Sếp VPBank nói về chặn đà lỗ của FE Credit, rút bớt vốn đầu tư trái phiếu DN

VPBank hiện đang đầu tư trái phiếu doanh nghiệp tại 44 doanh nghiệp bất động sản trong đó có Novaland, Sungroup, Vingroup… Hiện ngân hàng đầu tư hơn 30.000 tỷ đồng vào trái phiếu doanh nghiệp, dự kiến đến hết tháng 6/2023 sẽ giảm còn 20.000 tỷ.

Theo ông Nguyễn Đức Vinh, Tổng Giám đốc VPBank, kết thúc quý 1/2023, ngân hàng đạt hơn 4.000 tỷ đồng lợi nhuận, tăng trưởng tín dụng 7%, tăng trưởng huy động 11,5%. Dù vậy, quý 1 vừa qua Công ty Tài chính tiêu dùng FE Credit (công ty con của VPBank) tiếp tục thua lỗ.

Với mục tiêu 24.000 tỷ đồng lợi nhuận trong năm 2023 được ĐHCĐ thông qua, lợi nhuận quý 1 mới chỉ đạt khoảng 20% kế hoạch. Tuy nhiên, ông Nguyễn Đức Vinh khẳng định mục tiêu lợi nhuận của năm "vẫn nằm trong tầm tay".

CEO VPBank thừa nhận do ảnh hưởng của nền kinh tế, cuộc khủng hoảng của thị trường bất động sản, dẫn đến một số khoản nợ xấu phát sinh. Riêng trong quý 1, tỷ lệ nợ xấu của ngân hàng tăng lên khoảng 2,6% (cuối năm 2022 là 2,19%).

“Chúng tôi đang làm mọi biện pháp hỗ trợ khách hàng nhưng đồng thời tái cấu trúc các khoản nợ. Dự kiến nợ xấu sẽ giảm dần vào quý 3 và quý 4, để nợ xấu vào cuối năm được đưa về 2,2%", ông Vinh nói.

Ông Vinh cho biết thêm, năm 2023 ngân hàng sẽ mở rộng hoạt động sang lĩnh vực bảo hiểm, chứng khoán. Đây sẽ là những lĩnh vực được kỳ vọng mang lại lợi nhuận lớn cho ngân hàng.

Ông Nguyễn Đức Vinh đọc tờ trình của Ban TGĐ trước ĐHĐCĐ.

Ông Nguyễn Đức Vinh đọc tờ trình của Ban TGĐ trước ĐHĐCĐ.

Về công ty con FE Credit, ông Vinh thừa nhận công ty này đang gặp khó khăn, nên ngân hàng đặt mục tiêu năm nay sẽ thực hiện tái cấu trúc công ty tài chính tiêu dùng này.

“BLĐ đang có kế hoạch đưa lợi nhuận FE Credit trở về mức dương. Nhưng trước tiên cần phải tái cấu trúc công ty này để doanh nghiệp hoạt động ổn định trở lại.”

Ông Vinh khẳng định FE Credit gặp khó khăn từ năm 2022 nhưng ngân hàng đã tìm thấy đường ra cho công ty này.

Năm 2022, VPBank có dự phòng rủi ro 8.700 tỷ đồng ngân hàng mẹ, và hơn 11.000 đồng dự phòng rủi ro tín dụng tại FE Credit.

“Chúng tôi đảm bảo quỹ dự phòng đủ để xử lý các trường hợp khó khăn nhất. Năm nay dự phòng sẽ tăng thêm 30%, riêng 3 tháng đầu năm đã trích 2.600 tỷ đồng dự phòng rủi ro. Việc kết quả kinh doanh của FE Credit không tốt cũng có nguyên nhân do trích lập dự phòng rủi ro cao”, ông Nguyễn Đức Vinh chia sẻ với các cổ đông.

Tuy nhiên, tin vui cho cổ đông là ngân hàng đã thu hồi được trên 90% nợ cần cấu trúc, hiện số này chỉ còn hơn 1.600 tỷ đồng.

Giải thích về tỷ lệ bao phủ ở mức 72%, thấp hơn so với nhiều ngân hàng khác, CEO VPBank cho biết, mô hình kinh doanh của VPBank là mô hình chấp nhận rủi ro. Các khoản cho vay tiêu dùng không yêu cầu phải có tài sản đảm bảo. Vì thế tỷ lệ bao phủ chỉ khoảng 70% nhưng tỷ lệ dự phòng rất cao.

