Shape of Water – Câu chuyện cổ tích cho người lớn

Tác giả của câu chuyện cổ tích này là một ông già mê mẩn 'quái vật'. Đạo diễn người Mexico Guillermo del Toro đã lấy cảm hứng từ phim kinh dị kinh điển thời Chiến tranh lạnh 'Sinh vật đến từ đầm phá đen' (Creature From the Black Lagoon)– bộ phim về con thủy quái có dáng dấp loài người, nhưng nhiều điểm giống cá, được phát hiện ở vùng rừng nhiệt đới Amazon.

Trong “bản cập nhật” The Shape of Water, sinh vật này được đưa đến Baltimore vào đầu những năm 1960, bị giam giữ trong một bể nước tại một cơ sở nghiên cứu của chính phủ Mỹ, bị loài người tra tấn dã man dưới danh nghĩa của nghiên cứu khoa học và an ninh quốc gia.

Sinh vật này được những người chăm sóc gọi là “the asset” (tài sản), chứng minh sự vô hại của anh ta với loài người. Hoặc chính xác hơn, anh ta vô tội nếu được giống loài ăn thịt tàn nhẫn như loài người chúng ta, nhìn nhận với lòng từ bi.

Chuyện cổ tích cho...người lớn

Kẻ thù chính của sinh vật này là Richard Strickland, một viên sĩ quan với quai hàm bạnh và sự tàn bạo toát lên từ tướng tá do Michael Shannon vào vai. Strickland sống ở vùng ngoại ô Baltimore với vợ và hai con, lái một chiếc Cadillac màu xanh mòng kết – không phải xanh lá mà nhất định là xanh mòng kết (vì chiếc này được quảng cáo là dành cho người thành đạt và muốn “hướng tới tương lai”), đọc cuốn “Sức mạnh của tư duy tích cực” (The Power of Positive Thinking) và có xu hướng quấy rối tình dục nơi công sở.

Vậy là khá hợp lý cho một nhân vật phản diện. Strickland đóng vai trò then chốt cho những kịch tính trong phi, là chất xúc tác cần thiết cho sự trỗi dậy của một liên minh toàn những “kẻ thất bại” trong xã hội đứng về phía sinh vật bị gọi là “tài sản” kia. Liên minh nhưng về bản chất không có người cầm đầu, kế hoạch thì quá nhiều lỗ hổng, ban đầu chỉ có 2 thành viên chính thức là một ông họa sĩ đồng tính gần như mếu máo run rẩy nói “tôi không hề giỏi việc này” và một cô lao công bị câm.

Vâng, cô lao công câm chính là nhân vật nữ chính của chúng ta. Elisa (do Sally Hawkins vào vai), một thành viên của đội dọn dẹp ở phòng thí nghiệm. Cô là người mang đĩa thu nhạc jazz đến và mở cho anh người cá nghe, cũng là người cho anh ăn trứng luộc chín kỹ, nhảy nhót với cây chổi lau và, yêu anh sâu đậm. Cô trở thành người vạch kế hoạch cứu thoát anh khỏi phòng thí nghiệm canh phòng cẩn mật, thuyết phục ông hàng xóm già rằng nếu không làm vậy, “chúng ta cũng chẳng phải là người.”

Có nhiều căn cứ để nói The Shape of Water là câu chuyện cổ tích cho người lớn. Một cô lao công câm, và một “anh” người cá – chìm đắm vào tình yêu lãng mạn theo kiểu “yêu từ cái nhìn đầu tiên”. Tất nhiên vì là cổ tích nên nhân vật chính cũng phải đặc biệt hơn chút: cô gái câm phải có một trái tim trong sáng, và anh người cá có khả năng là một vị thần, như vậy mới tạo ra được “phép màu” ở cuối phim.

Nhưng bình tĩnh, phép màu của anh ấy không phải kiểu trút bỏ tấm da quái vật để trở thành hoàng tử bạch mã đâu. Để cho hấp dẫn thì bạn tự xem đến cuối phim để biết anh ấy có khả năng gì nhé. Chỉ biết là ông đạo diễn 54 tuổi không bỏ ngang dự án hậu truyện về những con siêu robot đánh nhau với quái vật (Pacific Rim: Uprising) để tạo ra cốt truyện tầm thường đâu.

Thay vào đó, del Toro mang tới một sinh vật mà nếu nhìn miết thì phần đông chúng ta sẽ phải gật đầu thừa nhận là “đẹp”, dù vẫn lạ. Tạo hình của anh thủy quái trông rất thật, với vóc dáng tương tự con người, tứ chi cũng thế, bụng phập phồng theo kiểu hô hấp của loài cá, bộ phận trông như tai nhô ra hai bên đầu, có vẻ giống vây cá xếp lớp, chuyển động nhịp nhàng theo cảm xúc.

Khi xúc động thì người anh ấy còn phát sáng nữa, nhìn giống như có dòng điện tách tách chạy qua vậy. Qua lớp kính, thứ Elisa nhìn thấy không phải là một con quái vật màu xanh sẫm với vây, vảy và mắt có màng chớp chớp, mà là một linh hồn gần gũi, người chia sẻ không chỉ sự im lặng, những vết thương vì bạo hành khi còn nhỏ của cô, mà còn cả tình yêu sôi nổi của một cô gái loài người.

