Siết chặt quản lý an toàn hồ đập thủy điện mùa mưa bão

Công trình thủy điện Đăkđrinh (tại địa bàn H. Sơn Tây, Quảng Ngãi).

(Cadn.com.vn) - Trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi hiện có 6 hồ đập thủy điện đang vận hành, riêng trên thượng nguồn sông Trà Khúc có liên hồ thủy điện lớn là Đăkđrinh và Nước Trong với tổng dung tích gần 540 triệu mét khối. Để chủ động và hạn chế đến mức thấp nhất những sự cố liên quan đến các dự án thủy điện có thể xảy ra, nhất là trong mùa mưa bão, tỉnh Quảng Ngãi đã chủ động triển khai các biện pháp nhằm siết chặt công tác quản lý an toàn hồ đập thủy điện trên địa bàn.

Thủy điện Đăkđrinh thuộc Cty thủy điện Đăkđrinh là một trong những dự án thủy điện lớn nhất tỉnh Quảng Ngãi. Mùa mưa bão năm nay, phương án phòng chống lụt bão đã được đơn vị quản lý thủy điện này triển khai từ sớm và kiện toàn với 3 phương án gồm: Phương án phòng chống lụt bão, bảo đảm an toàn đập; phương án phòng chống lũ lụt vùng hạ du và phương án ứng cứu tình huống khẩn cấp. Tại đập đầu mối của công trình hồ thủy điện Đăkđrinh cũng được trang bị máy phát điện dự phòng, bố trí lực lượng ứng trực 24/24 để sẵn sàng xử lý tình huống, đồng thời trang bị 141 thiết bị quan trắc nhằm phục vụ cho vận hành hồ đập và phòng chống thiên tai mùa mưa bão. Ông Nguyễn Duy Nghĩa, Phó quản đốc vận hành thủy điện Đăkđrinh, cho biết: "Ở hiện trường, tất cả các thiết bị về cơ khí thủ công để đảm bảo cho công tác xả lũ và chặn lũ đã được bảo dưỡng, đảm bảo hoạt động tốt. Công tác 4 tại chỗ đã được chuẩn bị. Đơn vị cũng đã thành lập đội thanh niên xung kích và ban phòng chống lụt bão và phối hợp với UBND H. Sơn Tây triển khai phương án phóng chống mùa mưa bão".

Những địa phương nằm trong vùng dự án, vùng hạ du của các thủy điện cũng đã có sự phối hợp chặt chẽ với các đơn vị quản lý thủy điện để triển khai các phương án ứng phó dựa trên phương châm 4 tại chỗ để chủ động xử lý kịp thời các tình huống xấu xảy ra. Theo Phó Chủ tịch UBND H. Sơn Tây Đinh Quang Ven cho hay: "Địa phương đã có phương án phối hợp và khi dự án thủy điện xả lũ thì phải có phương án cảnh báo cho địa phương sớm để thông báo cho chính quyền thôn, xóm dọc bờ sông biết để thông báo dân tránh. Ít nhất phải thông báo trước 3 tiếng đồng hồ trước khi xả lũ".

Với chức năng là cơ quan quản lý nhà nước trên lĩnh vực này, ông Dương Văn Tô, Phó BCH Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh, Giám đốc Sở NN&PTNT Quảng Ngãi cho biết: "Sở đã chỉ đạo cho các đơn vị phải có phương án an toàn đập và phương án phòng chống lũ. Trên cơ sở đó hợp đồng chặt chẽ với các địa phương để khi có sự cố thì theo lệnh của cấp có thẩm quyền mới được xả lũ và buộc phải thông báo kịp thời cho dân vùng hạ du biết để di dời tránh thiệt hại về người và tài sản. Đặc biệt là chỉ đạo các đơn vị thủy điện phải tuân thủ quy trình vận hành liên hồ chứa đã được Bộ Công Thương phê duyệt".

Thực tế đã cho thấy hậu quả từ các vụ vỡ đập thủy điện đã gây thiệt hại rất lớn về người và tài sản khiến người dân vùng thủy điện luôn sống trong cảnh bất an, nhất là vào mỗi mùa mưa bão. Do vậy, việc chủ động siết chặt công tác quản lý an toàn hồ đập thủy điện, cũng như triển khai các phương án ứng phó khi xảy ra sự cố như tỉnh Quảng Ngãi đang triển khai là hết sức cần thiết để ngăn ngừa các sự cố vỡ đập thủy điện lặp lại, bảo vệ an toàn cho tính mạng và tài sản của nhân dân.

Trung Thành

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/75_156934_sie-t-cha-t-qua-n-ly-an-toa-n-ho-da-p-thu-y-die-n-.aspx