Showbiz Trung Quốc không còn nghệ sĩ toàn năng?

Ngành công nghiệp phim ảnh Trung Quốc đang được thống lĩnh bởi các ngôi sao thần tượng. Tuy nhiên, phần lớn họ đều bị khán giả la ó về khả năng diễn xuất.

Những ngày vừa qua, mạng xã hội Weibo vẫn chưa thôi bàn tán về diễn xuất "thảm họa" của diễn viên trẻ Trần Hựu Duy trong show truyền hình ăn khách Diễn viên mời vào chỗ.

Hóa thân thành thái tử Dạ Hoa trong bộ phim Tam sinh tam thế, thập lý đào hoa, màn biểu diễn "thảm họa" của Trần Hựu Duy khiến dàn giám khảo thực lực gồm đạo diễn Trần Khải Ca, nhà sản xuất kiêm đạo diễn Nhĩ Đông Thăng, nữ diễn viên Triệu Vy và nhà văn Quách Kính Minh phải lắc đầu ngán ngẩm.

 Trần Hựu Duy nhận về vô số chỉ trích vì diễn xuất thảm họa trên sóng truyền hình.

Trần Hựu Duy nhận về vô số chỉ trích vì diễn xuất thảm họa trên sóng truyền hình.

Trước khi tiếp xúc với phim ảnh, Trần Hựu Duy vốn ra mắt với vai trò ca sĩ, hoạt động trong nhóm nhạc UNINE.

Cũng theo Sina, những năm gần đây, ngành công nghiệp phim ảnh Trung Quốc được "bao sân" bởi các ngôi sao thần tượng - những nam nữ nghệ sĩ hội tụ đủ 3 yếu tố "trẻ, đẹp, đông fan".

"Chạy theo xu hướng thì không đúng, bởi showbiz xứ Trung đâu thiếu những tên tuổi đình đám của làng nhạc lấn sân sang diễn xuất. Nói chính xác, họ đang cố hiện thực hóa ước mơ trở thành một nghệ sĩ toàn năng. Tuy nhiên, thành công hay không, những trường hợp giống Trần Hựu Duy đã cho ta đáp án", trang báo nhận định.

Lấn sân diễn xuất để kéo dài "tuổi thọ"

Theo thống kê của Tân Hoa Xã, hơn 1/3 số diễn viên Hoa Ngữ hiện nay xuất thân từ ca sĩ thần tượng, và con số này chưa có dấu hiệu dừng lại. Có thể kể đến những cái tên như Lộc Hàm, Ngô Diệc Phàm, Tiêu Chiến, Tống Thiến, Mạnh Mỹ Kỳ, Cúc Tịnh Y, Dương Siêu Việt, Phạm Thừa Thừa, Trần Hựu Duy…

Tuy nhiên, hiếm có cái tên nào khi lấn sân sang bộ môn nghệ thuật thứ bảy không bị khán giả la ó về khả năng diễn xuất.

Trong "bom tấn xịt" Pháo đài Thượng Hải, diễn xuất của Lộc Hàm bị giới chuyên môn đánh giá là một trong những yếu tố dẫn đến thất bại thảm hại của bộ phim. "Khả năng ở mức trung bình", "yểu điệu thái quá", "diễn thoại vô hồn" là những cụm từ báo chí dùng để miêu tả diễn xuất của Lộc Hàm thời điểm đó.

Lấn sân sang lĩnh vực điện ảnh, kỹ năng diễn xuất của hai idol nổi tiếng Lộc Hàm và Ngô Diệc Phàm không được đánh giá cao.

Không chỉ Lộc Hàm, Ngô Diệc Phàm cũng là cái tên bị gán mác "không biết diễn". Tham gia cả chục phim lớn nhỏ, nam ca sĩ không ít lần được giao vai chính. Tuy nhiên, thay vì gánh phim, anh lại là gánh nặng của cả tác phẩm vì diễn xuất đơ như tượng. Đảm nhận vai chính Đường Tam Tạng trong Tây du phục yêu thiên của Châu Tinh Trì, Ngô Diệc Phàm bị chê là "Đường Tam Tạng dở nhất trong lịch sử".

Ở thế hệ đàn em, Dương Siêu Việt vừa ra mắt trên màn ảnh đã cay đắng ngậm biệt danh "bình hoa di động" thế hệ mới vì biểu cảm đơ cứng, mắt chỉ trợn tròn. Với diễn xuất gây tranh cãi trong Thả Thính Phượng Minh, báo chí đánh giá nữ thần tượng sinh năm 1998 đủ tiêu chí trở thành "người kế vị" của đàn chị Angelababy.

