SGK lớp 2, lớp 6 tăng gấp 3-4 lần: Xót xa

Không có giá trần, người dân cứ bị động, phải chạy theo nhà phát hành. Họ bị rơi vào tình thế không mua không được.

Nhà nghèo khó theo

Để phục vụ cho việc lựa chọn SGK, Bộ GDĐT đã yêu cầu các nhà xuất bản (NXB) phải cung cấp thông tin, công bố công khai giá SGK mới. Theo đó, cả 3 bộ SGK lớp 2 và lớp theo chương trình giáo dục phổ thông mới được phê duyệt đã công khai mức giá bán.

Cụ thể, với bộ sách lớp 2 "Kết nối tri thức với cuộc sống", giá sách giáo khoa 10 môn học (tương đương 10 cuốn) là 179.000 đồng. Bộ "Chân trời sáng tạo" có giá 186.000 đồng. Còn bộ Cánh diều là 203.000 đồng. Tất cả đều chưa bao gồm sách Tiếng Anh và sách bài tập.

SGK tăng giá, gánh nặng đè vai người dân nghèo. Ảnh: An ninh thủ đô

SGK tăng giá, gánh nặng đè vai người dân nghèo. Ảnh: An ninh thủ đô

Cũng theo công bố, hai bộ SGK lớp 6 mới của Nhà xuất bản Giáo dục có giá 245.000 đồng/bộ và 234.000 đồng/bộ (chưa kể sách Tiếng Anh). Riêng bộ Cánh Diều có giá 259.000 đồng. Nếu tính cả sách Tiếng Anh, mỗi bộ sách giáo khoa lớp 6 có giá trên 300.000 đồng/bộ.

Trước thông tin giá SGK tăng nhiều, chị Nguyễn Huyền Mai (Thanh Oai) có con năm nay vào lớp 2 lo lắng.

"Cho con đi học giờ nặng gánh quá. Nuôi một đứa ăn học bằng nuôi cả nhà", chị Mai nói và liệt kê hàng loạt thứ chi phí phải lo mỗi khi vào năm học như: tiền quần áo đồng phục, tiền học phí, tiền đồ dùng học tập, tiền vệ sinh trường lớp, tiền SGK. Tính sơ sơ cũng hết bạc triệu một đứa.

"Tôi làm công nhân may, lương tháng 5 triệu. Chồng làm thợ xây, ngày đi làm được 50-70.000 đồng, ngày nghỉ thì không có tiền. Ở nông thôn, thu nhập như vậy là rất cao thế nhưng vẫn không đủ để trang trải, lo toan trong gia đình. Chỉ riêng tiền ăn uống, chi tiêu cho 4 miệng ăn mỗi tháng tằn tiện cũng hết từ 3-5 triệu, chưa kể tiền điện, nước. Tiền đám cưới, đám hỏi, tiền thuốc men, đau ốm... không còn dư ra đồng nào.

Cứ mỗi khi vào năm học, tôi lại bù đầu tính cách xoay tiền lo cho đứa bé, lại đứa lớn. Giờ SGK lại còn tăng thì chúng tôi lấy tiền đâu mà mua cho con", chị Mai lo lắng.

Theo chị Mai, giá SGK cứ tăng mà không nhìn vào túi tiền của người nghèo thì chắc chỉ có con nhà giàu mới theo nổi.

Còn anh Nguyễn Tiến Quân (Bình Đà) thắc mắc: "Tại sao không sử dụng sách cũ, các con năm sau được dùng lại của năm trước cho tiết kiệm mà cứ mỗi năm một bộ thì người có thu nhập vài ba triệu như chúng tôi lấy tiền đâu cho con ăn học"?.

Xót xa

Từ góc nhìn của người làm giáo dục, PGS Trần Xuân Nhĩ, nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT cũng đặt câu hỏi: "Việc tăng giá sách có giúp tăng chất lượng sách, chất lượng giảng dạy hay không?".

Còn GS. Phạm Tất Dong – Phó Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam cho rằng, giá SGK tăng quá cao, gấp 3-4 lần là không hợp lý.

"Nhà xuất bản thì giải thích giá sách cao do in nhiều màu, giấy đẹp hơn nhưng cũng cần hỏi lại xem nhu cầu của phụ huynh có cần đến nhiều màu, giấy đẹp mà giá cao không? Điều kiện, thu nhập của phụ huynh có thể theo được mức giá đó không?

Cần xem lại quy định về giá trần, không thể để nhà xuất bản muốn in thế nào, phát giá bao nhiêu cũng được", vị chuyên gia thẳng thắn.

GS Phạm Tất Dong nói thẳng, việc này Bộ GDĐT cần phải xem lại. Ông khẳng định, chủ trương xã hội hóa SGK mặc dù khuyến khích được nguồn lực xã hội để phát triển giáo dục nhưng nếu thả nổi khung trần giá sách cũng như các tiêu chuẩn in ấn, chất lượng... là không ổn.

"Việc thả nổi SGK sẽ tạo những kẻ hở cho nhóm lợi ích đẩy giá, trục lợi. Trong khi chất lượng và nội dung sách thì chưa tương xứng", GS Phạm Tất Dong lo ngại.

Từ lo lắng trên, ông đề nghị Bộ GDĐT cần phải lên tiếng. Người dân đang trông chờ vào tiếng nói của cơ quan quản lý để yên lòng dân.

"Đứng ngoài quan sát tôi cũng thấy quá xót xa cho người dân. Cứ bị động, phải chạy theo nhà phát hành vì nếu không mua không được, không thể có sách mà học", vị chuyên gia trăn trở.

Lam Lam

Nguồn Đất Việt: http://datviet.trithuccuocsong.vn/chinh-tri-xa-hoi/giao-duc/sgk-lop-2-lop-6-tang-gap-3-4-lan-xot-xa-3430597/