Sĩ tử TP.HCM vào chùa cầu may trước kỳ thi THPT Quốc gia 2018

Chỉ còn 1 ngày làm thủ tục dự thi, các em học sinh '2K' sẽ bước vào kỳ thi THPT Quốc gia 2018. Nhiều sĩ tử trên địa bàn TP.HCM vô cùng lo lắng nên đã đến chùa cầu may mắn.

Ngày mai (24/6), các sĩ tử sẽ bắt đầu làm thủ tục để bước vào kỳ thi THPT Quốc gia 2018. Tại TP.HCM, nhiều thí sinh không khỏi bồn chồn, lo lắng trước kỳ thi đánh dấu bước ngoặt lớn trong đời học sinh.

Chiều 23/6, để giải tỏa những căng thẳng, lo lắng và cầu may mắn trong kỳ thi, nhiều sĩ tử trên địa bàn TP.HCM đã tìm đến một số ngôi chùa lớn trên địa bàn TP như: Chùa Phước Hải (quận 1), chùa Vĩnh Nghiêm (quận Phú Nhuận),… để cầu may.

Nhiều sĩ tử đến chùa Phước Hải cầu may.

Trao đổi với PV, em Nguyễn Thị Trâm Anh (ngụ quận 10, TP.HCM) cho biết: “Ngày mai, em sẽ bước vào kỳ thi THPT Quốc gia. Em rất lo lắng. Đến thời điểm này, em cũng đã ôn bài khá kỹ nhưng tâm trạng vẫn rất bồn chồn. Còn một ngày nước rút cuối cùng, em không thể tập trung vào việc học bài nữa. Vì vậy, em cùng các bạn đến chùa Phước Hải để giải tỏa căng thẳng cũng như cầu bình an, may mắn trong kỳ thi”.

Không chỉ cầu bình an, may mắn, nhiều sĩ tử còn đến xin thầy trong chùa “lá bùa” nhằm giúp trấn an tinh thần và có được kết quả tốt trong kỳ thi THPT Quốc gia này.

Em Nguyễn Dương Bảo An (ngụ quận Gò Vấp) chia sẻ: “Thực sự, em được các bạn rủ vào chùa để giải tỏa căng thẳng. Em cũng không tin lắm vào việc xin lá bùa may mắn trong kỳ thi. Nhưng thấy nhiều bạn xin và "có thờ có thiêng" nên em cũng xin theo. Hy vọng, chúng em sẽ có một kỳ thi tốt đẹp”.

Tuy nhiên, các em nên ôn tập bài kỹ càng, không nên phụ thuộc vào thần linh.

Liên quan đến vấn đề có nhiều sĩ tử đến chùa cầu may trong kỳ thi, Th.S Nguyễn Thị Lan, chuyên gia tư vấn tâm lý học đường TP.HCM cho biết: “Chuyện sĩ tử đến chùa cầu may trước kỳ thi xưa, nay không hề hiếm. Từ thời phong kiến, tại nhiều ngôi chùa, đền đã được người dân truyền tụng nhiều giai thoại về việc có sĩ tử vào chùa cầu may và đã được linh ứng. Đến ngày nay, nhiều người dân vẫn tin vào điều đó. Vì vậy mới có chuyện phụ huynh dẫn con vào chùa, đền xin phước may mắn, bùa thi đỗ”.

“Đa phần, các sĩ tử thường tập trung đến các ngôi đền thờ quan trạng, thờ tiến sĩ ngày xưa để xin, cầu may. Các em hy vọng những quan trạng, tiến sĩ này sẽ phù hộ cho các em gặp nhiều may mắn trong kỳ thi. Xét góc độ tâm lý, việc làm này sẽ giúp các em trấn an tinh thần và bước vào kỳ thi một cách tự tin hơn”, chuyên gia tâm lý giải thích.

Lịch thi THPT Quốc gia 2018.

Tuy nhiên, Th.S Nguyễn Thị Lan cũng nhấn mạnh rằng: “Các sĩ tử và phụ huynh không nên lạm dụng, tin tưởng quá vào việc này, tránh bị biến tướng thành mê tín dị đoan. Các bậc phụ huynh và thầy cô giáo cần phải định hướng giúp các em biết được rằng, chỉ có đầy đủ kiến thức, học tập tử tế mới có thể chắc chắn cho tương lai của mình, không nên phụ thuộc vào thần linh để mong thi đỗ hay cầu điểm số, đạt điểm cao…”.

Nguồn Người Đưa Tin: http://nguoiduatin.vn/ky-thi-thpt-quoc-gia-2018-si-tu-tphcm-vao-chua-cau-may-a375028.html