Serbia không mua S-400: Thiếu tiền hay sợ Mỹ trừng phạt?

Không thể có việc Moscow trợ giúp Belgrade sở hữu S-400, một loại vũ khí chiến lược của Nga. Serbia chỉ có thể sở hữu S-400 nếu có tiền mua...

TASS đưa tin, ngày 6/11, Tổng thống Serbia Aleksandar Vucic đã cho biết, Serbia không có ý định mua các hệ thống phòng không tầm xa hiện đại S-400 Triumf của Nga.

"Đó là một loại vũ rất khí ấn tượng, song chúng tôi không có ý định mua S-400 bởi vì chúng tôi không có đủ tiền. Nếu bạn sở hữu một vũ khí như vậy, sẽ không ai dám tấn công bạn", Tổng thống Vucic giãi bày.

Giãi bày của nhà lãnh đạo Serbia khiến dư luận hoài nghi lý do thiếu tiền. Bởi trước đó, khi quan sát cuộc tập trận chung Nga-Serbia - "Slavic Shield 2019", ông Vucic đã cho biết Serbia có thể đủ tiền để mua các hệ thống phòng không S-400 của Nga.

Serbia chỉ có thể sở hữu S-400 nếu có tiền mua

Serbia chỉ có thể sở hữu S-400 nếu có tiền mua

Và trong lời giãi bày việc không mua S-400, ông Vucic còn tiết lộ thêm: "Serbia có lực lượng không quân mạnh hơn trước rất nhiều, chúng tôi sẽ củng cố việc phòng thủ bằng hệ thống Pantsir và các vũ khí không nằm trong danh sách trừng phạt của Mỹ".

Như vậy, dường như Serbia sợ Mỹ trừng phạt hơn là không đủ tiền mua S-400 của Nga. Tuy nhiên, theo giới phân tích, việc Serbia từ bỏ ý định sở hữu S-400 của Nga là do thiếu tiền hơn là do sợ Mỹ trừng phạt.

Giữa Belgrade và Moscow không thể diễn ra giao dịch thương mại quanh sản phẩm mang tên S-400 vì thiếu yếu tố tài chính. Quan hệ mua-bán không thể diễn ra xét cả từ phía Nga-người bán và phía Serbia-người mua, vì thiếu yếu tố tiền.

Thứ nhất, về phía người mua Serbia

Theo số liệu của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), năm 2018, quy mô GDP của Serbia là : 37,739 tỷ USD, bình quân đầu người là : 5.397 USD. Quy mô PPP của Serbia là : 107,131 tỷ USD, bình quân đầu người là : 15.321 USD.

Với thực tế tiềm lực kinh tế như vậy, rõ ràng Serbia không đơn giản có thể sở hữu hệ thống phòng không hiện đại tầm xa S-400 của Nga. Bởi chỉ một thương vụ liên quan tới sở hữu 1 tổ hợp S-400 đã có giá trị trên 600 triệu USD.

Với giá trị S-400 như vậy, chỉ cần mua 1 tổ hợp S-400 đã là quá lớn cho chi phí quốc phòng của Serbia. Mà trang bị khí tài đâu chỉ có mỗi S-400, vì vậy chính phủ Serbia phải "liệu cơm gắp mắm".

Trong khi việc sở hữu S-400 chưa lại phải là nhu cầu cấp thiết với Serbia ở thời điểm hiện nay, bởi Belgrade vẫn đang nhìn cả về hai phía Tây và Đông khi xem xét nâng cấp và hiện đại hóa quân đội.

"Chính phủ Serbia vẫn tiếp tục theo đuổi giữa phương Tây và Nga, giữa tham vọng chiến lược hội nhập châu Âu, hợp tác cấp cao với NATO và nhu cầu giữ Moscow gần gũi vì lợi ích chính trị, kinh tế và ngoại giao", Balkan Insight bình luận.

Trong bối cảnh đó, rõ ràng sở hữu S-400 là xa xỉ và chính phủ Serbia từ bỏ ý định mua S-400 là hợp lý. Belgrade đã chọn mua sắm những loại vũ khí giá trị nhỏ, vừa phù hợp với túi tiền, vừa phù hợp với chiến lược quốc phòng của mình.

Năm 2015, Serbia đã thỏa thuận mua 30 xe tăng T-72 được hiện đại hóa và 30 xe chiến đấu bọc thép BRDM-2 từ Nga. 30 xe BRDM-2 đã được giao cho Serbia và một số xe tăng T-72 cũng đã đến Serbia vào tháng 5 năm nay.

Dù hào phóng khi xóa nợ hàng trăm tỷ USD, nhưng Nga không bỏ tiền chỉ để xây đối tác

Năm 2018, Bộ quốc phòng Nga và Serbia cũng ký thỏa thuận về thương vụ 4 máy bay trực thăng vận tải Mi-17, 4 máy bay trực thăng tấn công Mi-35 và 2 máy bay vận tải Antonov An-26, bên cạnh việc hợp tác cải tiến các máy bay chiến đấu MiG.

