Siết chặt kỷ cương ngân sách

Hôm nay, Quốc hội dành một phần thời gian để thảo luận về báo cáo quyết toán ngân sách nhà nước năm 2021. Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính, Ngân sách cho thấy những hạn chế trong việc lập, chấp hành dự toán và quyết toán ngân sách vẫn chưa được khắc phục. Vì thế, các đại biểu cần ưu tiên cao cho nội dung này với tinh thần 'không coi đây là việc đã rồi' như Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ từng đề nghị để siết chặt kỷ cương ngân sách.

Hạn chế kéo dài nhiều năm

Trong Báo cáo thẩm tra quyết toán ngân sách nhà nước năm 2021, Ủy ban Tài chính, Ngân sách đánh giá: “Kỷ luật, kỷ cương trong lập, chấp hành dự toán, quyết toán ngân sách năm 2021 chưa nghiêm, nhiều hạn chế kéo dài nhiều năm, đặc biệt công tác quyết toán ngân sách chậm nhưng chưa được khắc phục, vi phạm hành vi bị cấm trong lĩnh vực ngân sách nhà nước".

Cụ thể, Báo cáo quyết toán ngân sách năm 2021 gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội chậm, không bảo đảm thời gian để Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến. Tình trạng chậm tổng hợp, gửi báo cáo quyết toán ngân sách năm 2021 tồn tại ở nhiều bộ, ngành, địa phương. Theo đó, vẫn còn 17 bộ, ngành, cơ quan Trung ương và 32 địa phương chậm tổng hợp và gửi báo cáo quyết toán năm 2021.

Bên cạnh đó, tình trạng điều chỉnh thông tin, số liệu quyết toán sau thời gian chỉnh lý, tổng hợp quyết toán ngân sách không phù hợp quy định Luật Ngân sách nhà nước chậm được khắc phục. Đặc biệt, thông tin, số liệu quyết toán thu, chi, bội chi ngân sách nhà nước năm 2021 nêu tại Báo cáo quyết toán thay đổi khá lớn so với số liệu Chính phủ báo cáo Quốc hội tại Kỳ họp thứ 3. Trong đó, có các khoản tăng thu ngân sách Trung ương khá lớn chưa báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét phương án sử dụng trong năm 2022.

Đa số ý kiến Ủy ban Tài chính, Ngân sách cho rằng, công tác theo dõi, đánh giá thực hiện, lập, thẩm định, tổng hợp quyết toán chi ngân sách nhà nước năm 2021 còn thiếu chặt chẽ, thông tin, số liệu chưa chính xác, chưa khắc phục được các tồn tại, hạn chế của các năm trước. Ví dụ, số liệu Bộ Tài chính báo cáo Ủy ban Tài chính, Ngân sách ngày 7.4.2023 (sau thời gian 14 tháng kết thúc năm ngân sách) quyết toán chi năm 2021 là 1.695.735 tỷ đồng, giảm 5.979 tỷ đồng so với dự toán nhưng đến Báo cáo số 241/BC-CP trình Quốc hội quyết toán chi ngân sách năm 2021 là 1.708.088 tỷ đồng, tăng 6.375 tỷ đồng so với dự toán.

Những hạn chế này, theo Ủy ban Tài chính, Ngân sách "không chỉ không chấp hành nghiêm quy định của Luật Ngân sách nhà nước, mà còn ảnh hưởng rất lớn trong việc huy động nguồn vốn bù đắp bội chi, trả nợ gốc lãi, dự báo, đánh giá xây dựng dự toán ngân sách năm sau”.

Bên cạnh đó, trong quản lý thu ngân sách, tình trạng hạch toán và kê khai thiếu doanh thu, xác định sai chi phí, từ đó tính thiếu các loại thuế, phí lệ phí, các khoản thu khác… vẫn diễn ra khá phổ biến tại các đơn vị được kiểm toán, đối chiếu. Kiểm toán Nhà nước xác định số phải nộp ngân sách tăng thêm 4.641 tỷ đồng. Đồng thời, việc xử lý, thu hồi các khoản chi ngân sách không đúng quy định, hủy dự toán, hết thời gian giải ngân, tạm ứng theo quy định còn chậm, thậm chí kéo dài nhiều năm nhưng chậm được xử lý.

Không coi quyết toán ngân sách là “việc đã rồi”

Báo cáo quyết toán ngân sách của quốc gia là hệ thống đánh giá quan trọng nhất về “sức khỏe” và “hiệu quả” hoạt động của toàn bộ bộ máy nhà nước trong một năm. Nếu hình dung quốc gia như một doanh nghiệp thu nhỏ thì Quốc hội chính là "hội đồng quản trị", thực hiện vai trò thay mặt nhân dân - các cổ đông, để giám sát xem hiệu quả sử dụng nguồn lực về tài chính của “doanh nghiệp quốc gia” trong một năm là như thế nào.

Đây cũng là lý do Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, trong Kỳ họp thứ 3 (tháng 5.2022), đã lưu ý các đại biểu không coi quyết toán ngân sách là “việc đã rồi” và buông lỏng giám sát công đoạn này. Thay vào đó, các đại biểu cần nêu cao tinh thần trách nhiệm, tập trung thảo luận, đánh giá thực chất tình hình dự toán, chấp hành và quyết toán ngân sách, phân tích, chỉ rõ nguyên nhân của những bất cập, kéo dài nhiều năm qua.

Tại Kỳ họp này, người đứng đầu Quốc hội tiếp tục đặt ra yêu cầu tương tự. Chủ tịch Quốc hội đề nghị các đại biểu tập trung đóng góp ý kiến để siết chặt kỷ luật, kỷ cương, tăng cường trách nhiệm giải trình và góp phần nâng cao chất lượng công tác xem xét, phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước của Quốc hội.

Từ yêu cầu của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, cử tri kỳ vọng các đại biểu và Quốc hội tiếp tục không coi quyết toán ngân sách là “việc đã rồi” và dành ưu tiên trọng tâm cho việc nâng cao chất lượng giám sát hiệu quả hoạt động của bộ máy nhà nước thông qua giám sát, đánh giá quyết toán ngân sách. Làm tốt công tác này không chỉ tăng minh bạch nền tài chính quốc gia mà còn để nguồn lực và tài sản quốc gia được sử dụng hiệu quả hơn. Đây cũng là “trợ lực chính” cho công tác chống tham nhũng đang rất được người dân quan tâm hiện nay.

Cẩm Phô

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/kinh-te-xa-hoi/siet-chat-ky-cuong-ngan-sach-i330995/