Siết chặt hoạt động kinh doanh hàng hóa có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu

Sản xuất, kinh doanh hàng giả và xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ hiện đang là hành vi vi phạm pháp luật nghiêm trọng, gây thiệt hại lớn đến quyền lợi người tiêu dùng cũng như các doanh nghiệp hoạt động chân chính. Thời gian vừa qua, các lực lượng chức năng trên địa bàn tỉnh đã triển khai nhiều biện pháp, xây dựng nhiều kế hoạch kiểm tra, kiểm soát chống các hành vi vi phạm trong lĩnh vực này.

Đội Quản lý thị trường số 3 phối hợp với lực lượng chức năng tiêu hủy hàng giả.

Ngày 6/5 vừa qua, Đội Quản lý thị trường số 4 đã phối hợp với Công an thị xã Nghi Sơn kiểm tra việc chấp hành pháp luật trong kinh doanh hàng hóa đối với hộ kinh doanh Lê Hoàng Sơn tại địa chỉ Tiểu khu 3, phường Hải Hòa (thị xã Nghi Sơn). Công tác kiểm tra đã phát hiện hộ này kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ và trưng bày để bán hàng hóa giả mạo nhãn hiệu là quần áo, đồ gia dụng. Cùng với ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính số tiền 55.000.000 đồng về hành vi: Kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ và trưng bày để bán hàng hóa giả mạo nhãn hiệu, lực lượng chức năng đã tiến hành tiêu hủy 1.200 sản phẩm, trị giá gần 300 triệu đồng đối với các mặt hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ.

Cũng trong đầu tháng 5/2024, Đội Quản lý thị trường số 1, phụ trách quản lý địa bàn TP Thanh Hóa đã liên tiếp kiểm tra 4 cơ sở kinh doanh và phát hiện các đơn vị này kinh doanh các loại hàng hóa xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ đối với nhãn hiệu đang được bảo hộ của Công ty Honda và Công ty YAMAHA. Lực lượng chức năng đã tạm giữ gần 1.000 sản phẩm và đang tiến hành xác minh làm rõ theo quy định của pháp luật.

Ngày 9/5, Đội Quản lý thị trường số 3 phối hợp với Công ty Luật TNHH Phạm và Liên danh kiểm tra đối với hộ kinh doanh Lê Đình Hoàng, địa chỉ tại xã Hoằng Đạo (Hoằng Hóa). Đơn vị đã tạm giữ 93 sản phẩm hàng hóa có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu HONDA, YAMAHA gồm: Mặt nạ Honda; giắc vòi xăng; công tắc Yamaha; bóng đèn pha Yamaha; cốc lọc dầu Yamaha có dấu hiệu là hàng hóa giả mạo nhãn hiệu của các thương hiệu của hãng Honda và Yamaha. Đoàn kiểm tra đã tiến hành tạm giữ toàn bộ số hàng hóa có dấu hiệu vi phạm trên để xác minh, làm rõ và xử lý theo quy định của pháp luật.

Theo đại diện lãnh đạo Cục Quản lý thị trường, trong năm 2023 và những tháng đầu năm 2024, với nghiệp vụ trinh sát và công tác phối hợp của quần chúng Nhân dân, đơn vị đã tiến hành kiểm tra và phát hiện xử phạt nhiều hành vi kinh doanh hàng giả, hàng hóa vi phạm sở hữu trí tuệ. Đặc biệt, số hành vi vi phạm đối với kinh doanh các mặt hàng thiết bị, phụ tùng, vật liệu xây dựng được phát hiện khá nhiều.

Tổng hợp của các lực lượng chức năng trên địa bàn tỉnh, trong năm 2023, có tới 216 vụ vi phạm trong lĩnh vực kinh doanh hàng giả, hàng hóa vi phạm bị xử lý, với số tiền xử phạt hành chính hơn 1,88 tỷ đồng. Hàng hóa vi phạm điển hình gồm 1.871 phụ tùng xe máy; 2.661 hộp hóa mỹ phẩm các loại; 2.127 bộ quần áo các loại; 5.597 đôi giày dép các loại; 170 cái tem xe máy... 4 tháng đầu năm, các lực lượng chức năng cũng đã phát hiện 72 vụ vi phạm; trong đó có 2 vụ việc nghiêm trọng, số lượng lớn đã chuyển khởi tố hình sự, với số tiền xử phạt 758 triệu đồng.

Theo đại diện Cục Quản lý thị trường tỉnh, việc tăng cường công tác kiểm tra, phát hiện xử lý các vụ việc về hàng giả, xác định công tác chống hàng giả, vi phạm sở hữu trí tuệ, là nhiệm vụ hàng đầu của lực lượng quản lý thị trường. Trước tình hình diễn biến hàng giả, hàng hóa vi phạm sở hữu trí tuệ có dấu hiệu phức tạp, đơn vị đang tiếp tục chỉ đạo các đội quản lý thị trường gắn công tác quản lý địa bàn với việc phân tích, đánh giá và dự báo tình hình, kịp thời phát hiện phương thức, thủ đoạn, tìm ra quy luật hoạt động của các đối tượng sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng không đảm bảo chất lượng để xây dựng phương án kiểm tra chuyên đề, đột xuất. Đơn vị cũng bố trí lực lượng theo dõi, ngăn chặn kịp thời, xử lý nghiêm các đối tượng lợi dụng các chính sách và các quy định của pháp luật như để đưa hàng về nông thôn, lợi dụng chủ trương từ cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” để buôn bán hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, hàng không đảm bảo chất lượng.

Bài và ảnh: Bách Nguyên

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/siet-chat-hoat-dong-kinh-doanh-hang-hoa-co-dau-hieu-gia-mao-nhan-hieu-214727.htm