Vậy nhưng, chỉ mua các thiết bị quân sự giá trị thấp của Nga mà chính phủ Serbia đã bị chỉ trích là chi số tiền quá lớn cho việc hiện đại hóa quân đội, đến mức Belgrade phải tuyên bố là những lô thiết bị này được Nga hào phóng "tặng" cho Serbia.

Như vậy, làm sao chính quyền Serbia có thể dốc gần cả tỷ USD chỉ để sở hữu 1 hệ thống phòng không S-400? Rõ ràng, việc không đủ tiền là lý do Serbia từ bỏ ý định sở hữu S-400, như Tổng thống Serbia Aleksandar Vucic đã thông báo.

Thứ hai, về phía người bán Nga

Nga là có quan hệ thân thiết với Serbia và là một trong những nước đầu tiên lên án tuyên bố độc lập của Kosovo khỏi Serbia vào năm 2008. Từ đó, Nga luôn bỏ phiếu chống lại tư cách thành viên LHQ của Kosovo, ủng hộ chính chính sách của Serbia.

Tuy nhiên, Nga không "kết đồng minh" với Serbia. Điều đó thể hiện ở 2 điểm chính: Một là do Tổng thống Putin thực hiện chiến lược đối ngoại 'chỉ ưu tiên xây đối tác, không chú trọng kết đồng minh'.

Hai là do chiến lược đối ngoại và quốc phòng của Serbia. Tháng 12/2007, Serbia đã công bố một học thuyết về tính trung lập của quân đội và chính phủ hiện tại cũng tuyên bố không có kế hoạch thay đổi chính sách này.

Tuy nhiên, Serbia lại liên kết với NATO thông qua chương trình Đối tác vì hòa bình của liên minh. Tháng 3/2015, Serbia đã ký Kế hoạch hành động hợp tác với NATO, được coi là mức độ hợp tác cao nhất của NATO với một quốc gia ngoại khối.

Theo công bố của Bộ Quốc phòng Serbia, trong 10 năm từ 2007 đến 2016, Serbia đã tham gia vào 116 hoạt động quân sự chung với NATO và 90 hoạt động quân sự song phương với Mỹ, nhưng chỉ có 17 hoạt động quân sự chung với Quân đội Nga.

Nếu như ở thời thế giới lưỡng cực Xô - Mỹ, thì chắc chắn Moscow sẽ "ăn miếng trả miếng", chạy đua với Washington nhằm kéo Belgrade về phía mình, để rồi rơi vào bẫy của người Mỹ.

Nhưng Putin chỉ ưu tiên 'xây đối tác' nên Moscow không chọn 'ăn miếng trả miếng' với Washington và không sập bẫy của Mỹ trong ván cờ Serbia cũng như trong bàn cờ chính trị Balkan.

Putin chỉ ưu tiên xây đối tác nên không rơi vào bẫy của Washington

Vĩ vậy, dù là quốc gia tài trợ quân sự lớn nhất cho Serbia, nhưng với Nga thì Serbia vẫn chỉ là 'đối tác tốt" mà thôi. Và trong quan hệ đối tác thì mọi hệ trao đổi luôn là đôi bên cùng có lợi. Nga không hao phí nguồn lực chỉ để 'xây đối tác'.

Ngay cả với đồng minh, chính quyền Tổng thống Putin cũng không hao phí nguồn lực chỉ để giữ đồng minh. Nga đã sẵn sàng tăng giá bán khí đốt cho Belarus và Armenia, hai đồng minh chiến lược của Nga và việc này gặp bất lợi từ Minsk và Yerevan.

Còn để mua S-400 thì việc thanh toán luôn bắt đầu ngay sau khi ký hợp đồng và kết thúc ngay sau khi hoàn tất việc chuyển giao sản phẩm. Điều đó đã thể hiện rõ qua các thương vụ giữa Nga với Thổ Nhĩ Kỳ và Ấn Độ hay Trung Quốc.

Thậm chí, cả với chính quyền Syria - thực thể được Nga bảo trợ - việc mua bán S-300, một loại vũ khí không được xếp ngang hàng với S-400 - cũng diễn ra theo kiểu "tiền trao -cháo múc".

Với thực tế như vậy, rõ ràng không thể có việc Moscow trợ giúp Belgrade sở hữu hệ thống phòng không S-400, một loại vũ khí chiến lược của Nga. Serbia chỉ có thể sở hữu S-400 nếu có tiền mua.

Do đó, việc Tổng thống Serbia Aleksandar Vucic tuyên bố Serbia sẽ tìm mua các loại vũ khí không nằm trong danh sách trừng phạt của Mỹ, chỉ là nói vuốt đuôi, khi đã biết việc sở hữu S-400 không thể diễn ra vì Serbia không có tiền mua.

Ngọc Việt

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/the-gioi/quan-he-quoc-te/serbia-khong-mua-s-400-thieu-tien-hay-so-my-trung-phat-3391100/