Sếp yêu cầu nhân viên về đúng giờ, không tăng ca

Trước 19h, Phương Thảo (24 tuổi, quận Cầu Giấy, Hà Nội) cùng đồng nghiệp tắt máy tính, rời khỏi văn phòng. Ngày làm việc của Thảo bắt đầu từ 10h, có một tiếng nghỉ trưa.

Nhân viên bảo vệ là người ở lại cuối cùng để kiểm tra hệ thống điện, ngắt điều hòa, khóa cửa và đảm bảo không còn ai ở lại.

Chia sẻ với phóng viên, Thảo cho biết công ty mình mới áp dụng quy định không OT (làm việc quá giờ) tại công sở khoảng vài tháng qua. Cấp lãnh đạo mong muốn nhân sự hoàn thành nhiệm vụ trong khung giờ hành chính, không hoặc hạn chế mang việc về nhà.

Thảo thú nhận mình chưa mấy quen thuộc với cách làm việc này.

“Giờ nào việc nấy”

Trước khi công ty ra quy định ngừng OT, cô thường ở lại văn phòng đến 21-22h hoặc ít nhất quá giờ ăn tối.

Quy định có nhiều mặt tích cực với nhân sự. Dễ thấy nhất, Thảo bắt đầu ăn tối đúng bữa và check-in tại phòng gym nhiều hơn. Việc làm đúng giờ yêu cầu cô và đồng nghiệp tập trung 100% trong ngày, không dây dưa hoặc mang suy nghĩ "để đó làm sau".

 Phương Thảo có thói quen làm xong việc tại công ty rồi mới về nhà.

Phương Thảo có thói quen làm xong việc tại công ty rồi mới về nhà.

Dù vậy, ngược lại, công việc của Thảo phụ thuộc nhiều vào khách hàng, khó lường trước các vấn đề phát sinh sau giờ hành chính.

Dữ liệu khách hàng cũng được lưu tại hệ thống máy chủ ở công ty nhằm mục đích bảo mật, cô không thể về nhà làm tiếp.

Việc cập rập kết sổ, đóng máy lúc 18h30 đôi khi khiến nhân viên không thực sự xong việc.

"Tôi buộc phải để tồn đến sáng hôm sau, rất mất thời gian”, cô cho hay.

Trong khi đó, công ty của Minh Quốc (26 tuổi, TP Thủ Đức, TP.HCM) không cấm tuyệt đối OT, nhưng sếp khuyến khích nhân viên tan làm đúng giờ.

Trước đó, anh cùng đồng nghiệp có thói quen cùng ở lại văn phòng cho đến khi tất cả xong việc. Tính trung bình, cả nhóm ngồi trước màn hình máy tính khoảng 10 tiếng/ngày, có thời điểm ngồi từ 8h đến 22h mới tắt thiết bị.

Quốc cho rằng chính cách làm việc của nhóm mình đã khiến công ty ra quy định không OT, phải ra về trước 19h30 mỗi ngày.

 Tan làm sớm, nhưng về nhà Quốc vẫn phải làm việc vì chưa xong.

Tan làm sớm, nhưng về nhà Quốc vẫn phải làm việc vì chưa xong.

“Trước đó, không ít lần cấp quản lý đề nghị chúng tôi hoàn thành công việc nhanh chóng để ra về sớm hơn, tránh tình trạng ‘bào sức’, ảnh hưởng sức khỏe và tinh thần về lâu dài”, anh kể lại.

Trong tuần đầu tiên áp dụng văn hóa tan làm mới, bộ phận nhân sự trong công ty của Quốc là người về sau cùng, nhắc nhở, thúc giục các phòng ban tan làm.

Trong đó, các sếp cấp cao, quản lý cũng là những người tiên phong về đúng giờ.

"Vài ngày đầu, cha mẹ bất ngờ khi tôi về sớm ăn tối", Quốc kể.

Việc ăn đúng bữa, buổi tối có thời gian nghỉ ngơi thật sự giúp anh cải thiện sức khỏe.

Tuy vậy, đôi khi, vì chưa thể hoàn tất công việc trong giờ hành chính, anh tiếp tục làm việc tại nhà.

“Gia đình tôi có 3 thế hệ cùng chung sống, khi muốn có không gian yên tĩnh để làm việc rất khó", Quốc chia sẻ.

Công ty không muốn nhân sự OT

OT, dù chủ động hay được cấp trên giao phó, là cách thức làm việc phổ biến đối với nhiều doanh nghiệp và dân văn phòng.

Từ góc độ nhân sự, nhiều người muốn làm thêm giờ nhằm hoàn thiện nhiệm vụ, đồng thời nhận mức lương tăng ca.

Trong khi đó, từ phía công ty, nhân viên OT giúp gia tăng năng suất, kiếm được nhiều khách hàng hơn hoặc giải quyết dự án nhanh chóng hơn, theo nền tảng giải pháp doanh nghiệp Wonolo.

Tuy nhiên, nếu muốn tăng hiệu suất, OT không còn là giải pháp tối ưu và duy nhất.

Thứ nhất, việc kéo dài thời gian làm việc trong ngày thực chất không làm tăng năng suất một cách đáng kể. Nhân sự sẽ dễ nhàm chán với các nhiệm vụ lặp đi lặp lại liên tục, từ đó giảm năng suất.

Như vậy, ở góc độ tài chính, công ty đang trả tiền nhiều hơn (cho lương, chi phí văn phòng, điện nước) để nhân sự làm việc kém hiệu quả hơn.

