Sĩ quan trẻ 'đối mặt' cơ chế thị trường

Cuộc tọa đàm cán bộ, sĩ quan trẻ toàn quân khu vực miền Trung, Tây Nguyên vừa diễn ra tại Kon Tum ghi nhận nhiều ý kiến xoay quanh những vấn đề nổi cộm đối với đội ngũ CB, sĩ quan trẻ hiện nay.

Tạo môi trường sống và công tác thuận lợi để cán bộ, sĩ quan trẻ yên tâm cống hiến là một trong những mục tiêu mà tọa đàm hướng tới. Ảnh: NGUYỄN MINH.

Tạo môi trường sống và công tác thuận lợi để cán bộ, sĩ quan trẻ yên tâm cống hiến là một trong những mục tiêu mà tọa đàm hướng tới. Ảnh: NGUYỄN MINH.

Giáo dục khéo, kỷ luật nghiêm

Bàn về trách nhiệm của cán bộ, sĩ quan trẻ trong giải quyết những vấn đề về kỷ luật, bảo đảm an toàn tại đơn vị hiện nay, đại úy Phạm Ðình Tuân (Chính trị viên Tiểu đoàn 5, Trung đoàn 24, Sư đoàn 10, Quân đoàn 3) cho biết, sư đoàn đóng quân trên địa bàn chiến lược Tây Nguyên, một nửa đội hình là ở thành phố nên các tiêu cực xã hội tác động trực tiếp đến cán bộ, chiến sỹ. Bên cạnh đó, đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ phân đội, sĩ quan trẻ còn thiếu so với biên chế; hoàn cảnh gia đình và đời sống của cán bộ, chiến sỹ đa phần còn khó khăn...

Dẫn lời dạy của Bác Hồ: “Quân đội mạnh là nhờ giáo dục khéo, nhờ chính sách đúng và nhờ kỷ luật nghiêm”, đại úy Tuân cho rằng phải tăng cường bồi dưỡng kỹ năng sống và giao tiếp cho cán bộ, chiến sỹ, nhất là ÐVTN và quan tâm hơn nữa đến đời sống văn hóa tinh thần của cán bộ, chiến sỹ ở các đơn vị chủ lực. Ðồng thời đề nghị các học viện, nhà trường quân đội cần tăng cường thêm các kiến thức về kỹ năng sống, kỹ năng hoạt động xã hội cho các học viên, làm cơ sở để quản lý, giáo dục và rèn luyện bộ đội ở đơn vị cơ sở sau này.

“Ở đơn vị chủ lực, cường độ hoạt động lớn, lại thường đóng quân ở các địa bàn chiến lược, khó khăn về nhiều mặt, nếu không giải quyết tốt vấn đề tư tưởng, trong đó có việc bảo đảm đời sống văn hóa tinh thần sẽ nảy sinh các vấn đề khác, dẫn đến vi phạm kỷ luật và mất an toàn”, đại úy Tuân nói.

Lương thấp hơn hệ số cấp bậc quân hàm

Chia sẻ về khó khăn của cán bộ, sĩ quan trẻ ở một đơn vị quốc phòng kinh tế, thiếu tá Lê Trọng Nam, Trưởng ban Quân sự Công ty 72, Binh đoàn 15 cho biết: Những năm gần đây, do giá bán sản phẩm mủ cao su, cà phê giảm sâu (dưới giá thành sản xuất), đồng thời đơn vị thực hiện cơ cấu lại doanh nghiệp theo chủ trương của Bộ Quốc phòng nên ảnh hưởng rất lớn đến đời sống, thu nhập của cán bộ, chiến sĩ, công nhân viên chức quốc phòng, người lao động binh đoàn nói chung và đội ngũ cán bộ, sĩ quan trẻ nói riêng.

“Lương của cán bộ, sĩ quan trẻ chúng tôi thấp hơn lương hệ số cấp bậc quân hàm rất nhiều. Cấp thiếu úy, trung úy lương chỉ từ 4,5 đến 5,5 triệu đồng/tháng, trong khi chúng tôi công tác tại khu vực 0,7, giá cả hàng hóa đắt đỏ. Nếu so sánh với các đơn vị chủ lực, các đồn biên phòng đứng chân trên địa bàn thì lương của cán bộ, sĩ quan trẻ Binh đoàn 15 thấp hơn nhiều”, thiếu tá Nam cho biết.

Nói về một số hạn chế, yếu kém nổi bật của cán bộ, SQT tại đơn vị hiện nay, đại tá Võ Văn Hưng (Phó Chủ nhiệm Chính trị Quân khu 5) thẳng thắn cho biết: Bên cạnh những ưu điểm nổi bật, mặt trái của cơ chế kinh tế thị trường làm cho một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên (trong đó có cán bộ, sĩ quan trẻ) đang dần bị thoái hóa về tư tưởng, chính trị, đạo đức và lối sống làm ảnh hưởng hình ảnh “Bộ đội Cụ Hồ”, xói mòn lòng tin của nhân dân.

Theo đại tá Hưng, một số cán bộ có tuổi quân, tuổi đời còn trẻ nhưng chưa chịu khó tự học tập, rèn luyện, gặp khó khăn là chùn bước, thích đua đòi dẫn đến vi phạm kỷ luật Quân đội, pháp luật Nhà nước. Một bộ phận cán bộ, sĩ quan trẻ có biểu hiện quan liêu, áp đặt, quân phiệt, thiếu dân chủ; nắm, quản lý tình hình tư tưởng và mối quan hệ xã hội của quân nhân trong đơn vị không chặt chẽ. Gần đây xảy ra một số trường hợp cán bộ, sĩ quan trẻ tham gia cờ bạc, cá độ và các tệ nạn xã hội khác, dẫn đến nợ nần không có khả năng chi trả…

Ðể khắc phục tình trạng trên, một trong những giải pháp được đại tá Hưng nêu ra là thường xuyên gần gũi, lắng nghe, chia sẻ, kịp thời tháo gỡ khó khăn trong công tác và cuộc sống, nhất là các quân nhân có hoàn cảnh cá biệt; giải quyết tốt chính sách cán bộ, chính sách hậu phương Quân đội; xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, tạo môi trường sống và công tác thuận lợi để cán bộ, sĩ quan trẻ yên tâm công tác.

“100% cán bộ, sỹ quan trẻ sinh ra trong thời bình, đa số chưa trải qua thử thách, rèn luyện, vốn sống và kinh nghiệm thực tiễn trong lãnh đạo, chỉ huy, quản lý chưa nhiều, nhất là trong nắm, dự báo, giải quyết tư tưởng của bộ đội”.

Thượng tá ÐINH QUỐC HÙNG, Trưởng ban Thanh niên Quân đội

Nguyễn Minh

Nguồn Tiền Phong: https://www.tienphong.vn/hanh-trang-nguoi-linh/si-quan-tre-doi-mat-co-che-thi-truong-1305219.tpo