SGK: Thừa bác học, thiếu phổ thông

Phát triển phẩm chất, năng lực người học phải là mục tiêu đổi mới sách giáo khoa và chương trình giáo dục phổ thông.

“Chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông còn thiên về truyền đạt kiến thức, chưa chú trọng đúng mức việc rèn luyện tư duy sáng tạo và năng lực tự học; chưa cân đối dạy chữ với dạy người, giáo dục đạo đức lối sống, lịch sử, văn hóa dân tộc cũng như định hướng nghề nghiệp”. Đó là một số bất cập được Báo cáo giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (TVQH) chỉ ra trong phiên họp chiều 15-8.

Chương trình cắt khúc, thiếu thống nhất

Đoàn giám sát của Ủy ban TVQH cho rằng quy trình biên soạn chương trình giảng dạy và sách giáo khoa ở một số khâu còn thiếu khoa học, cần đổi mới theo mục tiêu giáo dục toàn diện. Ảnh: HTD

Đánh giá về việc đổi mới chương trình giáo dục phổ thông theo Nghị quyết 40 của Quốc hội, đoàn giám sát của Ủy ban TVQH cho rằng quy trình biên soạn chương trình giảng dạy và sách giáo khoa (CT, SGK) ở một số khâu còn thiếu khoa học, không có tổng chủ biên chung cho môn học của tất cả cấp học; chưa tổ chức lấy ý kiến rộng rãi của đông đảo các nhà khoa học, các nhà giáo cho dự thảo CT, SGK. Ngoài ra, thay vì phải xây dựng một chương trình chuẩn, đồng bộ, thống nhất giữa các cấp học, lớp học, môn học với những tiêu chí, tiêu chuẩn, yêu cầu năng lực, kiến thức cụ thể cần đạt được trước khi tiến hành viết SGK thì thực tế ngành giáo dục chỉ xây dựng chương trình khung để các tác giả căn cứ vào đó viết SGK.

Những bất cập trên là nguyên nhân dẫn đến việc CT, SGK còn thiên về trang bị kiến thức mà chưa chú trọng đúng mức việc rèn luyện tư duy sáng tạo và năng lực tự học của học sinh. Chưa có sự cân đối giữa “dạy chữ” với “dạy người”, giữa lý thuyết và thực hành, giữa dung lượng kiến thức, kỹ năng và thời lượng thực hiện của một số môn học. Một số nội dung trong CT, SGK được báo cáo giám sát đánh giá là khối lượng kiến thức nhiều, dẫn đến sự quá tải. “Nhiều nội dung trong một số môn học yêu cầu cao hơn khả năng tiếp thu trung bình của học sinh, nhất là đối với học sinh dân tộc thiểu số và học sinh ở các địa bàn có điều kiện kinh tế, xã hội khó khăn” - Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng Đào Trọng Thi nhấn mạnh

Cá biệt hơn, ông Thi cho rằng có một số SGK còn sự trùng lặp về nội dung; một số sự kiện, số liệu thiếu nhất quán giữa các lớp trong cùng một môn học và giữa một số môn học. Kiến thức ở một số SGK tái bản nhưng vẫn chưa cập nhật với thực tế đã thay đổi. Một số nội dung, bài tập có độ khó, phức tạp cao hơn so với yêu cầu của chương trình…

Bộ GD&ĐT phải “vượt lên chính mình”

Từ những bất cập trên, đoàn giám sát đề nghị đổi mới CT, SGK theo mục tiêu giáo dục toàn diện, phát triển phẩm chất và năng lực người học; vừa bảo đảm tính thống nhất trên phạm vi toàn quốc, vừa phù hợp với đặc thù của địa phương và đối tượng người học. “CT, SGK phải bảo đảm cân đối “dạy chữ” với “dạy người” và định hướng nghề nghiệp; tăng cường tính thực tiễn, kỹ năng thực hành, tư duy sáng tạo và năng lực tự học; giảm số môn học bắt buộc, tăng số môn học, chủ đề và hoạt động giáo dục tự chọn phù hợp với năng lực, sở trường và định hướng nghề nghiệp của học sinh. Chú trọng tổ chức các hoạt động giáo dục trong và ngoài nhà trường nhằm nâng cao chất lượng giáo dục đạo đức, lịch sử, văn hóa dân tộc và rèn luyện kỹ năng sống của học sinh” - ông Đào Trọng Thi kiến nghị.

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Phùng Quốc Hiển góp ý thêm: “Tôi thấy SGK phổ thông của chúng ta hiện nay thiếu hơi thở thời đại, thiếu cả tính thực tiễn. Thậm chí, sách có kiến thức mang tính bác học nhưng kiến thức phổ thông lại thiếu. Rồi có những kiến thức phổ thông đã học đi học lại rồi nhưng đến cấp ĐH vẫn phải học lại nữa”. Ông Hiển cho rằng để đổi mới chương trình, nâng cao chất lượng SGK, đòi hỏi Bộ GD&ĐT phải vượt qua lợi ích của ngành để phục vụ cho lợi ích cộng đồng. “Muốn cải cách thì Bộ phải chiến thắng được chính bản thân mình” - ông Hiển nhấn mạnh.

Học sinh vẫn còn rụt rè

Chưa hài lòng với chất lượng của bản báo cáo giám sát, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Phan Xuân Dũng đề nghị đoàn giám sát phải thể hiện rõ “quan điểm” trong ba nội dung là: Chất lượng giáo dục tốt hay xấu; SGK hiện đại hay lạc hậu; chương trình nặng hay nhẹ. Chủ tịch Hội đồng dân tộc Kso Phước đề nghị báo cáo giám sát phải bổ sung và trả lời cho được câu hỏi: “Vì sao học sinh của chúng ta học xong phổ thông rồi mà vẫn hết sức rụt rè trong một xã hội rộng lớn?”.

THÀNH VĂN

Nguồn PLO: http://phapluattp.vn/20130816053113245p0c1019/sgk-thua-bac-hoc-thieu-pho-thong.htm