Thứ hai, theo khảo sát Mức độ gắn kết của nhân viên được thực hiện bởi Kronos và Future Workplace, OT quá nhiều là nguyên nhân phổ biến thứ 3 dẫn đến tình trạng kiệt sức.

Những nhân viên làm việc ngoài giờ phải đối mặt với nguy cơ burn-out cao hơn 61%. Một phần trong số họ phải làm việc theo chính sách của công ty, song phần lớn là do thiếu hụt kỹ năng lập kế hoạch công việc như: Ám ảnh hiệu suất, quản lý thời gian yếu, có xu hướng ôm đồm quá nhiều nhiệm vụ (thường xảy ra ở những vị trí quản lý, có năng lực), Wonolo dẫn chứng.

 Có nhiều lý do khiến một công ty ngừng hoạt động OT, trong đó vấn đề sức khỏe nhân sự được đề cao. Ảnh minh họa: Phương Lâm.

Có nhiều lý do khiến một công ty ngừng hoạt động OT, trong đó vấn đề sức khỏe nhân sự được đề cao. Ảnh minh họa: Phương Lâm.

Chia sẻ với phóng viên, Trần Ly (26 tuổi, quận 4, TP.HCM), chuyên viên hành chính nhân sự, cho biết công ty cô đưa ra nội quy không OT trong khoảng 1-2 tháng gần đây. Cụ thể, các nhân sự không đảm nhiệm dự án gấp, chiến dịch ngắn ngày được yêu cầu tan làm đúng giờ.

Một số nhân viên phụ trách chính trong các dự án này cũng phải gửi email xin phép OT trước 24 giờ. Nếu email được phê duyệt, nhân sự mới được phép ở lại văn phòng làm việc quá giờ hành chính.

Theo Ly, quy định này bắt nguồn từ quan sát của lãnh đạo về tình trạng sức khỏe tinh thần và thể chất của nhân viên. Những người thường xuyên tan làm vào lúc 21-22h thường trông mệt mỏi vào sáng ngày hôm sau, ảnh hưởng tiêu cực đến tinh thần làm việc chung.

Hơn nữa, dù tăng ca, song chất lượng công việc của họ không được đảm bảo. Đây là tình trạng tất yếu do nhân sự thiếu ngủ, bỏ qua bữa tối hoặc ăn mì tôm để tiết kiệm tiền trợ cấp của công ty.

Ngoài ra, quy định này cũng giúp doanh nghiệp tiết kiệm chi phí nhân sự, điện nước.

Theo đó, đối với nhân sự OT, công ty của Ly có chính sách hỗ trợ bữa tối 70.000 đồng/người, cung cấp thêm nước uống giải khát.

Đây là khoản tiền tương đối lớn, công ty hiện cần cắt giảm để tối ưu hóa bộ máy, quy trình vận hành. Ngoài ra, trong thời tiết nắng nóng cao điểm mùa hè, việc chỉ 2-3 nhân sự OT cũng sử dụng toàn bộ hệ thống điều hòa, đèn chiếu sáng suốt đêm quá lãng phí.

Theo Ly, công ty cô có 2 kiểu phản ứng khác nhau của nhân viên về quy định ngừng OT. Khoảng 70% người được hỏi đồng thuận với nội quy mới, cho rằng việc hạn chế tăng ca giúp họ có nhiều thời gian nghỉ ngơi, giải trí hơn, tái tạo năng lượng cho ngày làm việc sau.

Tuy nhiên, 30% còn lại phản đối vì quy định email xin phép trước 24 giờ vì không linh động.

 Nhiều nhân sự có thể không OT, rời văn phòng đúng giờ nhưng vẫn phải làm việc ra ngoài làm. Ảnh minh họa: Phương Lâm.

Nhiều nhân sự có thể không OT, rời văn phòng đúng giờ nhưng vẫn phải làm việc ra ngoài làm. Ảnh minh họa: Phương Lâm.

Trong khi đó, Bảo Khánh (32 tuổi, quận 1, TP.HCM), quản lý bộ phận marketing, cho biết việc không làm thêm giờ tại một số doanh nghiệp hiện nay là minh chứng cho nỗ lực của cấp quản lý nhằm tạo điều kiện cho nhân viên có thời gian nghỉ ngơi, lấy lại năng lượng.

Song, bài toán khiến anh đau đầu đó là làm sao để nhân sự không làm thêm giờ thực chất, chứ không phải rời khỏi văn phòng nhưng vẫn ôm việc về nhà, chạy deadline đến khuya. Như vậy, việc yêu cầu ngừng OT từ công ty là vô nghĩa.

Với Khánh, vấn đề đảm bảo hiệu suất để tan làm đúng giờ phụ thuộc 70% vào nhân viên và 30% vào cấp quản lý. Để tan làm sớm, không ôm việc về nhà, nhân sự cần tập trung 100% vào công việc trong 8 tiếng hành chính, phân bổ các đầu việc theo deadline một cách hiệu quả, việc gấp làm trước, việc không gấp làm sau.

Trong khi đó, cấp quản lý là người nắm bắt được tiến độ của dự án, kế hoạch, để nhân viên có thể tan làm đúng giờ, không OT, cấp trên cần theo sát, hỗ trợ và phân chia các đầu việc hợp lý.

“Theo tôi, quan trọng nhất, quản lý cần chú ý đến hiệu suất làm việc của nhân sự, đảm bảo các nhiệm vụ được giao xuống phải nằm trong khả năng hoàn thành, không bị tồn đọng”, anh nói.

Mỹ Trinh - Linh Vũ

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/sep-yeu-cau-nhan-vien-ve-dung-gio-khong-tang-ca-post1437900.html