Siết chặt kỷ cương trong sử dụng tài chính và tài sản công

Năm 2017, hoạt động của Kiểm toán Nhà nước (KTNN) góp phần tăng thu, giảm chi ngân sách, xử lý tài chính hàng chục nghìn tỷ đồng. Phóng viên (PV) Báo Quân đội nhân dân có cuộc trao đổi với đồng chí Hồ Đức Phớc, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng kiểm toán Nhà nước (KTNN) về những giải pháp trong thời gian tới để tăng cường hiệu quả giám sát hoạt động đầu tư công, nâng cao kỷ luật, kỷ cương sử dụng tài chính, tài sản công.

Phát hiện các lỗ hổng pháp luật

Phóng viên (PV): Theo đồng chí, những dấu ấn của ngành trong năm 2017 là gì?

Đồng chí Hồ Đức Phớc. Ảnh: Trường Giang

Tổng KTNN Hồ Đức Phớc: Năm 2017, KTNN tiến hành 282 cuộc kiểm toán (có điều chỉnh bổ sung theo đề nghị của Chính phủ), tập trung kiểm toán ngân sách năm 2016 của 47 tỉnh, thành phố và 16 bộ, ngành, cơ quan Trung ương... Tổng hợp kết quả xử lý tài chính đến ngày 4-1-2018 là 43.660 tỷ đồng (tăng thu, giảm chi ngân sách Nhà nước (NSNN) 32.609 tỷ đồng, kiến nghị xử lý khác 11.051 tỷ đồng, tăng 12,5% so với năm 2016). Đồng thời, qua kiểm toán đã kiến nghị sửa đổi, hủy bỏ 96 văn bản pháp luật nhằm bịt lỗ hổng, tránh thất thoát, lãng phí. Trong đó, có nhiều kiến nghị quan trọng nhằm chấn chỉnh những thiếu sót, bất cập trong quản lý, sử dụng đất đai; làm rõ những bất cập của cơ chế quản lý thực hiện các dự án BT, BOT; đầu tư không hiệu quả tại các tập đoàn, tổng công ty... được dư luận xã hội quan tâm, ủng hộ. Đặc biệt, kiểm toán quỹ lương, biên chế một số địa phương, bộ, ngành trong công tác quản lý biên chế công chức, viên chức, người lao động, KTNN phát hiện thừa 57.175 người và kiến nghị chấn chỉnh siết chặt công tác quản lý. Qua kiểm toán xác định giá trị trước khi cổ phần hóa tại 6 doanh nghiệp Nhà nước đã phát hiện, kiến nghị tăng thêm vốn Nhà nước là 8.688 tỷ đồng; xác định các khoản phải nộp NSNN tăng thêm 504,5 tỷ đồng; kiểm toán 22 dự án BOT, kiến nghị giảm thời gian thu phí 62,8 năm…

PV: Nhiều người cho rằng, chất lượng kiểm toán vẫn chưa đáp ứng yêu cầu quản lý trong giai đoạn hiện nay. Đồng chí đánh giá thế nào về ý kiến này?

Tổng KTNN Hồ Đức Phớc: Năm 2017, KTNN đã phát hiện và chuyển 6 vụ việc sang cơ quan cảnh sát điều tra để điều tra xử lý theo pháp luật; cung cấp 14 bộ hồ sơ cho cơ quan kiểm tra, cơ quan có thẩm quyền nghiên cứu xử lý vi phạm. Tuy nhiên, có lúc, có nơi hoạt động kiểm toán vẫn còn hạn chế. Nguyên nhân có nhiều, như: Số lượng kiểm toán viên chưa đáp ứng yêu cầu; năng lực kiểm toán viên cũng còn hạn chế; một số lĩnh vực mới chưa có kinh nghiệm; phương pháp, công cụ, phương tiện chưa đáp ứng yêu cầu; chưa hoàn thiện pháp luật trong lĩnh vực KTNN cho nên còn có “khoảng trống pháp luật”, do đó hiệu lực chưa cao…

Vì vậy, vấn đề đặt ra là phải tăng cường nâng cao bản lĩnh, bồi dưỡng đạo đức và năng lực cho kiểm toán viên; áp dụng công nghệ thông tin và các công cụ hiện đại trong hoạt động kiểm toán. Bảo đảm hoạt động KTNN ngày càng hiệu quả, xứng đáng là công cụ kiểm tra tài chính, tài sản công của Đảng, Nhà nước uy tín, trách nhiệm, chuyên nghiệp và hiện đại.