Từ trái qua: Ông Nguyên Đức Vinh (TGĐ), ông Ngô Chí Dũng (Chủ tịch HĐQT) và ông Bùi Hải Quân (Phó Chủ tịch HĐQT) điều hành đại hội.

Sẽ giảm 50% trái phiếu doanh nghiệp trong năm nay

Về các khoản nợ liên quan đến trái phiếu doanh nghiệp, theo ông Vinh, thị trường trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) thời gian qua gặp khủng hoảng do không được quản lý chặt chẽ. Lòng tin của nhà đầu tư suy giảm vào thị trường này. Do đó, TPDN chỉ có thể được xử lý đồng thời với giải pháp của Chính phủ liên quan đến thị trường BĐS.

VPBank hiện đầu tư hơn 30.000 tỷ đồng vào TPDN, so với thời điểm cuối năm 2022 đã giảm hơn 5 nghìn tỷ đồng. Dự kiến đến hết tháng 6/2023 sẽ giảm còn 20.000 tỷ đồng.

Ngân hàng hiện đang đầu tư TPDN tại 44 doanh nghiệp BĐS, trong đó có Novaland, Sun Group, Vingroup,… Lượng TPDN của các DN BĐS chiếm 60% tổng lượng đầu tư TPDN của VPBank, nhưng không doanh nghiệp BĐS nào chiếm phần lớn tổng dư nợ. Mục tiêu từ nay đến cuối năm sẽ giảm 50% lượng TPDN đang nắm giữ.

Tuy nhiên, ông Vinh khẳng định bên cạnh đó có rất nhiều TPDN tốt được VPBank đầu tư, trong đó có TPDN của Tập đoàn Masan, Becamex,..

Đáng chú ý, 100% trái phiếu có tài sản đảm bảo do VPBank trực tiếp quản lý những tài sản đảm bảo này.

Trong số đó, khoản nợ của Novaland được các cổ đông VPBank đặc biệt quan tâm. Ông Nguyễn Đức Vinh cho biết, dư nợ của Novaland dưới 1% tổng dư nợ tại VPBank và doanh nghiệp này đã không trả nợ đúng hạn. Tuy nhiên Ngân hàng đang hỗ trợ doanh nghiệp tái cơ cấu.

Về bán bảo hiểm qua ngân hàng (bancassurance), nhà băng này đang hợp tác với AIA theo bản hợp đồng có thời hạn 19 năm và đã đi cùng nhau được 4 năm. Trước thông tin khách hàng bị ép mua bảo hiểm hoặc tư vấn không đúng, ông Vinh khẳng định đó chỉ là những trường hợp hy hữu.

Chủ tịch HĐQT VPBank Ngô Chí Dũng chia sẻ thêm, việc đối tác Nhật Bản SMBC mua 15% cổ phần sẽ giúp VPBank được lợi về vốn, cho phép ngân hàng nâng cao quy mô tổng tài sản, tăng trưởng về tín dụng,… đáp ứng mọi nhu cầu của các phân khúc khách hàng.

“Với tư cách cổ đông chiến lược, SMBC sẽ chia sẻ kinh nghiệm về quản trị rủi ro cũng như chuyển đổi số,… Việc tham gia của SMBC sẽ tăng cường rất nhiều cho VPBank trong tương lai. Vị thế SMBC sẽ giúp cho VPBank tiếp tục huy động vốn dễ dàng hơn trên thị trường quốc tế. Đồng thời VPBank đã mở ra một khối kinh doanh mới là khối khách hàng FDI mà trước giờ ngân hàng chưa có điều kiện hoạt động. Sau 1 tháng mở ra khối Doanh nghiệp FDI, triển vọng là rất khả quan”, ông Dũng nói.

Trước những nghi ngại của cổ đông về tham vọng 24.000 tỷ đồng lợi nhuận trong năm 2023, ông Ngô Chí Dũng thuyết phục cổ đông tự tin vào kế hoạch, trên cơ sở có nền tảng vốn.

"Trong những năm qua VPBank đã xây dựng nền tảng vận hành, kinh doanh bán hàng rất tốt, nên có thể triển khai bán hàng rất nhanh. Tỷ lệ chi phí/thu nhập của VPBank hiện thấp nhất thị trường, là cơ sở để thực hiện quy mô tăng trưởng cao. Đây cũng là một trong những lý do NHNN cho phép VPBank được tiếp nhận chuyển giao bắt buộc một ngân hàng”, ông Dũng nói.

Tuân Nguyễn

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/vpbank-loi-nhuan-quy-1-dat-hon-4-nghin-ty-fe-credit-tiep-tuc-lo-2134031.html