Tình yêu vượt qua cả khác biệt chủng loài được del Toro diễn tả rất lãng mạn, không hề “kỳ quặc” mà còn rất tự nhiên. Elisa và chàng thủy quái giao tiếp bằng cử chỉ và âm nhạc, họ ở bên nhau một cách đồng điệu cả về tinh thần và thể xác, như thể đó là điều hết sức đúng đắn.

Những bản nhạc jazz chậm rãi, da diết và gam màu xanh thiên thanh xuyên suốt tác phẩm gợi ấn tượng về một câu chuyện xưa cũ, phủ đầy rêu phong theo kiểu cổ tích “ngày xửa ngày xưa”.

Chuyện một thế giới có nhiều hơn 2 kẻ cô đơn

Elisa – cô gái câm, thấy mình “không phải con người trọn vẹn” do sự “khiếm khuyết” về giọng nói, bị bỏ rơi ngay từ khi sinh ra, bị bạo hành. Elisa cô đơn ngay trong cách cô bắt đầu một ngày mới. Và anh người cá cũng “chưa từng có ai khác ngoài bản thân, trong cả cuộc đời” anh ở rừng nhiệt đới Amazon, dù được những người thổ dân ở đó tôn thờ.

Nhưng cô đơn dường như là một điều kiện phổ biến ở hầu hết các nhân vật trong phim. Zelda, người nữ đồng nghiệp tán gẫu không ngừng nghỉ với Elisa, người phiên dịch và cũng là người bảo hộ của Elisa, cô đơn vì người chồng dửng dưng (và hèn nhát). Hay Giles - ông họa sĩ đồng tính, hàng xóm của Elisa, người không thể được lối ra cho các tác phẩm của mình cũng như những cảm xúc bị xã hội ruồng bỏ.

Một tiến sĩ khoa học (Dirmitri) được Xô Viết gài vào cơ sở nghiên cứu của Mỹ, cô đơn với khát khao làm khoa học thuần túy của mình trong bối cảnh Chiến tranh lạnh, phải giằng xé giữa việc thực thi nhiệm vụ với mong muốn thả tự do cho một “tạo vật xinh đẹp”.

Tất nhiên, không ai bị cô lập một cách tuyệt vọng hơn sinh vật không tên của chúng ta, bị lôi từ Nam Mỹ đến nhốt trong một cái bể tăm tối chật hẹp với một đám nhà khoa học tin rằng việc nghiên cứu anh ta sẽ tạo ra đột phá giúp Mỹ dẫn trước trong cuộc chạy đua công nghệ vũ trụ với Xô Viết lúc bấy giờ. (Lý do là vì anh người cá có thể chuyển đổi giữa hai phương thức hô hấp: dưới nước (giống cá) và trên cạn (giống người), được tin là có ích cho việc nghiên cứu tìm ra phương pháp giúp các nhà du hành thích ứng được trong những điều kiện “khác thường”).

À, nhưng họ chỉ cô đơn thôi, họ không cô độc. Họ làm bạn với nhau chân thành, chấp nhận mạo hiểm tính mạng vì nhau, vì cuộc đời họ chỉ có nhau. Như đã nói phía trên, họ hình thành một liên minh của những kẻ bị ruồng bỏ, nhưng sức mạnh của họ làm phe ác không thể ngờ được.

Viên sĩ quan phản diện đầy kiêu ngạo Strickland cứ mải miết đi tìm tung tích một biệt đội đột kích vào cơ sở nghiên cứu, những kẻ được huấn luyện bài bản và có ít nhất 10 tên đã “nội ứng ngoại hợp” đưa sinh vật kia đi.

Khán giả trên khắp thế giới đang tiếp tục có những lời khen dành cho The Shape of Water. Phim hiện đạt 92 điểm tích cực trên trang đánh giá Rotten Tomatoes với một chứng nhận “Tươi” roi rói. Một kịch bản nhẹ nhàng lãng mạn, có kịch tính, có hài hước như gia vị điểm xuyết và bản nhạc chủ đề “Dáng hình của nước” vừa thắng giải Quả Cầu Vàng hạng mục Nhạc phim hay nhất. Đây cũng là tác phẩm thuộc top đầu cạnh tranh tại Oscar năm nay.

Cuối cùng, xin giới thiệu một cách hiểu cá nhân về tên bộ phim - “The Shape of Water”. “Shape of Water” viết hoa theo lối tên riêng đã là “Dáng hình của Nước” rồi. Nước thì như có như không, nhưng dáng hình này là xác định nhé, vì có thêm “the” ở trước đó. Để hiểu thêm về ẩn ý trong tên phim thì có thể để ý chút tới bài thơ xuất hiện lúc phim khép lại. Bài thơ bắt đầu với mấy câu thế này:

“Không thể nhận biết hình dáng của Anh,

Em tìm thấy Anh xung quanh mình.

Sự hiện diện của Anh lắp đầy đôi mắt của Em với tình yêu,

Nó làm trái tim Em hạnh phúc,

Vì Anh ở khắp mọi nơi.”

Thanh Xuân (tổng hợp)

Nguồn Pháp Luật VN: http://baophapluat.vn/du-lich/shape-of-water-cau-chuyen-co-tich-cho-nguoi-lon-381267.html