Xác nhận tính đúng đắn của các báo cáo quyết toán ngân sách

PV: Nhiệm vụ trọng tâm và những sách lược nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động trong năm 2018 của ngành kiểm toán sẽ như thế nào, thưa đồng chí?

Tổng KTNN Hồ Đức Phớc: Năm 2018, KTNN tiếp tục đẩy mạnh hiệu quả, hiệu lực hoạt động kiểm toán, nâng cao chất lượng, kết quả kiểm toán để ngày càng khẳng định vị thế của cơ quan KTNN trong hệ thống Nhà nước pháp quyền, xứng đáng với địa vị pháp lý là cơ quan do Quốc hội thành lập, hoạt động độc lập và chỉ tuân theo pháp luật. KTNN sẽ tổ chức thực hiện 205 cuộc kiểm toán thuộc kế hoạch kiểm toán. Theo đó, KTNN tập trung kiểm toán ngân sách năm 2017 của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các bộ, cơ quan Trung ương có quy mô lớn để xác nhận tính đúng đắn, trung thực của báo cáo quyết toán ngân sách làm căn cứ để hội đồng nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và Quốc hội phê chuẩn quyết toán ngân sách năm 2017 theo quy định; tập trung kiểm toán việc đẩy mạnh cơ cấu lại tổng thể các ngành, lĩnh vực kinh tế trên phạm vi cả nước và từng địa phương, doanh nghiệp với tầm nhìn dài hạn, có lộ trình cụ thể; gắn kết chặt chẽ giữa cơ cấu lại tổng thể nền kinh tế với cơ cấu lại các ngành, lĩnh vực...

Năm 2018, KTNN tập trung kiểm toán các dự án BOT, BT. Trong ảnh: Một đoạn cao tốc Nội Bài-Lào Cai chạy qua địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc. Ảnh: Trọng Hải

PV: Năm 2018, KTNN Việt Nam đăng cai tổ chức Đại hội ASOSAI (Tổ chức Các cơ quan kiểm toán tối cao châu Á) lần thứ 14 và là Chủ tịch ASOSAI nhiệm kỳ 2018-2021. Đồng chí có thể chia sẻ rõ hơn về ý nghĩa hoạt động này?

Tổng KTNN Hồ Đức Phớc: Với mục tiêu tiếp tục tăng cường hơn nữa vị thế đã được xác lập, KTNN Việt Nam sẽ đăng cai tổ chức Đại hội ASOSAI 14 vào năm 2018 và là Chủ tịch ASOSAI nhiệm kỳ 2018-2021. Đồng thời, KTNN Việt Nam là thành viên Ban điều hành ASOSAI trong 3 nhiệm kỳ liên tiếp (9 năm) từ năm 2015 đến 2024. Các sự kiện chính thức của Đại hội ASOSAI 14 diễn ra trong 4 ngày, từ 19 đến 22-9-2018. Đây là lần đầu tiên KTNN Việt Nam đăng cai tổ chức Đại hội ASOSAI 14 tại Thủ đô Hà Nội. Đại hội ASOSAI 14 là sự kiện chính trị-ngoại giao có ý nghĩa hết sức quan trọng, minh chứng cho sự trưởng thành và phát triển của KTNN, khẳng định vị trí và vai trò của KTNN trong khu vực và trên thế giới. Đại hội ASOSAI 14 là cơ hội để KTNN Việt Nam tiếp tục đổi mới, hoàn thiện về mọi mặt, nâng cao năng lực chuyên môn, tạo môi trường và động lực cho đội ngũ kiểm toán viên rèn luyện, tăng cường học hỏi kinh nghiệm và đạo đức nghề nghiệp trong môi trường quốc tế.

PV: Trân trọng cảm ơn đồng chí!

HOÀNG TRƯỜNG GIANG (thực hiện)

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/kinh-te/chinh-sach/siet-chat-ky-cuong-trong-su-dung-tai-chinh-va-tai-san-cong-532265