Hay mới đây nhất, diễn xuất kém cỏi của sao trẻ Trần Hựu Duy đã biến trường đoạn bi thương huyền thoại trong Tam sinh tam thế, thập lý đào hoa thành "thảm họa". "Cảnh khóc của bạn thật sự rất đáng xấu hổ, giả như đang nhai kẹo cao su", nhà sản xuất kiêm đạo diễn Nhĩ Đông Thăng thẳng thắn phê bình.

Sau khi chương trình phát sóng, thành viên UNINE lên tiếng trên trang cá nhân, thừa nhận không dám nhìn thẳng khi xem lại diễn xuất của bản thân.

Diễn xuất gượng gạo khiến báo chí gọi nữ thần tượng sinh năm 1998 là "người kế vị" của đàn chị Angelababy.

"Tồn tại khoảng cách quá lớn với mác 'diễn viên', thậm chí trở thành tâm điểm mỉa mai, chỉ trích của cộng đồng mạng. Tại sao thần tượng vẫn ồ ạt lấn sân vào lĩnh vực phim ảnh?", một độc giả trên Toutiao đặt câu hỏi.

Theo Nhật báo Bắc Kinh, lý do đầu tiên khiến idol "đua nhau" đi đóng phim là Trung Quốc chưa hình thành thị trường âm nhạc riêng biệt như Hàn Quốc hay Nhật Bản. Do đó, nghệ sĩ khó tồn tại lâu dài nếu chỉ kiếm sống bằng giọng ca hay bước nhảy. Không có trong tay một tác phẩm điện ảnh, truyền hình, những tài năng âm nhạc dễ bị khán giả lãng quên.

"Sự thiếu hoàn thiện của thị trường thần tượng thôi thúc idol cạnh tranh bằng các tác phẩm điện ảnh để đảm bảo 'đầu ra' cho chính mình. Thông qua 'toàn năng hóa' bằng việc đá chéo sân, idol có cơ hội tìm kiếm sự phát triển lâu dài, bền vững hơn, duy trì 'tuổi thọ' trong làng giải trí", Lý Hoài Lượng, Giáo sư Đại học Truyền thông Trung Quốc nhận định.

Tiêu Chiến ẵm giải Nam diễn viên gây thất vọng nhất tại Cây chổi vàng 2020 vì diễn xuất kém trong Tru Tiên.

Bên cạnh đó, thực trạng nền âm nhạc đang đi xuống của Trung Quốc cũng là một trong những nguyên nhân khiến idol lấn sân sang lĩnh vực điện ảnh và truyền hình.

Lấy ví dụ những nhóm nhạc thần tượng như X NINE, Rocket Girls 101 hay NINE PERCENT, các thành viên đều từng tham gia hát nhạc phim cho nhiều dự án điện ảnh, truyền hình nổi tiếng. Calorie của Rocket Girls (OST phim Hello Mr. Billionaire) giúp 11 cô gái giành giải Video ca nhạc hay nhất tại Chinese Music Awards 2018. Tuy nhiên, những đĩa đơn do nhóm phát hành không để lại được dấu ấn tại các lễ trao giải lớn.

Những năm gần đây, nhiều chương trình âm nhạc như Sing! China, I Am a Singer, The Rap of China thu hút sự quan tâm của đông đảo khán giả. Trái ngược với độ nổi tiếng của chương trình, nhiều ca sĩ thành danh nhờ cuộc thi nhanh chóng bị khán giả quên lãng vì không thể liên tục ra mắt các sản phẩm âm nhạc. Chỉ số ít ca sĩ duy trì được độ phủ sóng sau khi cuộc thi kết thúc, như Mao Bất Dịch, Lý Vinh Hạo, Đặng Tử Kỳ.

"Trước thực trạng nhiều ca sĩ chuyên nghiệp không còn chỗ đứng, những idol với vỏn vẹn vài năm thực tập, bỗng chốc nổi tiếng qua một show truyền hình hiển nhiên không chọn âm nhạc làm công cụ hàng đầu để kiếm sống. Bước vào ngành công nghiệp điện ảnh và truyền hình trở thành giải pháp tối ưu giúp idol thực hiện giấc mơ toàn năng hóa", Tân Hoa Xã nhận định.

Tiếc thời của Trương Quốc Vinh, Lưu Đức Hoa

"Hiện, xinh gái, đẹp trai, đông fan dễ dàng trở thành tiêu chí giúp thần tượng có trong tay một kịch bản phim. Sự dễ dãi của nhiều nhà sản xuất vô tình tạo ra một thế hệ diễn viên 'thừa sắc thiếu tài'. Đó là lý do dù có tác phẩm, hiếm có idol được công nhận là nghệ sĩ toàn năng", đạo diễn Trần Ngọc San cho hay.

