Sét đánh ảnh hưởng như thế nào tới máy bay trên không trung?

Các miêu tả của hành khách nói rằng chiếc máy bay xấu số Superjet 100 của Nga gặp nạn hôm 5/5 bị sét đánh đã làm dấy lên những lo ngại về nguy cơ ảnh hưởng của hiện tượng thiên nhiên cực đoan này đối với các máy bay đang hoạt động trên không trung.

Vụ tai nạn máy bay Aeroflot

Máy bay của hãng Aeroflot bốc cháy khi hạ cánh khẩn cấp hôm 5/5 (Ảnh: Reuters)

Ngày 5/5 vừa qua, một máy bay của hãng hàng không Nga Aeroflot đã bốc cháy khi hạ cánh khẩn cấp gần thủ đô Moscow, khiến 41 người thiệt mạng trong số 78 người trên máy bay.

Chỉ vài phút sau khi chuyến bay số hiệu SU1942 của hãng hàng không Nga Aeroflot cất cánh từ sân bay Sheremetyevo, Moscow, phi hành đoàn đã thông báo phát hiện máy bay có trục trặc trong điều kiện thời tiết xấu và quay trở lại sân bay nơi tai nạn xảy ra. Các video quay tại hiện trường cho thấy máy bay đã lao mạnh xuống đường băng khi hạ cánh, sau đó đám lửa bùng cháy từ phần đuôi máy bay.

Một số người may mắn sống sót nói chiếc máy bay này đã bị sét đánh ngay sau khi cất cánh. Phi công Denis Yevdokimov cho biết sét đánh đã làm gián đoạn liên lạc với đài kiểm soát không lưu khiến anh bắt buộc phải chuyển sang điều khiển bằng tay khẩn cấp. Cũng do không liên lạc được với kiểm soát không lưu nên phi hành đoàn mày bay SU1942 đã quyết định hạ cánh với bình xăng đầy do việc xả xăng ngay trên Moscow là quá nguy hiểm.

Nhiều hành khách sống sót cho rằng sét đánh có thể là nguyên nhân gây tai nạn. Tuy nhiên, máy bay hiện đại được thiết kế để chịu được sét đánh và thông tin chính thức từ Aeroflot cho biết máy bay quay lại sân bay do “lý do kỹ thuật.” Hộp đen của máy bay đã được chuyển cho các điều tra viên, nhưng vẫn chưa có phản hồi chính thức về việc sét đánh có liên quan đến tai nạn hay không.

Máy bay bị sét đánh không phải chuyện hiếm

(Ảnh minh họa)

Trên thực tế, việc máy bay bị sét đánh khi đang bay không phải là điều hiếm thấy. Theo Lightning Technologies Inc., một công ty chuyên thiết kế chống sét cho máy bay dân dụng và quân sự tại Massachusetts (Mỹ), một máy bay thương mại bị sét đánh trung bình một lần mỗi năm mà không gặp phải vấn đề nghiệm trọng.

Đã từ lâu, các nhà thiết kế máy bay đã thấy rõ được mối nguy hiểm của sét đánh và cải thiện thiết kế cấu trúc máy bay để giảm tối thiểu tác động của sét. Các loại máy bay truyền thống phổ biến được thiết kế với lớp vỏ ngoài bằng nhôm để có thể dẫn dòng điện chỉ chạy dọc lớp vỏ ngoài máy bay mà không ảnh hưởng đến bên trong. Một số máy bay hiện đại được thiết kế bằng các vật liệu nhẹ và dẫn điện kém hơn như sợi carbon thường được phủ thêm một lớp bảo vệ bằng sợi hoặc màng dẫn điện.

Sét đánh có thể dẫn đến trục trặc kỹ thuật khiến máy bay phải đổi hướng hoặc hạ cánh khẩn để phòng ngừa tai nạn, nhưng việc rơi máy bay hiếm khi xảy ra. Lần cuối cùng lịch sử hàng không ghi nhận một máy bay thương mại bị rơi do liên quan trực tiếp đến sét đánh là vào năm 1967 tại Mỹ khi sét đánh dẫn đến việc nổ bình xăng.

Tuy nhiên, từ đó đến nay, đã có nhiều cải tiến về công nghệ bảo vệ máy bay khỏi tác động của sét. Tất cả các thiết bị điện và bình xăng trên máy bay được thiết kế đặc biệt và và kiểm duyệt để đảm bảo hoạt động an toàn trong môt trường tĩnh điện cao và không xảy ra tia lửa điện trong trường hợp bị sét đánh.

Theo các chuyên gia hàng không, mối nguy hiểm thực sự khi cất cánh và hạ cánh máy bay trong điều kiện thời tiết xấu không phải là sét đánh mà chính là điều kiện gió, đặc biệt là sự thay đổi đột ngột về hướng và tốc độ gió trong điều kiện bão.

Theo dantri.com.vn

Nguồn Doanh Nghiệp: http://doanhnghiepvn.vn/quoc-te/set-danh-anh-huong-nhu-the-nao-toi-may-bay-tren-khong-trung/20190508043124977