năm 2018 (tính trên thị trường khớp lệnh, có loại trừ các giao dịch thỏa thuận lô lớn), đặc biệt là dòng tiền qua các quỹ ETF từ nhà đầu tư Thái Lan, Hàn Quốc và Mỹ.

Nguyên nhân là, do Mỹ và Trung Quốc đồng ý nối lại đàm phán thương mại và Fed quyết định dừng việc tăng lãi suất, đồng thời cân nhắc giảm lãi suất trong thời gian sắp tới. Điều này làm đồng USD có xu hướng yếu đi và dòng tiền dịch chuyển sang các thị trường mới nổi, trong đó có thị trường chứng khoán Việt Nam.

Tác động của CPTPP đến thị trường chứng khoán giới hạn trong một số ngành nhỏ - như dệt may, thủy sản và khu công nghiệp - nên không có tác động đến chỉ số VN-Index. Tuy nhiên, cùng với cuộc chiến tranh thương mại, mức độ tác động là rất tích cực, góp phần làm cho nhóm cổ phiếu dệt may và khu công nghiệp tăng trưởng mạnh nhất trong các nhóm ngành trong 6 tháng đầu năm 2019.

Nhiều ngân hàng đã báo lãi lớn trong 6 tháng đầu năm 2019. Ông nghĩ các cổ phiếu ngân hàng sẽ phản ứng thế nào với điều này?

Chúng tôi ước tính lợi nhuận của các ngân hàng niêm yết tăng khoảng 15% trong 6 tháng đầu năm, cao hơn mức tăng trưởng lợi nhuận toàn thị trường. Các chỉ số về mức sinh lời tiếp tục được cải thiện trong khi nợ xấu giảm.

Thị trường cũng phần nào hưởng ứng đà tăng trưởng của cổ phiếu, một ví dụ dễ thấy là cổ phiếu VCB đã tăng 42% từ đầu năm sau khi ngân hàng này báo mức lãi kỉ lục (tăng 40%). Đối với các ngân hàng còn lại, mức đỉnh giá đã giảm xuống mức hấp dẫn khi P/B (chỉ số giá hiện tại trên giá ghi sổ) là 1,4 và P/E (chỉ số giá trên lợi nhuận mỗi cổ phiếu) là 10.

Chúng tôi kỳ vọng, kết quả kinh doanh khởi sắc sẽ được phản ánh mạnh mẽ hơn nữa vào giá và sẽ là cơ hội tốt để đầu tư cổ phiếu ngân hàng.

Riêng với các ngân hàng đã đạt được tiêu chí Basel II (OCB, VCB, TPB, VPB, MBB), việc áp dụng thành công Basel II sớm hơn quy định cho thấy nỗ lực tuân thủ cao và minh bạch hơn của các ngân hàng. Điều này rất quan trọng đối với một ngành có ảnh hưởng sâu sắc tới tổng thể nền kinh tế như ngân hàng. Đồng thời, bằng việc trở nên an toàn hơn, các ngân hàng có thể nhận được hạn mức tăng trưởng cao hơn từ Ngân hàng Nhà nước và có thêm lợi nhuận.

Năm 2018, 3 quỹ của VinaCapital đã báo lỗ. 6 tháng đầu năm nay, tình hình có khả quan hơn không, thưa ông?

Hầu hết các quỹ tại Việt Nam đều báo cáo thua lỗ trong năm 2018. Chúng ta hy vọng Việt Nam sẽ có nhiều triển vọng hơn trong năm 2019. Nếu không, đây sẽ là trở ngại lớn để thuyết phục nhà đầu tư tiếp tục đổ tiền vào Việt Nam.

Ông có thể cho biết thêm về quỹ đầu tư bất động sản VinaLand (thuộc VinaCapital) khi quỹ này chấm dứt hoạt động vào tháng 7/2019?

VinaLand vừa công bố sẽ kết thúc lộ trình hoạt động theo đúng kế hoạch đã đề ra trong thời gian sắp tới. Thật ra, quỹ này đã hoạt động hiệu quả trong những năm qua thông qua việc phát triển và thoái vốn các tài sản như tòa nhà A&B, dự án biệt thự cao cấp Ocean Villas and Golf tại Đà Nẵng và hiện tại đã thoái vốn tất cả tài sản của quỹ.

LINH LAN

Nguồn BizLIVE: http://bizlive.vn/tai-chinh/sep-vinacapital-dong-luc-chung-khoan-my-la-viec-mua-co-phieu-quy-con-viet-nam-la-eps-3514438.html