Ở thập niên 80, 90 của thế kỷ trước, có một câu nói rất phổ biến trong giới giải trí: "Hát hay thì đi diễn, diễn hay thì đi hát". Câu nói xuất phát từ việc nhiều nghệ sĩ khi đã có chỗ đứng nhất định trong làng nhạc, họ bắt đầu đá chéo sân sang diễn xuất, và ngược lại, khi đã đạt được dấu ấn nhất định ở lĩnh vực phim ảnh, họ chuyển hướng sang ca hát.

Đây là lý do mà khi đó, showbiz có không ít tên tuổi được mệnh danh là "nghệ sĩ toàn năng", điển hình có thể kể đến Lưu Đức Hoa, Quách Phú Thành, Trương Quốc Vinh...

Sự nửa vời của dàn idol trẻ khiến họ không thành công trên con đường hiện thực hóa giấc mơ trở thành nghệ sĩ toàn năng.

Thiên vương Quách Phú Thành nổi bật trong nhiều quảng cáo ở cả Hong Kong, Đại lục với tài năng nhảy thiên bẩm từ những năm 1984. Đến năm 1990, album đầu tay mang tên Loving You Forever đưa sự nghiệp âm nhạc của anh đến đỉnh cao. Cũng vào lúc này, Quách Phú Thành bắt đầu chuyển hướng sang điện ảnh. Diễn xuất ấn tượng giúp tài tử 2 lần nhận giải Nam chính xuất sắc năm 2005 và 2006 tại Lễ trao giải Kim Mã.

Hay như Lưu Đức Hoa, sau khi trở thành diễn viên trẻ triển vọng nhất nhì TVB nhờ những vai diễn thành công trong Thần điêu đại hiệp, Anh hùng xạ điêu hay Lộc đỉnh ký, Thiên vương họ Lưu mới bắt đầu sự nghiệp ca hát. Sau 5 năm nỗ lực không ngừng nghỉ, nam tài tử được công nhận là ngôi sao ca nhạc với album nổi tiếng Có thể hay không.

Kể từ đó, khi nhắc về Lưu Đức Hoa hay Quách Phú Thành, khán giả nghĩ ngay đến những huyền thoại toàn năng diễn tốt, hát hay, nhảy đẹp.

"Hiện tại, nhiều thần tượng chỉ mới chân ướt chân ráo vào nghề, đứng trên sân khấu còn chưa vững nhưng đã có ý định đá chéo sang một lĩnh vực hoàn toàn mới. Chưa có thành tựu trong âm nhạc, diễn xuất cũng không khá hơn là bao. Sự nửa vời của nhiều sao trẻ không giúp họ 'toàn năng hóa', mà chỉ khiến định nghĩa về idol trong mắt công chúng trở nên nực cười", Triệu Văn Trúc - Tổng giám đốc Transmit Entertainment nhận định.

"Ảo tưởng sức mạnh" khiến idol lười trau dồi diễn xuất, kém kỹ năng nghệ thuật.

Theo Tân Hoa Xã, dễ dàng thấy ở những năm 1980 - 1990, một thần tượng muốn trở thành thần tượng, trước hết phải có năng lực. Dù nghệ sĩ nổi tiếng đến đâu, mối quan hệ giữa idol và fan cũng chỉ như một đường truyền "kết nối yếu".

Sức mạnh của fan không phải yếu tố giúp idol nổi tiếng hơn hay kiếm về nhiều lợi nhuận hơn. Sự việc Lưu Đức Hoa gần như bị "cô lập" khỏi làng giải trí sau mâu thuẫn với TVB khi đang ở thời kỳ đỉnh cao đã chứng minh điều đó.

Ở thời điểm hiện tại, mối quan hệ giữa fan và idol đã thay đổi hoàn toàn. "Thần tượng là do fan tạo ra, là sản phẩm của văn hóa hâm mộ", Tân Hoa Xã bình luận.

Cơ hội phát triển của thần tượng không còn là chuyện riêng của nghệ sĩ và công ty chủ quản, nó bị chi phối và tác động bởi chính người hâm mộ. Bởi vậy, khi lấn sân sang diễn xuất, hiệu ứng hào quang do chính fan thổi phồng dễ khiến idol sinh ra cảm giác mình vẫn đang làm tốt. "Ảo tưởng sức mạnh" kéo theo việc idol lười trau dồi diễn xuất.

"Nhìn lại làng giải trí của thế kỷ trước, chỉ có những tên tuổi thực lực như Trương Quốc Vinh mới đủ can đảm theo đuổi con đường toàn năng. Giới nghệ sĩ trẻ, làm tốt vai trò thần tượng của bản thân, học cách làm giàu kỹ năng nghệ thuật đi đã, rồi hãy tính đến chuyện 'toàn năng hóa'. Bởi muốn được công nhận là một diễn viên, trước hết phải biết diễn", nhà sản xuất Sở Nguyên nhận định.

Thanh Huyền

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/showbiz-trung-quoc-se-khong-con-nghe-si-toan-nang-post1140103.html