Siết chặt chất lượng hàng hóa lưu thông trên thị trường

Việc chuyển đổi phương thức quản lý sản phẩm hàng hóa từ tiền kiểm sang hậu kiểm đặt ra 'bài toán' phải siết chặt quản lý chất lượng sản phẩm hàng hóa lưu thông trên thị trường.

Đẩy mạnh việc chuyển đổi phương thức quản lý sản phẩm hàng hóa từ tiền kiểm sang hậu kiểm là một trong những chỉ đạo của Chính phủ nhằm đơn giản hóa thủ tục, hướng tới cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Trong bối cảnh đó, vai trò của công tác giám sát, kiểm tra sản phẩm hàng hóa lưu thông trên thị trường rất quan trọng.

Đoàn kiểm tra liên ngành Hà Nội làm xét nghiệm nhanh mẫu thực phẩm ở quán ăn ngoài cổng Đình Bia Bà. Ảnh: Tuyết Mai - TTXVN

Chuyển đổi phương thức quản lý

Tổng Cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng Trần Văn Vinh cho biết: Thực hiện Nghị quyết số 19-2107/NQ-CP của Chính phủ, Tổng cục đã chủ trì xây dựng trình Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành thông tư 07/2017/TT-BKHCN ngày 16/6/2017 sửa đổi bổ sung Thông tư số 27/2012/TT-BKHCN nhằm làm rõ cách thức công bố hợp quy dựa trên biện pháp tiền kiểm, đặc biệt là biện pháp hậu kiểm để tạo khung pháp lý chung cho các Bộ quản lý ngành, lĩnh vực có những biện pháp quản lý cụ thể đối với từng nhóm sản phầm, hàng hóa. Đặc biệt làm rõ phương thức hậu kiểm, thay đổi phương thức quản lý từ tiền kiểm sang hậu kiểm của các Bộ quản lý ngành, lĩnh vực.

Trước đây, 100% hàng hóa được kiểm tra trước khi thông quan nhưng từ khi Thông tư số 07/2017/TT-BKHCN có hiệu lực thi hành, hàng hóa phải kiểm tra trước thông quan đã được cắt giảm. Cụ thể, Bộ Khoa học và Công nghệ đã giảm 91% sản phẩm hàng hóa phải kiểm tra, tương đương 22/24 nhóm sản phẩm do Bộ quản lý được chuyển sang cơ chế hậu kiểm.

Việc chuyển đổi phương thức quản lý sản phẩm hàng hóa từ tiền kiểm sang hậu kiểm đã tạo ra những điều kiện thuận lợi nhưng cũng đặt ra "bài toán" phải siết chặt quản lý chất lượng sản phẩm hàng hóa lưu thông trên thị trường.

Do đó năm 2017, Tổng cục đã tăng cường hoạt động kiểm tra chất lượng sản phẩm, hàng hóa lưu thông, nhập khẩu, kiểm tra theo chuyên đề, kiểm tra đột xuất, khảo sát đánh giá chất lượng hàng hóa trên thị trường, đưa ra biện pháp cảnh báo đối với các loại hàng hóa kém chất lượng, hàng giả, hàng nhái trên các phương tiện thông tin đại chúng, thực hiện kịp thời các nhiệm vụ phát sinh đột xuất theo yêu cầu của Lãnh đạo Bộ Khoa học và Công nghệ, Ban Chỉ đạo Quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (Ban Chỉ đạo 389) và Cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương) liên quan đến chất lượng hàng hóa, hàng giả và gian lận thương mại, an toàn vệ sinh thực phẩm.

Bên cạnh đó, Tổng cục chủ trì, phối hợp với Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng và Quản lý thị trường các tỉnh, thành phố: Hà Nội, Hải Phòng, Bắc Ninh, Hưng Yên, Hải Dương, Quảng Ninh, Đà Nẵng, Bình Định, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Thừa Thiên Huế, Khánh Hòa, Thành phố Hồ Chí Minh, Kiên Giang, An Giang, Bình Dương, Đồng Nai... kiểm tra và khảo sát chất lượng tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu các mặt hàng xăng, dầu; điện - điện tử; đồ chơi trẻ em; mũ bảo hiểm, vàng trang sức…

Theo đó, kiểm tra và khảo sát tại 601 cơ sở với tổng số mẫu kiểm tra và khảo sát là 2.677 mẫu. Tổng cục đã xử lý theo thẩm quyền, xử phạt vi phạm hành chính về tiêu chuẩn đo lường chất lượng với 42 cơ sở, 248 mẫu hàng hóa.

Xác định nhóm ngành hàng, sản phẩm mất an toàn

Năm 2018, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng đẩy mạnh khảo sát, giám sát, đánh giá và cảnh báo chất lượng sản phẩm, hàng hóa. Trong đó, Tổng cục tập trung hoàn thành báo cáo nghiên cứu, đánh giá, phân tích thực trạng chất lượng sản phẩm hàng hóa từ hệ thống truyền thông và dư luận xã hội; xác định danh mục 6 nhóm ngành hàng và 10 sản phẩm có nguy cơ cao gây mất an toàn đang lưu thông trên thị trường để cảnh báo và đề xuất biện pháp quản lý.

Lập danh sách các sản phẩm hàng hóa có nguy cơ gây mất an toàn đang lưu thông trên thị trường như sản phẩm xe tập đi, bếp ga cố định và bếp gas di động, thiết bị lọc nước, phao bơi và dụng cụ hỗ trợ nổi cho trẻ em dưới nước, ổ cắm điện, khăn ướt, đũa dùng một lần, đồ nhựa dùng một lần, giấy tiếp xúc thực phẩm một lần, sơn móng tay, sữa đậu nành, tương cà chua, sữa ngô, nước uống đóng chai.

Thông qua các kết quả thử nghiệm, kiểm định và phân tích mẫu, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng kịp thời đưa ra cảnh báo, giúp người tiêu dùng có đầy đủ thông tin, lựa chọn sản phẩm phù hợp, chính xác và qua đó phản ánh tới doanh nghiệp tình hình chất lượng sản phẩm.

Bên cạnh đó, Tổng cục tiếp tục đẩy mạnh hoạt động mã số mã vạch, truy xuất nguồn gốc hàng hóa, khai thác cơ sở dữ liệu quốc gia về mã số mã vạch phục vụ quản lý nhà nước và hỗ trợ doanh nghiệp phát triển hoạt động sản xuất kinh doanh.

Ông Trần Quốc Tuấn, Cục trưởng Cục Quản lý Chất lượng Sản phẩm hàng hóa cho biết: Thời gian qua, Cục đã nỗ lực phối hợp với các cơ quan liên quan xây dựng các văn bản quy phạm pháp quy, tạo thuận lợi, tháo gỡ vướng mắc cho doanh nghiệp và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng khi sử dụng hàng hóa, sản phẩm trên thị trường.

Ngoài ra, Cục chủ trì thực hiện cơ chế một cửa, tạo điều kiện hỗ trợ doanh nghiệp trong thông quan sản phẩm hàng hóa, giảm thiểu thời gian và chi phí cho doanh nghiệp.

Năm 2018, Cục tiếp tục triển khai các giải pháp để đẩy mạnh hoạt động thanh kiểm tra, giám sát chất lượng hàng hóa... nhằm đảm bảo chất lượng sản phẩm hàng hóa lưu thông trên thị trường, đồng thời bảo vệ doanh nghiệp và người tiêu dùng./.

Hoàng Nam/TTXVN

Nguồn Bnews: http://bnews.vn/siet-chat-chat-luong-hang-hoa-luu-thong-tren-thi-truong/80228.html